Sau cú sốc bầu cử Nghị viện châu Âu, các nhóm chính trị chạy đua tìm liên minh

Các chính đảng lớn tại Liên minh châu Âu hôm qua (11/6) đã bắt đầu cuộc đua tìm kiếm liên minh được dự báo là khó khăn nhất từ trước tới nay. Kết quả các cuộc bầu cử cuối tuần qua cho thấy, Nghị viện châu Âu khóa mới sẽ có nhiều thành viên cánh hữu hơn bao giờ hết, chiếm gần 1/4 trong tổng số 720 ghế.

Phiên họp toàn thể đầu tiên của Nghị viện châu Âu khóa mới sẽ diễn ra từ ngày 16-19/7. Trong thời gian này, Nghị viện châu Âu sẽ tiến hành bầu chủ tịch và các phó chủ tịch, đồng thời quyết định số lượng đại biểu của mỗi ủy ban trực thuộc. Cơ quan lập pháp mới cũng sẽ bỏ phiếu bầu chủ tịch mới của Ủy ban châu Âu và xem xét ứng cử viên cho các vị trí ủy viên trong thể chế này.

Bà Leyen. Ảnh: AP.

Bà Leyen. Ảnh: AP.

Tuy nhiên, trước khi diễn ra phiên họp toàn thể, các đại biểu mới sẽ phải tập hợp thành các nhóm chính trị được thành lập trên cơ sở “gia đình chính trị” của mình. Như vậy, cán cân quyền lực cuối cùng tại Nghị viện vẫn chưa hoàn toàn được xác định.

Ngay từ đầu tuần này, các cuộc thương lượng đã bắt đầu diễn ra để hình thành các liên minh mới, trong bối cảnh sự hiện diện đông đảo hơn của các đảng cánh hữu. Trong phát biểu đầu tiên kể từ khi các kết quả bầu cử được công bố, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Leyen hôm qua tuyên bố ưu tiên trước mắt vẫn là duy trì liên minh với các đảng Dân chủ Xã hội và các đảng theo chủ nghĩa tự do: "Trong những thời điểm hỗn loạn này, chúng ta cần sự ổn định. Chúng ta cần trách nhiệm giải trình và sự liên tục. Trong nhiệm kỳ đầu tiên nhậm chức của mình, tôi đã cho thấy một sợi dây EU vững chắc có thể đạt được những gì. Và mục tiêu của tôi là tiếp tục đi theo con đường này với những người ủng hộ Liên minh châu Âu, ủng hộ Ukraine và ủng hộ pháp quyền. Cùng nhau, chúng ta sẽ và có thể tạo thành một pháo đài chống lại các tư tưởng cực đoan từ cả cánh hữu và cánh tả. Điều này là cần thiết trong bối cảnh chúng ta đang phải đối mặt với những thách thức to lớn."

Theo dự đoán mới nhất, ba nhóm chính trị truyền thống vẫn duy trì được đa số trong Nghị viện châu Âu (EP) nhiệm kỳ 2024 – 2029, là đảng Nhân dân châu Âu (EPP), Liên minh Tiến bộ xã hội và dân chủ (S&D) và đảng Đổi mới châu Âu. Tuy nhiên, các đảng dân túy và cánh hữu đã vươn lên chiếm 1/4 trên tổng số 720 ghế tại Nghị viện, trong đó Đảng Bảo thủ và Cải cách châu Âu sẽ có 73 ghế. Đảng Bản sắc và Dân chủ sẽ có 58 ghế. AfD- một đảng không liên kết sẽ có 15 thành viên, và Fidesz theo chủ nghĩa dân tộc cực đoan của Hungary sẽ có 11 thành viên.

Nghị viện châu Âu là trụ cột của hệ thống lập pháp Liên minh châu Âu. Các đạo luật được thông qua tại cơ quan này có giá trị tại tất cả 27 nước thành viên, mỗi nước có quyền siết thêm, nhưng không được nới lỏng hơn những gì đã được quyết tại Nghị viện châu Âu. Những quy định nhất quán tạo dựng sức mạnh chung của Liên minh châu Âu. Chính vì thế, một Nghị viện châu Âu bị phân mảnh có thể làm lung lay khối thống nhất của ngôi nhà chung châu Âu.

Thu Hoài/VOV1 tổng hợp

Nguồn VOV: https://vov.vn/the-gioi/sau-cu-soc-bau-cu-nghi-vien-chau-au-cac-nhom-chinh-tri-chay-dua-tim-lien-minh-post1101150.vov