Sâu ban miêu chứa chất độc gì khiến người ăn bị ngộ độc và tử vong?

Sâu ban miêu chứa độc tố cantharidin, không thể phân hủy dù chế biến ở nhiệt độ cao do đó nếu ăn phải sâu ban miêu, người ăn sẽ bị ngộ độc và dẫn đến tử vong.

Sâu ban miêu.

Sâu ban miêu.

Mới đây ngày 18/7, cơ quan chức năng tỉnh Lào Cai cho biết xã Mường Khương vừa ghi nhận một trường hợp tử vong sau 2 ngày ăn một loại côn trùng giống sâu ban miêu bắt trên nương ngô.

Nạn nhân là ông L. V. Ch., dân tộc Nùng, trú tại thôn Cốc Chứ, xã Mường Khương. Theo bà P. Th. Nh. (vợ ông L. V. Ch.), sáng 9/7, hai ông bà đi làm nương ngô, ông Ch. thấy có nhiều con sâu ban miêu ở cây rau bí được trồng xen với ngô, ông Ch. nghĩ ăn được nên bắt khoảng 20 con về rửa sạch, rang mỡ muối để ăn bữa trưa.

Khi ông Ch. ăn con sâu đầu tiên vào thấy hơi đắng nhưng cho rằng đó là thuốc và cố ăn tiếp. Sau đó khoảng một giờ đồng hồ, ông Ch. thấy buồn nôn và nôn nhiều lần, cảm giác tức ngực, khó thở, đau bụng, đi ngoài nhiều. Đến khoảng 15 giờ cùng ngày, ông Ch. được gia đình đưa đi Bệnh viện Đa khoa khu vực Mường Khương điều trị.

Tại đây, ông Ch. có biểu hiện đau bụng, buồn nôn và nôn nhiều lần, toàn thân tê mỏi, miệng đỏ và tê, đau tức ngực, khó thở, suy hô hấp, nước tiểu có máu. Đến 5 giờ ngày 11/7, ông Ch. trở nặng, được chuyển đến Bệnh viện Đa khoa số 2 tỉnh Lào Cai điều trị. Tuy nhiên ông Ch. đã tử vong trên đường đi.

 Mẫu sâu ban miêu đã rang còn lại sau bữa ăn nhà ông L.V.C. (Nguồn: Báo Lào Cai)

Mẫu sâu ban miêu đã rang còn lại sau bữa ăn nhà ông L.V.C. (Nguồn: Báo Lào Cai)

Trước đó, tháng 5/2025, tỉnh Lào Cai cũng đã ghi nhận 1 trường hợp phải nhập viện cấp cứu do ngộ độc sâu ban miêu gây suy thận, tiêu cơ vân.

Theo các nhà khoa học, sâu ban miêu ở Việt Nam thường được tìm thấy trên thân cây đậu (còn được gọi là sâu đậu). Sâu ban miêu phân bố rộng khắp như đồng ruộng, rừng núi với hàng chục loài khác nhau. Đây là côn trùng nằm trong nhóm cực độc.

Sâu ban miêu (tên khoa học là Cantharis vesicatoria) còn gọi là manh trùng, ban manh, ban mao, thực chất là những loại sâu có cánh cứng, màu xanh lục biếc, dài khoảng 15-20mm, ngang 4-6mm. Có đầu hình tim, rãnh dọc ở giữa, râu đen hình sợi. Thân đốt, giữa đầu và thân có một chỗ thắt lại. Phía trên 2 cánh màu đen có các chấm màu vàng hoặc màu đỏ nhạt, hoặc thân màu vàng với các điểm hay các dải ngang màu đen.

Sâu và bọ xít có nhiều loài mang chất độc và rất dễ nhầm lẫn giữa loài có độc và không độc. Nhiều trường hợp người dân ăn bọ xít nhưng ăn nhầm hoặc lẫn sâu ban miêu nên đã ngộ độc tử vong.

