Sau sáp nhập xã, nhiều trụ sở tiền tỷ ở Hà Tĩnh bỏ hoang

Nhiều trụ sở làm việc trị giá hàng tỷ đồng ở Hà Tĩnh bị bỏ hoang sau khi địa phương này thực hiện sáp nhập địa giới hành chính cấp xã.

Video: Nhiều trụ sở xã tiền tỷ ở Hà Tĩnh bị bỏ hoang

Thực hiện đề án sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã giai đoạn 2019 - 2020, tỉnh Hà Tĩnh từ 262 xã giảm xuống còn 216 xã. Sau sáp nhập hình thành 34 xã mới trên cơ sở sáp nhập lại 80 xã theo địa giới hành chính mới.

Tuy nhiên, sau sáp nhập, nhiều trụ sở làm việc mới xây dựng, tu bổ với kinh phí nhiều tỷ đồng không được sử dụng, gây lãng phí.

Trụ sở xã Thạch Hương (cũ) đang bị bỏ hoang sau sáp nhập.

Trụ sở xã Thạch Hương (cũ) đang bị bỏ hoang sau sáp nhập.

Tại huyện Thạch Hà (Hà Tĩnh), xã Thạch Lâm, Thạch Hương, Thạch Tân sáp nhập thành xã Tân Hương Lâm. Sau sáp nhập, trụ sở xã, trạm y tế xã Thạch Lâm và Thạch Hương đang bị bỏ hoang.

Một người dân xã Thạch Lâm (cũ) cho biết: "Việc sáp nhập xã là chủ trương đúng đắn nhằm tinh giản bộ máy hành chính cồng kềnh, nâng cao hiệu quả hoạt động về quản lý nhà nước tại địa phương, cắt giảm chi phí ngân sách nhà nước về công tác cán bộ...

Tuy nhiên, sau sáp nhập nhiều trụ sở làm việc đang bị bỏ hoang, chưa có kế hoạch sử dụng rất lãng phí ngân sách nhà nước".

Tại xã Thạch Hương (cũ), nhà văn hóa xã được xây mới hơn 4 tỷ đồng, mới đưa vào sử dụng gần 2 năm nay, nhưng đến nay lại trong tình trạng "cửa đóng then cài".

Ông Nguyễn Đình Kiều, nguyên Chủ tịch UBND xã Thạch Hương (cũ), nay là Phó chủ tịch UBND xã Tân Hương Lâm cho biết, thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, từ năm 2017 - 2019, xã đầu tư hơn 8 tỷ đồng xây mới hội trường, nâng cấp sửa chữa hai dãy nhà làm việc nhằm đạt chuẩn nông thôn mới.

Người dân tận dụng khuôn viên trụ sở xã Thạch Lâm cũ để luyện tập thể thao.

Người dân tận dụng khuôn viên trụ sở xã Thạch Lâm cũ để luyện tập thể thao.

Ở huyện Đức Thọ (Hà Tĩnh), sau sáp nhập địa giới hành chính cấp xã, huyện từ 28 xã, thị trấn giảm còn 16 xã, thị trấn. Hiện 12 trụ sở xã đang bị bỏ hoang.

Tại huyện Thạch Hà (Hà Tĩnh), 31 xã, thị trấn sáp nhập còn 22 xã, thị trấn. 9 trụ sở xã không được sử dụng.

Tại huyện Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh), từ 27 xã giảm xuống còn 23 xã, hình thành 3 xã mới trên cơ sở sáp nhập 7 xã.

Trả lời VTC News, ông Nguyễn Văn Hoàng, Chánh văn phòng HĐND, UBND huyện Cẩm Xuyên cho biết: "Các trụ sở xã dôi dư sau sáp nhập huyện đang xin ý kiến của tỉnh để thanh lý, trước mắt đang giao cho các địa phương quản lý".

Theo ông Hà Văn Trọng, Giám đốc Sở Tài chính Hà Tĩnh, các trụ sở dư thừa sau khi sáp nhập các xã, theo phương án tỉnh giao cho huyện.

Việc trụ sở dư thừa sau sáp nhập chưa có phương án xử lý do huyện chủ trì, Sở chỉ tham mưu, thẩm định giá.

PHAN ẤN

Nguồn VTC: https://vtc.vn/sau-sap-nhap-xa-nhieu-tru-so-tien-ty-o-ha-tinh-bo-hoang-ar571001.html