Sáng tạo vì cộng đồng: Động lực phát triển bền vững của TP.HCM
Từ mô hình du lịch cộng đồng đến công trình công nghệ hiện đại, từ những sáng kiến truyền thông đến lễ hội văn hóa, các ý tưởng sáng tạo vì cộng đồng đã được tôn vinh tại Giải thưởng Sáng tạo TP.HCM lần thứ 4.
Tối 1/7, trong chuỗi hoạt động kỷ niệm 327 năm hình thành và phát triển Thành phố Sài Gòn - Gia Định, UBND TP.HCM tổ chức lễ công bố và trao tặng Giải thưởng Sáng tạo TP.HCM lần 4 năm 2025 tại phố đi bộ Nguyễn Huệ (quận 1, TP.HCM).
Giải thưởng sáng tạo TP.HCM lần thứ 4 thu hút sự tham gia của các cơ quan, tổ chức, cá nhân với trên 290 sản phẩm trong 7 lĩnh vực: Phát triển kinh tế, Quốc phòng an ninh, Quản lý nhà nước, Truyền thông, Văn học nghệ thuật, Khoa học kỹ thuật, Khởi nghiệp sáng tạo.
Khi sáng tạo trở thành niềm tự hào
Từ một tô phở thơm lừng đại diện cho hồn cốt ẩm thực Việt, đến mô hình du lịch cộng đồng nơi ấp đảo heo hút, hay công trình khoa học chạm ngưỡng công nghệ tương lai - tất cả đã hội tụ tại Lễ trao Giải thưởng Sáng tạo TP.HCM lần thứ 4 (năm 2025), như những “hạt nhân” lan tỏa tinh thần kiến tạo và giá trị vì cộng đồng.
Đứng giữa khán phòng lễ trao giải, ông Võ Hùng Thuật - Giám đốc Trung tâm Dịch vụ Truyền thông Báo Tuổi Trẻ, không giấu được cảm xúc: “Giải thưởng này vừa là vinh dự, vừa là trách nhiệm để chúng tôi đưa chương trình ‘Ngày của Phở 12/12’ lan xa hơn nữa, không chỉ là một lễ hội, mà là câu chuyện văn hóa”.

Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Văn Được chúc mừng các tác giả, nhóm tác giả lĩnh vực Quản lý nhà nước. Ảnh: VIỆT DŨNG
Không kém phần xúc động, bà Nguyễn Thị Bạch Tuyết, Giám đốc Hợp tác xã Thiềng Liềng, chia sẻ về hành trình “dẫn dắt bà con làm du lịch”.
Từ vùng ấp đảo chỉ quen nghề làm muối, nay người dân Thiềng Liềng đã trở thành chủ thể của du lịch xanh, gìn giữ văn hóa và môi trường sinh thái. “Chúng tôi bắt đầu từ số 0, có người ngần ngại, nhưng giờ thì mọi nhà đều rạng rỡ đón khách. Không chỉ có thêm thu nhập mà còn thêm tự hào”, bà Tuyết nói.
Sáng tạo chạm ngưỡng công nghệ
Ở lĩnh vực khoa học, PGS.TS Phạm Kim Ngọc (Trường Đại học Khoa học Tự nhiên - ĐHQG TPHCM) cùng nhóm nghiên cứu đã chinh phục hội đồng với sản phẩm tích hợp trở nhớ - diode cho ứng dụng mạng thần kinh nhân tạo thế hệ mới. “Đây là kết quả của hơn 10 năm theo đuổi vật liệu bán dẫn. Giải thưởng là động lực để chúng tôi tiếp tục sáng tạo ra những công nghệ đột phá có tính ứng dụng cao”, ông nói.
Năm nay, Giải thưởng đã vinh danh 51 công trình xuất sắc. Tiêu biểu như “Lễ hội Sông nước TP.HCM”, sáng kiến khai thác lợi thế sông ngòi kết hợp văn hóa - du lịch - kinh tế để định vị TP.HCM là đô thị sông nước giàu bản sắc. Hay giải pháp ứng dụng dữ liệu điện tử trong điều tra sai phạm đăng kiểm của Công an TP.HCM - công trình có tính thực tiễn và hiệu quả cao trong lĩnh vực an ninh.
Vở kịch “Đồng chí” của Hội Sân khấu TP.HCM được trao giải cao nhất lĩnh vực văn học nghệ thuật nhờ thông điệp mạnh mẽ: tưởng nhớ thế hệ cha anh đi trước là để tiếp bước vững vàng, chứ không phải sao chép khuôn mẫu xưa cũ.

Phó Bí thư Thành ủy TPHCM Đặng Minh Thông chúc mừng các tác giả, nhóm tác giả lĩnh vực Truyền thông. Ảnh: VIỆT DŨNG
Bên cạnh đó, nhóm tác giả Báo SGGP cũng ghi dấu ấn với giải pháp truyền thông đổi mới phong trào thi đua sáng tạo tại TP.HCM. Không chỉ dừng lại ở việc tuyên truyền, nhóm đã ứng dụng công nghệ số, kết hợp báo chí truyền thống với các nền tảng số như video, infographic, longform… để truyền cảm hứng và nhân rộng mô hình thi đua đổi mới trong xã hội.
Theo đại diện Báo SGGP, “Chúng tôi xem đây là một sứ mệnh sáng tạo không ngừng, đồng hành cùng thành phố trên hành trình hướng tới tương lai hiện đại, nghĩa tình và bền vững”.