Sáng kiến biển Đen sắp hết hiệu lực, ngũ cốc bị từ chối, Ukraine phải làm việc này với Ba Lan

Ngày 17/4, Kiev đặt mục tiêu mở lại quá trình vận chuyển lương thực và ngũ cốc qua Ba Lan, coi đây là 'bước đầu tiên' trong nỗ lực chấm dứt lệnh cấm nhập khẩu tại các cuộc đàm phán ở Warsaw, trong bối cảnh nhiều nước tạm dừng nhập khẩu ngũ cốc từ Ukraine để bảo vệ thị trường nông sản địa phương khỏi nguồn cung dồi dào.

Sáng kiến biển Đen sắp hết hiệu lực, ngũ cốc bị từ chối, Ukraine phải tìm cách đàm phán với Ba Lan. Ảnh minh họa. (Nguồn: Reuters)

Ba Lan và Hungary đã công bố lệnh cấm đối với một số mặt hàng nhập khẩu từ Ukraine từ hôm 15/4. Đến 17/4, Slovakia cũng làm điều tương tự và các quốc gia khác ở Trung và Đông Âu cho biết họ cũng đang xem xét hành động giống vậy.

Áp lực phải hành động

Một số cảng ở Biển Đen đã bị phong tỏa sau khi xung đột Nga-Ukraine nổ ra hồi tháng 2 năm ngoái và tắc nghẽn về công tác logistics khiến một lượng lớn ngũ cốc của Ukraine trở nên rẻ hơn so với sản xuất tại Liên minh châu Âu, được xuất sang các nước Trung Âu.

Nông dân địa phương cho hay điều này đã làm sản phẩm nội địa hạ giá và giảm doanh số bán hàng của họ. Các chính phủ, dưới áp lực phải hành động, đã yêu cầu Liên minh châu Âu đưa ra biện pháp phản hồi.

Ở Ba Lan, điều này đã tạo thành một vấn đề trong năm bầu cử đối với đảng Pháp luật và Công lý (PiS), vốn cần dựa vào khu vực nông thôn để nhận được sự ủng hộ cao.

Các lệnh cấm xuất khẩu và quá cảnh cũng được đưa ra như một thỏa thuận cho phép xuất khẩu hàng triệu tấn ngũ cốc của Ukraine qua Biển Đen bất chấp xung đột tại Ukraine.

Tác động kết hợp của các lệnh cấm và việc không đồng ý gia hạn sẽ khiến hàng triệu tấn ngũ cốc bị mắc kẹt lại Ukraine, một quốc gia sản xuất nông nghiệp lớn với tổng sản phẩm quốc nội phần lớn đến từ việc bán lương thực và ngũ cốc.

“Theo quan điểm của chúng tôi, bước đầu tiên nên là mở cửa quá cảnh, bởi vì nó khá quan trọng và là điều nên được thực hiện vô điều kiện, sau đó chúng ta sẽ nói về những điều khác”, Bộ trưởng Nông nghiệp Ukraine Mykola Solsky nói trước cuộc hội đàm ở Warsaw.

Ông Solsky cho biết trong các bình luận đăng trên ứng dụng nhắn tin Telegram của Bộ Nông nghiệp Ukraine, khoảng 10% hàng hóa thực phẩm mà Ukraine xuất khẩu đi qua biên giới Ba Lan. Xuất khẩu của Ukraine giao đến Hungary chiếm khoảng 6%.

Để ngăn chặn bất kỳ loại ngũ cốc nào xâm nhập vào thị trường Ba Lan, lệnh cấm của Warsaw cũng bao gồm cả việc cấm hàng hóa quá cảnh qua quốc gia này, vốn từng là nước đã nhập khẩu 2,45 triệu tấn ngũ cốc, tương đương 3/4 tổng lượng nhập khẩu, từ Ukraine vào năm 2022, theo dữ liệu của Bộ Nông nghiệp Ba Lan.

Thứ trưởng Ngoại giao Ba Lan Pawel Jablonski nói với đài phát thanh RMF: “Mục tiêu cuối cùng không phải là lệnh cấm nhập khẩu sẽ có hiệu lực vô thời hạn, mà là để đảm bảo rằng ngũ cốc từ Ukraine sẽ được xuất khẩu đi (đến nơi đến chốn)”.

EU cần lời giải thích

Bộ trưởng Solsky cho biết sẽ có thêm các cuộc đàm phán trong tuần này tại Romania vào ngày 19/4 và tại Slovakia vào ngày 20/4.

Phát biểu trên kênh tin tức TVP Info, Bộ trưởng Nông nghiệp Ba Lan Robert Telus cho hay nước này và Ukraine sẽ tiến hành các cuộc đàm phán tại Warsaw trong chiều cùng ngày (giờ địa phương)

Trong diễn biến liên quan, người phát ngôn của Ủy ban châu Âu (EC) Miriam Garcia Ferrer đã lên tiếng phản đối động thái của Ba Lan và Hungary trong việc cấm nhập khẩu ngũ cốc và các nông sản khác từ Ukraine.

Bà Garcia Ferrer cho biết EC đang yêu cầu các cơ quan liên quan cung cấp thêm thông tin để có thể đánh giá các biện pháp này. Nữ phát ngôn viên cũng nhấn mạnh rằng trong bối cảnh hiện nay, điều quan trọng là việc đưa ra các quyết sách thương mại cần có sự phối hợp với EU, "mọi hành động đơn phương đều không thể chấp nhận được".

Cùng ngày, một quan chức cấp cao EU giấu tên cho biết trong tuần này, đặc phái viên các nước thành viên của khối tại Brussels (Bỉ) sẽ thảo luận về động thái mới nhất của Ba Lan và Hungary. Quan chức trên nêu rõ giá và nhu cầu thấp trên toàn cầu đồng nghĩa với việc ngũ cốc sẽ tồn lại trong khối thay vì được bán ra. Do đó, EU đề nghị Ba Lan và Hungary đưa ra lời giải thích và EC cũng sẽ có phản ứng phù hợp.

Ukraine thường xuất khẩu hàng hóa nông nghiệp, đặc biệt là ngũ cốc, qua các cảng Biển Đen đã được dỡ bỏ phong tỏa vào tháng 7 năm ngoái sau khi Kiev và Moscow đạt được thỏa thuận mang tên Sáng kiến ngũ cốc Biển Đen nhờ vai trò trung gian của Thổ Nhĩ Kỳ và Liên hợp quốc. Sau nhiều lần gia hạn, thỏa thuận này sẽ hết hiệu lực sau ngày 18/5 tới. Phía Nga tuyên bố sẽ không thảo luận về việc gia hạn thỏa thuận này trừ khi phương Tây dỡ bỏ các biện pháp hạn chế đối với việc xuất khẩu ngũ cốc và phân bón của Moscow.

(theo Reuters)

Hạ Nhi

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/sang-kien-bien-den-sap-het-hieu-luc-ngu-coc-bi-tu-choi-ukraine-phai-lam-viec-nay-voi-ba-lan-223909.html