Sâu ban miêu là côn trùng cực độc

Thành phần hóa học gây độc trong sâu ban miêu là cantharidin. Thông thường chỉ con đực mới có thể bài tiết cantharidin và truyền sang con cái vào mùa sinh sản, con cái sẽ sử dụng chất tiết chứa cantharidin bọc bên ngoài trứng có tác dụng bảo vệ trứng bằng cách nếu trứng của chúng bị các loại động vật khác dùng làm thức ăn sẽ gây độc cho các loài động vật đó.

Sau khi ăn sâu ban miêu, chất Cantharidin tiếp xúc với da hoặc niêm mạc thì gây hiện tượng li gai, da niêm mạc tại vùng tiếp xúc bị tổn thương như bỏng hóa chất, sau đó hình thành phỏng nước và nguy cơ tiến triển thành nhiễm trùng.

Bệnh nhân có thể bị bỏng niêm mạc đường tiêu hóa do ăn nhầm hoặc cố ý nguy cơ nhiễm trùng cao do thẩm lậu vi khuẩn gram âm đường ruột và kị khí vào ổ bụng và máu. Tổn thương tại niêm mạc đường tiêu hóa dẫn đến đau bụng, buồn nôn, nôn và ỉa chảy nhiều. Nặng hơn viêm dạ dày ruột và xuất huyết tiêu hóa làm mất nước nghiêm trọng trong lòng mạch dẫn đến suy giảm chức năng thận sớm.

Biểu hiện chính của ngộ độc Cantharidin

 Sâu ban miêu.

Sâu ban miêu.

Ban đầu hình thành bọng nước ngoài da khi tiếp xúc, tiếp đến tổn thương niêm mạc đường tiêu hóa, tổn thương đa cơ quan, thậm chí tử vong. Sau ăn sâu ban miêu, bệnh nhân có các biểu hiện sau: buồn nôn, đau bụng, tê bì đầu lưỡi và mặt, yếu cơ tứ chi, đái máu toàn bãi.

Với liều 0,03g cho 1 lần ăn hoặc uống phải hay liều 0,06g bột sâu ban miêu trong 24 giờ, hoặc 0,2mg chất cantharidin trong 24 giờ đủ để làm chết người. Vì vậy, tuyệt đối không được tự sử dụng trong chữa bệnh để tránh ngộ độc sâu ban miêu.

Giáo sư, Tiến sỹ khoa học Vũ Quang Côn cảnh báo không được sử dụng sâu ban miêu làm thực phẩm dù chế biến bằng bất kỳ cách nào.

Ngộ độc sâu ban miêu hiếm gặp nhưng rất nặng nề và gây khó khăn cho hầu hết các bác sỹ cấp cứu vì không có phác đồ điều trị rõ ràng. Theo ghi nhận nhiều năm trở lại đây, hầu hết các trường hợp ngộ độc sâu ban miêu đều dẫn đến tử vong.

Phòng tránh ngộ độc sâu ban miêu

Để phòng tránh tình trạng ngộ độc do ăn sâu ban miêu, người dân cần tuân thủ các biện pháp sau:

- Tuyệt đối không ăn các loại côn trùng lạ, kiểm tra kỹ khi mua rau củ quả để không lẫn sâu ban miêu trong thực phẩm.

- Cần lưu ý khi sử dụng thuốc đông y vì một số bài thuốc dân gian không rõ nguồn gốc thường có thành phần từ sâu ban miêu.

- Khi nghi ngờ bị ngộ độc sâu ban miêu, hãy nhanh chóng đưa đến cơ sở y tế gần nhất để được xử lý kịp thời.

- Người dân khi lao động có tiếp xúc loại sâu này cần sử dụng dụng cụ bảo vệ như đeo kính, găng tay, quần áo dài tay, tránh tiếp xúc trực tiếp, đặc biệt tiếp xúc da trên diện rộng, mắt hay các vùng da mỏng. Nếu không may mắt tiếp xúc với sâu thì cần rửa ngay bằng nhiều nước kết hợp với chớp mắt trong nhiều phút, da tiếp xúc thì rửa bằng nhiều nước sạch với xà phòng./.

(Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: https://www.vietnamplus.vn/sau-ban-mieu-chua-chat-doc-gi-khien-nguoi-an-bi-ngo-doc-va-tu-vong-post1050386.vnp