Sau 100 ngày đầu của ông Biden, nhiều người đã nghĩ đến nhiệm kỳ 2

Sau 100 ngày tại nhiệm, Tổng thống Joe Biden cho thấy ông hoàn toàn có thể thoát khỏi cái bóng của người tiền nhiệm và trở thành người có dấu ấn quan trọng trong lịch sử.

Tháng 8/2020, trong chiến dịch tranh cử, ứng viên Joe Biden tự so sánh mình với cố Tổng thống Franklin Delano Roosevelt. Tổng thống Roosevelt là người đã đưa nước Mỹ vượt qua cuộc Đại suy thoái những năm 1930 cũng như đánh bại trùm phát xít Adolf Hitler trong Thế chiến II. Ông cho thấy nước Mỹ có thể phục hồi và hùng mạnh trở lại.

“Và chúng ta cũng vậy”, ứng viên Biden khẳng định.

Khi đó, tuyên bố của ông Biden bị nhấn chìm trong những ồn ào của các chiến dịch bầu cử. Ông Biden được coi là lựa chọn an toàn cho đảng Dân chủ: một chính trị gia kiểu mẫu ở Washington mà mọi người có thể chấp nhận, nhưng không ai quá yêu thích. Không ai kỳ vọng vào một Roosevelt thứ hai.

Tuy vậy, trong gần 100 ngày đầu nhậm chức, ông đã làm được nhiều hơn những gì một số người tiền nhiệm làm được trong suốt 4 năm nhiệm kỳ, bài viết trên Spiegel nhận định.

Con đường mới

Sau vài tuần, “Chú Joe” - theo như các đảng viên Dân chủ vẫn gọi ông Biden - bắt đầu cho thấy con đường mà ông muốn đưa nước Mỹ tới.

Ông đưa nước Mỹ không chỉ thoát khỏi đại dịch mà còn thoát khỏi chính sách tân tự do, vốn cho rằng chính phủ nên hạn chế can thiệp vào cuộc sống của người dân.

Tổng thống Biden đã đạt được những thành tựu đáng kể trong chưa đầy 100 ngày đầu nhậm chức. Ảnh: Reuters.

Từ năm 1979 đến năm 2017, sức mua tương đương của một người công nhân da trắng có thu nhập trung bình giảm 13%, dù tổng thu nhập trên đầu người của Mỹ tăng 85%. Khi giới tinh hoa tích lũy của cải, công nhân ở vùng Trung Tây mất việc hoặc phải làm những công việc thu nhập thấp.

Nhiều cử tri đang cảm thấy đảng Dân chủ đang gần với những ông chủ ngân hàng Phố Wall hơn là những người lao động chân tay ở miền Trung Tây. Không gì có lợi cho đảng Cộng hòa và cựu Tổng thống Donald Trump hơn ý nghĩ này.

Khi ông Biden lên nắm quyền, một trong những thành tựu của ông là đạt được Kế hoạch giải cứu nước Mỹ trị giá 1.900 tỷ USD, bằng một nửa GDP của Đức. Mọi người Mỹ có thu nhập ít hơn 75.000 USD một năm nhận được 1.400 USD tiền cứu trợ. Chính quyền Biden cũng giảm thuế cho các gia đình, khiến tỷ lệ nghèo đói trong trẻ em có thể giảm tới một nửa, theo tính toán. Các nhà trẻ miễn phí sẽ được xây dựng.

Về cơ sở hạ tầng, Tổng thống Biden đã công bố kế hoạch chi 2.000 tỷ USD nhằm xây dựng hơn 30.000 km đường sá và sửa chữa 10.000 cây cầu. Nước Mỹ cũng sẽ xây dựng 500.000 trạm sạc cho ôtô điện.

Tất nhiên, ông Biden không thể biến nước Mỹ thành một quốc gia kiểu châu Âu, nơi nhà nước đóng vai trò lớn trong phân phối tài sản trong xã hội. Tuy vậy, nếu may mắn, ông có thể kiềm chế chủ nghĩa tư bản không được kiểm soát, thứ đang chỉ đem lại lợi ích cho giới tinh hoa, cũng như làm mất niềm tin của người dân vào chính phủ.

“Ông Biden hiểu rằng cần phục hồi kinh tế trước khi sửa chữa những lỗ hổng trong nền dân chủ Mỹ”, giáo sư Daniel Ziblatt, nhà khoa học chính trị tại Đại học Harvard, nhận xét. “Đó chính là điều ông đang hướng tới”.

Gia tăng vai trò chính phủ

Di sản lớn nhất mà cố Tổng thống Roosevelt để lại cho nước Mỹ không nằm ở chính sách đối ngoại. Chúng nằm ở “Chính sách Mới” (The New Deal) của ông nhằm đối phó với cuộc khủng hoảng những năm 1930. Ông là người đầu tiên xây dựng hệ thống lương hưu và bảo hiểm xã hội, đặt ra mức lương tối thiểu và cho công nhân tham gia công đoàn.

Chưa ai thay đổi hoàn toàn bộ mặt kinh tế của nước Mỹ như Roosevelt.

Ông Biden luôn đề cao vai trò của vaccine trong cuộc chiến chống Covid-19. Ảnh: Reuters.

Nếu ông Biden muốn trở thành Roosevelt thứ hai, ông sẽ phải đảo ngược con đường chủ nghĩa tân tự do mà nước Mỹ theo đuổi từ những năm 1980.

