Sau bài báo viết về nước sạch nhiễm Nitrit ở Hà Nam: Doanh nghiệp xin được tự bỏ vốn đầu tư

Báo Tiền Phong số ra ngày 22/6 đăng tải bài viết 'Cả vạn hộ dân ở Hà Nam dùng nước sạch nhiễm bẩn', phản ánh người dân 5 xã tại huyện Bình Lục sử dụng nước sạch do Nhà máy nước sạch Đồng Du (xã Đồng Du, huyện Bình Lục) cung cấp nhiễm Nitrit - một chất có nguy cơ gây ung thư.

Sau khi báo đăng, trao đổi với Tiền Phong, ông Trương Quốc Huy - Chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam cho biết, đã giao các cơ quan chuyên môn phối hợp với nhà máy xác minh, làm rõ nguyên nhân. Từ đó, tham mưu để tỉnh có biện pháp xử lý phù hợp, đảm bảo sức khỏe người dân.

Sau khi tiếp nhận thông tin từ báo Tiền Phong về chất lượng nước của nhà máy nước sạch Đồng Du, Cty TNHH Xây dựng Mỹ Đà đã lấy mẫu nước mặt sông Châu Giang xét nghiệm. Đồng thời, làm việc với UBND xã Đồng Du, UBND huyện Bình Lục và Sở NN&PTNT để làm rõ nguyên nhân ảnh hưởng đến chất lượng nước sạch và hướng xử lý.

Bể lắng Nhà máy nước sạch Đồng Du

Bể lắng Nhà máy nước sạch Đồng Du

Kết quả thử nghiệm lấy mẫu với kết quả ban hành ngày 24/6/2024 do Trung tâm kiểm nghiệm TSL Hà Nội thực hiện cho thấy, hàm lượng Nitrit trong mẫu nước mặt sông Châu Giang là 1,35mg/l (QCVN 08/2023/BTNMT: 0,05mg/l), vượt ngưỡng cho phép 27 lần. Ngoài ra, một xét nghiệm khác đối với nước sạch đầu ra trong tháng 6 cũng cho kết quả có hàm lượng Nitrit vượt ngưỡng cho phép nhiều lần. “Nước mặt sông Châu Giang có hàm lượng Nitrit quá cao. Từ đó, ảnh hưởng đến chất lượng nước sạch đầu ra cũng bị nhiễm Nitrit. Ngay khi có kết quả nước sạch nhiễm Nitrit, nhà máy đã có công văn khuyến cáo gửi người dân 5 xã. Trong đó, nhà máy cho biết, chất Nitrit có ảnh hưởng đến sức khỏe nên khuyến cáo người không nên sử dụng cho ăn uống trong thời gian nguồn nước sạch đang bị ô nhiễm”, ông thông tin.

Về giải pháp trước mắt, ông Phạm Huy Ngọc, Tổng Giám đốc Cty TNHH xây dựng Mỹ Đà, cho biết, trước mắt nhà máy sẽ khoanh vùng, giảm lượng nước cấp so với hiện nay để nâng cấp chất lượng nước sạch. Đồng thời, nhà máy sẽ bơm nước mặt lên hồ sơ lắng của nhà máy vào thời điểm nước ngoài sông Châu Giang dâng cao hoặc khi thời tiết mưa nhiều, mưa lớn. Ngoài ra, nhà máy cũng sẽ giảm thiểu hàm lượng Nitrit bằng cách tạo bông kết tủa để hàm lượng Nitrit sẽ bị lôi cuốn một phần, cùng với các hạt bông kết tủa và được lắng xuống đáy bể. Đồng thời, đề nghị chính quyền địa phương tuyên truyền để người dân không được xả thải ra sông Châu Giang.

Ông Phạm Huy Ngọc cũng đề nghị UBND huyện Bình Lục, Sở NN&PTNT trình UBND tỉnh Hà Nam cho phép doanh nghiệp tiến hành triển khai thi công Dự án đập Quang Trung - Vĩnh Trụ. Việc triển khai dự án này nằm điều tiết, lấy nước sông Hồng, sông Đáy... vào hệ thống, lưu thông nguồn nước và thau rửa thường xuyên sông Châu Giang. Cty đề xuất được tự bỏ vốn đầu tư, nâng cấp công nghệ xử lý nước phù hợp khi được cấp có thẩm quyền cho phép.

Trong khi đó, ông Trương Quốc Huy, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam thì cho rằng, về lâu dài tỉnh sẽ xem xét, triển khai đề án dẫn nước sông Hồng để cung cấp cho các nhà máy nước sạch Đồng Du và các nhà máy nước khác trên địa bàn. Tuy nhiên, việc này cần phải có thời gian chứ không thể ngày một, ngày hai. “Chúng tôi sẽ xem xét, sớm nghiên cứu các phương án phù hợp để đảm bảo chất lượng nước sạch cho người dân Bình Lục nói riêng, người dân tỉnh Hà Nam nói chung”, ông Huy nói.

Thanh Hiếu

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/sau-bai-bao-viet-ve-nuoc-sach-nhiem-nitrit-o-ha-nam-doanh-nghiep-xin-duoc-tu-bo-von-dau-tu-post1651184.tpo