Sản xuất trà dược liệu túi lọc từ cây lan gấm

Lan gấm còn gọi là lan kim tuyến, cây kim cương, cỏ nhung... là một cây thuốc rất quý có nhiều ở Tây Nguyên được các nghiên cứu khoa học hiện đại và y học cổ truyền đánh giá cao về dược tính sinh học và tác dụng dược lý đối với sức khỏe con người.

Nhân giống lan gấm bằng phương pháp nuôi cấy mô

Nhân giống lan gấm bằng phương pháp nuôi cấy mô

Giá trị của dược liệu lan gấm

Là nước nhiệt đới gió mùa ẩm, Việt Nam có rất nhiều loài thảo dược quý có tác dụng hỗ trợ điều trị các bệnh hiểm nghèo, tăng cường sức khỏe, sức đề kháng, trong đó có lan gấm. Các kết quả nghiên cứu cho biết loài lan gấm (Anoectochilus formosanus) có chứa flavonoid, thành phần chính là kinsenoside có các tác dụng dược lý quý như bảo vệ gan, hạ mỡ máu, hạ đường huyết, an thần, chống co giật, giảm đau, chống viêm, chống lão hóa. Ngoài ra, lan gấm còn chứa thành phần polysaccharide có tác dụng tăng sức đề kháng, tăng sức khỏe và độ dẻo dai, hỗ trợ phòng chống ung thư, được người Trung Quốc, Đài Loan gọi là “Vua Thảo Dược” vì các tác dụng dược lý đa dạng của nó. Thời gian qua, lan gấm của Việt Nam được người nước ngoài săn lùng tìm mua và giao bán trên mạng với giá từ 2.800 - 4.000 tệ/1 kg tươi (tương đương khoảng 9 - 13 triệu đồng). Do khai thác quá mức, lan gấm đã được đưa vào Sách Đỏ Việt Nam.

Được thiên nhiên ưu đãi, với điều kiện khí hậu và thổ nhưỡng phù hợp cho các loài dược liệu sinh trưởng phát triển, năm 2013, Lâm Đồng được Chính phủ quy hoạch là một trong 8 vùng dược liệu trọng điểm trong “Quy hoạch tổng thể phát triển dược liệu đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030”. Quy hoạch nhằm nhanh chóng bảo tồn và phát triển các giống dược liệu quý, hiếm phục vụ chăm sóc sức khỏe con người, trong đó có loài lan gấm.

Nhằm bảo tồn loài lan gấm, nhân rộng diện tích cấy trồng, phát triển loài dược liệu quý này, Sở Khoa học và Công nghệ Lâm Đồng đã dành kinh phí 800 triệu đồng từ nguồn ngân sách nhà nước đầu tư cho phát triển khoa học công nghệ thực hiện nhiệm vụ khoa học công nghệ “Nghiên cứu hoàn thiện quy trình sản xuất trà dược liệu túi lọc từ cây lan gấm tại Đà Lạt - Lâm Đồng”.

Sản xuất trà dược liệu túi lọc từ cây lan gấm

Trên cơ sở những giá trị dược lý của cây lan gấm, trong gần 3 năm qua nhóm 10 nhà khoa học (Viện Nghiên cứu khoa học Tây Nguyên) do TS. Phan Xuân Huyên làm chủ nhiệm đề tài “Nghiên cứu hoàn thiện quy trình sản xuất trà dược liệu túi lọc từ cây lan gấm tại Đà Lạt - Lâm Đồng” đã tiến hành nghiên cứu: Hoàn thiện quy trình trồng lan gấm từ vườn ươm ra vườn trồng sản xuất; xây dựng được quy trình sơ chế nguyên liệu lan gấm; quy trình sản xuất trà dược liệu túi lọc từ cây lan gấm; xây dựng được bộ tiêu chuẩn cơ sở được cơ quan có thẩm quyền công nhận (Công ty Cổ phần Dược Lâm Đồng Ladophar)...

Cụ thể, các nhà khoa học đã tiến hành nhân giống lan gấm bằng phương pháp nuôi cấy mô, tiếp tục theo dõi quá trình sinh trưởng ở vườn ươm. Qua đó cho thấy, vụn xơ dừa là giá thể thích hợp nhất để cây lan gấm cấy mô sinh trưởng, phát triển tốt trong môi trường ngoài vườn ươm. Phân phun Nitrophoska (2 g/l) theo định kỳ 1 tuần/lần là tốt nhất đến sự sinh trưởng của cây; phun trừ sâu Amectin aic 36 EC (3 ml/l) và thuốc trừ bệnh Ditacin 8 SL (1 ml/l) theo định kỳ 10 ngày/lần thì cây sinh trưởng tốt hơn không phun thuốc; cây ưa bóng râm, che ánh sáng bằng 2 lớp lưới đen thì cây sinh trưởng tốt hơn che 1 lớp. Với cả 3 phương pháp nuôi trồng bằng chậu nhựa, khay nhựa và thùng xốp đều phù hợp cho sự sinh trưởng của cây; pH của các dung dịch dinh dưỡng nghiên cứu đều giảm sau 60 ngày nuôi trồng. Xây dựng quy trình sơ chế nguyên liệu; trà túi lọc lan gấm không thể hiện độc tính cấp đường uống ở liều tối đa có thể cho uống là 9,0 g/kg. Đã hoàn thiện mô hình nuôi trồng cây lan gấm tại Đà Lạt với diện tích 500 m2, trồng 50.000 cây; sản xuất 5 kg trà túi lọc lan gấm; hoàn thiện quy trình trồng cây lan gấm và quy trình sơ chế nguyên liệu lan gấm.

Kết quả của đề tài là toàn bộ quy trình nuôi trồng cây lan gấm và quy trình sản xuất trà túi lọc lan gấm được chuyển giao cho Công ty Cổ phần Dược Lâm Đồng Ladophar, các đơn vị nghiên cứu nuôi trồng và chế biến cây dược liệu thông qua các hội thảo. Từ đó, nhân rộng việc cấy trồng lan gấm, sản xuất trà túi lọc để tiện sử dụng hàng ngày, đa dạng hóa các sản phẩm dược liệu trà túi lọc đặc trưng của Lâm Đồng, vì sức khỏe, ngăn ngừa bệnh tật.

TS. Phan Xuân Huyên - Chủ nhiệm đề tài lý giải thêm: Đời sống phát triển, việc chăm sóc và bảo vệ sức khỏe con người ngày càng được quan tâm, lan gấm có nhu cầu lớn, giá trị kinh tế cao nên khi áp dụng rộng rãi sẽ tạo thêm công ăn việc làm, tăng thu nhập cho người dân. Nghiên cứu hoàn thiện quy trình sản xuất trà dược liệu túi lọc từ cây lan gấm góp phần cải thiện đời sống, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho các công ty kinh doanh chủ động nguồn nguyên liệu trong nước và gia tăng lợi nhuận. Nâng cao kiến thức về trồng trọt cây dược liệu, thay đổi cách nghĩ cách làm trong khai thác rừng tự nhiên của người dân và làm cho họ có ý thức trong việc bảo tồn cây dược liệu, làm cho cây dược liệu sinh sôi. Qua đó, góp phần bảo tồn các loài cây thuốc quý hiếm có nguy cơ bị tuyệt chủng nói riêng và bảo tồn đa dạng sinh học nói chung.

QUỲNH UYỂN

Nguồn Lâm Đồng: http://baolamdong.vn/kinhte/202106/san-xuat-tra-duoc-lieu-tui-loc-tu-cay-lan-gam-3060672/