Chủ nghĩa tân tự do hạn chế sự can thiệp của chính phủ, tin rằng nền kinh tế sẽ tự vận hành tốt nhất nếu nhà nước ít can dự. Gốc rễ của nó là sự đề cao cá nhân trong tư duy người Mỹ, cho rằng mỗi người có thể tự quyết định cuộc sống của mình. Đến thời Covid-19, tư duy đề cao quyết định cá nhân và hạn chế sự can thiệp của nhà nước để tạo ra các phản ứng tập thể cuối cùng đã chứng tỏ mặt trái của nó, từ khía cạnh sức khỏe đến nền kinh tế.

Hàng trăm nghìn chủ nhà hàng và cửa hiệu nhỏ đã mất đi sinh kế giữa đại dịch và phụ thuộc vào trợ cấp từ Washington, dù nước Mỹ đang dần thoát khỏi đại dịch nhờ khoản chi 20 tỷ USD vào nghiên cứu vaccine.

Tổng thống Biden thành lập một đội phản ứng với dịch Covid-19 bên trong Nhà Trắng với nhiệm vụ thúc đẩy chiến dịch tiêm chủng của Mỹ. Hơn 40% dân số nước này đã nhận được ít nhất một liều vaccine. Đến cuối tháng 5, đại dịch có thể sẽ thành quá khứ đối với đa số người Mỹ.

Ông Biden hiểu rằng kinh tế Mỹ không thể phục hồi nếu người dân vẫn còn lo ngại về đại dịch Covid-19. Do đó, Tổng thống Biden dựa vào những khoản chi tiêu mạnh tay của chính phủ, dù có làm gia tăng nợ công. Ông cũng muốn tăng thuế đối với những người có thu nhập cao trong xã hội để có nguồn lực tài chính cho các kế hoạch của mình.

Thoát khỏi cái bóng người tiền nhiệm

Spiegel nhận định rằng khác với hình ảnh một chính trị gia theo đường lối trung dung, không chịu ảnh hưởng của hệ tư tưởng, từ khi nhậm chức, ông Biden thúc đẩy chương trình cải cách quyết đoán nhất trong lịch sử nước Mỹ đương đại.

Điều này khiến những đảng viên Dân chủ cấp tiến, những người từng mạnh mẽ chỉ trích ông Biden, hài lòng. Ông Matt Duss, cố vấn của Thượng nghị sĩ Bernie Sander - người từng cạnh tranh với ông Biden trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2020, cho rằng chính quyền mới cần thể hiện khả năng cải thiện cuộc sống của người dân nếu không muốn “chính trị kiểu Donald Trump” quay trở lại.

“Tổng thống Biden đã hiểu điều mà những người cấp tiến đã nhiều lần khẳng định: ông Trump không phải là sự xa rời hiện trạng mà là sản phẩm của hiện trạng”, ông Duss nhận xét.

Ông Biden đã thu được nhiều bài học quý báu trên cương vị "phó tướng" của ông Obama. Ảnh: Reuters.

Sự thay đổi của ông Biden xuất phát từ trải nghiệm của ông trên cương vị phó tổng thống trong chính quyền Obama. Năm 2010, chỉ 2 năm sau khi ông Obama đắc cử tổng thống, đảng Cộng hòa giành được thế đa số trong Hạ viện Mỹ từ tay đảng Dân chủ. Ông Biden không muốn rơi vào tình cảnh này trong cuộc bầu cử năm 2022 tới.

Ở mặt khác, Tổng thống Biden cũng muốn thoát ra khỏi cái bóng của ông Obama. Trong chiến dịch tranh cử vừa qua, nhiều người ủng hộ ông Obama nhắc đến ông Biden như là một ứng viên cần mẫn nhưng tầm thường, thiếu đi sự nhanh nhạy và khả năng lôi cuốn.

“Tổng thống Roosevelt không trở thành huyền thoại nhờ vào những bài phát biểu truyền cảm hứng”, nhà phân tích chính trị Max Bergmann từ Trung tâm vì sự tiến bộ của nước Mỹ, Washington, nhận xét. “Ông nhận trách nhiệm và hoàn thành rất nhiều trong số chúng”.

Tổng thống Biden có thể có cùng suy nghĩ. Ông muốn hoàn thành những gì mà cựu Tổng thống Obama đã hứa hẹn, nhưng chưa thể thực hiện.

Tuổi tác và kinh nghiệm giúp Tổng thống Biden không bị cuốn vào các cuộc tranh cãi chính trị lẻ tẻ. Trong khi cựu Tổng thống Trump thích sử dụng mạng xã hội và không ngần ngại chia sẻ cơn tức giận của mình với toàn thế giới qua Twitter, ông Biden muốn giảm nhiệt các tranh cãi chính trị trong nước, vì điều này chỉ có lợi cho đảng Cộng hòa.

Vẫn còn quá sớm để đánh giá những thành quả của Tổng thống Biden trong những ngày đầu nhậm chức. Tuy vậy, nếu ông Biden có thể đáp ứng kỳ vọng của người dân Mỹ trong 4 năm tới, ông hoàn toàn có thể nghĩ đến nhiệm kỳ tổng thống thứ hai.

Việt Hà

Theo der Spiegel

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/sau-100-ngay-dau-cua-ong-biden-nhieu-nguoi-da-nghi-den-nhiem-ky-2-post1206040.html