Sáng kiến thiết thực của những người lính thợ

Những năm qua, cán bộ, nhân viên chuyên môn kỹ thuật - những người lính thợ của Sư đoàn 324 (Quân khu 4) đã nỗ lực vượt khó, có nhiều sáng kiến, cải tiến kỹ thuật thiết thực được ứng dụng vào công tác bảo quản, bảo dưỡng, sửa chữa vũ khí, trang bị kỹ thuật (VK,TBKT), góp phần để Sư đoàn hoàn thành tốt nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu (SSCÐ)...

Cán bộ, nhân viên kỹ thuật Ðại đội 26, Phòng Kỹ thuật, Sư đoàn 324 (Quân khu 4) thực hiện nhiệm vụ sửa chữa, bảo quản súng tiểu liên AK.

Có mặt tại Ðại đội 26, Phòng Kỹ thuật (Sư đoàn 324) vào đầu giờ làm việc buổi sáng, dù thời tiết nắng nóng, khô hanh, tôi được tận mắt chứng kiến không khí làm việc sôi động, khẩn trương của cán bộ, nhân viên chuyên môn kỹ thuật ở các bộ phận: Tổ sửa chữa vũ khí, Tổ cơ khí và Phân xưởng sơn tĩnh điện... Dẫn chúng tôi tham quan một vòng nhà xưởng, kho tàng, Thiếu tá Nguyễn Văn Danh, Phó Chủ nhiệm Kỹ thuật Sư đoàn, cho biết: Sư đoàn thực hiện nhiệm vụ huấn luyện, SSCÐ, được giao quản lý, sử dụng số lượng lớn VK,TBKT, nhưng hầu hết có tuổi đời cao, thường xuyên được sử dụng, khai thác, trong điều kiện thời tiết khí hậu khắc nghiệt, cho nên nhanh xuống cấp; trong khi đó, số lượng thợ sửa chữa bậc cao còn thiếu so yêu cầu, số anh em thợ sửa chữa còn lại trình độ không đồng đều...

Theo sát động viên, hướng dẫn bộ đội thực hiện nhiệm vụ, Ðại úy Chu Trọng Hiếu, Ðại đội trưởng Ðại đội 26, bày tỏ: Từ khó khăn, vất vả trong quá trình công tác mà những người lính thợ của đơn vị đã có nhiều sáng kiến, cải tiến kỹ thuật ứng dụng hiệu quả vào công tác bảo quản, bảo dưỡng, sửa chữa VK,TBKT, góp phần giảm công sức, chi phí sửa chữa của đơn vị. Ðến Tổ sửa chữa vũ khí, đúng lúc Thiếu tá, quân nhân chuyên nghiệp (QNCN) Trần Hưng Quang, tay lấm lem dầu mỡ, mồ hôi ướt đẫm lưng áo, đang cùng tổ thợ thực hiện dây chuyền sửa chữa súng tiểu liên AK. Tranh thủ lúc nghỉ giải lao, Thiếu tá Quang tâm sự: Do cường độ khai thác, sử dụng cao cho nên VK,TBKT thường xảy ra hỏng hóc. Chẳng hạn, khi huấn luyện bắn súng 12,7mm, xạ thủ bóp cò khan nhiều gây va đập với bộ phận khóa nòng, dẫn đến sứt móc vỏ đạn, làm mòn hai mặt tỳ của hai phiến khóa, khi bắn đạn thật khó rút vỏ đạn ra sẽ dắt hoặc đứt vỏ đạn. Do vậy, tôi đã nghĩ ra sáng kiến thiết bị giảm va đập bộ phận khóa nòng súng 12,7 mm khi sử dụng trong huấn luyện. Sáng kiến gọn nhẹ, dễ sử dụng, bảo đảm an toàn, giá thành rẻ và phục vụ tốt nhiệm vụ huấn luyện, luyện tập bắt, bám sát và tiêu diệt mục tiêu bằng súng 12,7 mm, bảo đảm sát thực tế chiến đấu. Hay, sáng kiến "Bơm tháo pít-tông xi-lanh phanh bánh xe ô-tô". Nói về ra đời sáng kiến này, Trung úy QNCN Hoàng Trọng Hiếu, thợ sửa chữa ô-tô, chia sẻ: Trong quá trình sửa chữa, bảo dưỡng phanh dầu xe ô-tô, việc tháo pít-tông ra khỏi bơm để thay gioăng cao-su gặp khó khăn và thất thoát dầu phanh lớn, gây lãng phí. Ðể khắc phục nhược điểm nêu trên, tôi nghĩ ra sáng kiến thiết bị bơm cơ động giúp tháo pít-tông ra khỏi xi-lanh phanh bánh xe, rất thuận tiện khi bảo quản, sửa chữa.

Trong số nhiều sáng kiến, cải tiến kỹ thuật của những người lính thợ đơn vị, tôi ấn tượng với sáng kiến: "Giá đỡ, cơ động máy bơm nước cứu hỏa", của Thượng úy QNCN Bùi Hữu Ngọc, thợ khí tài quang học. Bởi, trước đây, một số đơn vị được cấp máy bơm nước tăng áp để phòng, chống cháy nổ tại các kho, trạm vũ khí, nhưng do máy bơm nặng, cồng kềnh cho nên rất khó di chuyển... Do vậy, Thượng úy Bùi Hữu Ngọc đã nghiên cứu đề xuất sáng kiến "Giá đỡ, cơ động máy bơm nước cứu hỏa". Máy bơm được lắp đặt trực tiếp trên giá, dưới có bánh, trên giá có guồng quấn cuộn dây khi triển khai, thu hồi dễ dàng, thuận tiện trong sử dụng.

Thiếu tá Nguyễn Văn Danh, Phó Chủ nhiệm Kỹ thuật Sư đoàn 324 cho biết: Ðể nâng cao trình độ tay nghề và khuyến khích tính sáng tạo của đội ngũ những người lính thợ, đơn vị thường xuyên đẩy mạnh phong trào thi đua, phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, đề cao tính dân chủ. Cùng với đó, chỉ huy đơn vị coi trọng bố trí người có kinh nghiệm, có chuyên môn, thợ bậc cao kèm cặp, giúp đỡ các nhân viên kỹ thuật - thợ sửa chữa trẻ mới vào nghề; đồng thời làm tốt công tác giáo dục chính trị tư tưởng, động viên mọi người khắc phục khó khăn, phát huy tính tự học, tự rèn. Do vậy, thời gian qua, công tác kỹ thuật của Sư đoàn 324 luôn hoàn thành kế hoạch bảo quản, bảo dưỡng, sửa chữa VK,TBKT phục vụ tốt công tác huấn luyện, SSCÐ của các cơ quan, đơn vị, góp phần xây dựng Sư đoàn vững mạnh toàn diện.

Bài và ảnh: LÊ TƯỜNG HIẾU (Nghệ An)

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/chinhtri/tin-tuc-su-kien/item/41808202-sang-kien-thiet-thuc-cua-nhung-nguoi-linh-tho.html