Sau 30 năm tái lập tỉnh: Hạ tầng thương mại với dấu ấn đổi thay

Từ 1 tỉnh nghèo, cơ sở hạ tầng hạn chế, kinh tế kém phát triển, nhưng sau 30 năm tái lập tỉnh, Bình Thuận đã đạt nhiều thành tựu đáng ghi nhận trên tất cả các lĩnh vực. Đặc biệt, cơ sở hạ tầng thương mại được quan tâm đầu tư, phát triển, đáp ứng tốt nhu cầu tiêu dùng và trao đổi hàng hóa của nhân dân, góp phần tích cực thúc đẩy sản xuất hàng hóa, kinh tế - xã hội của địa phương.

Hành trình đổi thay

Sau chặng đường dài 30 năm phát triển (1992 – 2022), việc giao thương, mua sắm của người tiêu dùng trên địa bàn tỉnh có sự chuyển biến rõ rệt. Thị trường hàng hóa cũng đa dạng, thông suốt giữa Bình Thuận với các vùng miền của cả nước. Mạng lưới chợ, trung tâm thương mại, siêu thị, chuỗi cửa hàng tiện lợi dần được hình thành không những ở thành thị mà còn phát triển tại địa bàn nông thôn, miền núi, hải đảo nên đảm bảo nhu cầu tiêu dùng hàng hóa của người dân. Anh Nguyễn Văn Thanh (huyện Hàm Thuận Bắc) cho biết: “Bây giờ ở Bình Thuận, mình muốn mua mặt hàng nào cũng có, từ nội tỉnh, trong nước đến hàng nhập khẩu đều có mặt tại các chợ, siêu thị lớn. Trước đây muốn mua máy móc, thiết bị phục vụ sản xuất nông nghiệp, tôi phải vào các thành phố lớn mới có, giờ các chợ lớn, cửa hàng trong tỉnh không thiếu mặt hàng nào, rất tiện lợi. Các mặt hàng còn đa dạng về chủng loại, giá cả phù hợp túi tiền người mua”.

Đa dạng, phong phú các mặt hàng tại siêu thị Co.opMart Phan Thiết. (ảnh: N. Lân)

Đặc biệt, sự xuất hiện của Siêu thị Co.opMart Phan Thiết vào năm 2007 đã giúp người tiêu dùng ở Bình Thuận tiếp cận cách mua sắm mới, hiện đại, tiện nghi, văn minh với hơn 30.000 mặt hàng từ 600 nhà cung cấp. Qua 14 năm hình thành và phát triển, lượng hàng hóa tại siêu thị tăng dần theo từng năm, trong đó hơn 95% lượng hàng hóa kinh doanh tại siêu thị là hàng Việt Nam chất lượng cao.

Giám đốc Siêu thị Co.opMart Phan Thiết - Nguyễn Thị Hồng Loan chia sẻ: “Từ lúc thành lập đến nay, siêu thị tăng trưởng 117%, tổng tài sản, lợi nhuận trước thuế tăng hơn 400%. Lợi nhuận so với những năm đầu thành lập tăng 500%... Sự ra đời của Siêu thị Co.opMart Phan Thiết đánh dấu là một trung tâm thương mại đầu tiên với quy mô lớn, sầm uất được người dân Bình Thuận đón nhận và góp phần quan trọng vào sự phát triển hạ tầng thương mại ở địa phương”.

Sự ra đời của Siêu thị Co.opMart Phan Thiết đánh dấu một trung tâm thương mại đầu tiên với quy mô lớn, sầm uất. Ảnh: N.Lân

Vào năm 2013, sự xuất hiện tiếp theo của trung tâm thương mại Lotte Mart Phan Thiết, được kỳ vọng thay đổi lớn cho thị trường bán lẻ ở Bình Thuận và các vùng lân cận. Lotte Mart cũng là nhà bán lẻ nước ngoài đầu tiên về Bình Thuận mở trung tâm thương mại với nhiều dịch vụ tiện ích, nhiều sản phẩm nhập khẩu từ Hàn Quốc, góp phần làm đa dạng thị trường mua sắm, vui chơi hiện đại, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người dân địa phương cũng như khách du lịch trong và ngoài nước đến tham quan thành phố biển.

Hạ tầng thương mại văn minh, hiện đại

Theo Sở Công Thương, toàn tỉnh có 137 chợ đang hoạt động, trong đó có 1 chợ hạng 1, 14 chợ hạng 2 và các chợ hạng 3. Ngoài ra, tỉnh còn hình thành hệ thống chuỗi phân phối bán buôn, bán lẻ hiện đại rộng khắp với nhiều hình thức đa dạng. Bao gồm: 1 trung tâm thương mại (Lotte Mart), 3 Siêu thị Co.opMart ở Phan Thiết, La Gi và Phan Rí Cửa, 75 chuỗi cửa hàng tiện lợi (57 chuỗi cửa hàng Bách Hóa Xanh, 15 chuỗi cửa hàng Vinmart+, 3 chuỗi cửa hàng Coopfood) và hệ thống các cửa hàng bán lẻ, siêu thị điện máy… Cùng với đó, công tác xúc tiến thương mại được quan tâm hơn, hàng năm đều triển khai các chương trình kích cầu, đưa hàng Việt về nông thôn, miền núi, hải đảo gắn với hưởng ứng tích cực Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” của Bộ Chính trị.

Chuỗi cửa hàng tiện lợi Bách Hóa Xanh. Ảnh: M.Vân

Chính sự xuất hiện và phát triển của chợ truyền thống, trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng tiện lợi không chỉ người dân được hưởng lợi mà còn góp phần thúc đẩy tiêu thụ hàng hóa sản xuất trong và ngoài tỉnh, nâng cao tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ cho địa phương. Chỉ tính 6 tháng đầu năm 2022, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ ước đạt 33.765 tỷ đồng, đạt 48% kế hoạch năm, tăng 14,6% so cùng kỳ. Những con số biết nói đã minh chứng cụ thể cho sự phát triển hạ tầng thương mại của tỉnh. Để hạ tầng thương mại tiếp tục phát triển ngang tầm với tiềm năng, lợi thế của địa phương, thời gian tới tỉnh Bình Thuận cần đẩy mạnh xã hội hóa trong đầu tư, khai thác hệ thống chợ, chợ đầu mối, trung tâm thương mại... tại các đô thị và khu vực nông thôn theo quy hoạch; triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án Phát triển chợ trên địa bàn tỉnh, tạo điều kiện thuận lợi để phát triển siêu thị, cửa hàng tiện lợi với các hình thức thanh toán linh hoạt, chú trọng phát triển thương mại điện tử.

Đẩy mạnh xã hội hóa trong đầu tư xây dưng chợ mới. Ảnh: M.Vân

Đồng thời, quan tâm hỗ trợ nguồn vốn từ ngân sách nhà nước xây dựng cơ sở hạ tầng chợ. Lồng ghép việc triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới để nâng cấp, cải tạo hạ tầng chợ nông thôn, trong đó ưu tiên khu vực vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, để dần thay đổi diện mạo thương mại và rút ngắn khoảng cách với các chợ vùng trung tâm… Có như vậy, hạ tầng thương mại của tỉnh sẽ tiếp tục có nhiều dấu ấn nổi bật trong giai đoạn tiếp theo.

Nguồn Bình Thuận: https://baobinhthuan.com.vn/sau-30-nam-tai-lap-tinh-ha-tang-thuong-mai-voi-dau-an-doi-thay-99746.html