Sản xuất công nghiệp tỉnh Quảng Bình duy trì đà tăng trưởng
Mặc dù chịu tác động nặng nề từ dịch Covid-19, tuy nhiên được sự quan tâm của các cấp, ngành, sự nỗ lực của doanh nghiệp… tình hình sản xuất công nghiệp 8 tháng đầu năm 2020 tại tỉnh Quảng Bình tiếp tục đà tăng trưởng.
Sở Công Thương Quảng Bình cho biết, 8 tháng đầu năm 2020, chỉ số sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh tăng 5,5% so với cùng kỳ. Trong đó, công nghiệp khai khoáng tăng 5,6%; công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 5,4%; sản xuất và phân phối điện tăng 6,6%; cung cấp nước và xử lý rác thải tăng 5,5%... Đặc biệt, ngành công nghiệp chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ có tốc độ tăng trưởng nổi bật, tăng 11,7% so với cùng kỳ năm 2019 và duy trì ổn định trong 8 tháng đầu năm. Đây là ngành có nguồn nhiên liệu chủ động, không phụ thuộc nhiều vào thị trường nhập khẩu. Cùng với đó, công tác xúc tiến thương mại và tìm kiếm thị trường tiêu thụ trong thời kỳ dịch Covid-19 của doanh nghiệp cũng đạt hiệu quả cao.
Cũng theo Sở Công Thương Quảng Bình, sự bùng phát dịch Covid-19 lần 2 (cuối tháng 7/2020) đã làm ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất công nghiệp. Các doanh nghiệp sản xuất hàng xuất khẩu là đối tượng bị ảnh hưởng lớn, một số sản phẩm sản xuất bị giảm so với cùng kỳ như: cao su tổng hợp và cao su tự nhiên giảm 39,4%, colophon và axit nhựa cây giảm 23,6%; cao lanh giảm 9,9%; áo sơ mi người lớn giảm 9,4%...
Ông Hồ Nhật Bình - Trưởng phòng Quản lý công nghiệp (Sở Công Thương) - cho biết, mặc dù đã đạt được những kết quả nhất định, duy trì đà tăng trưởng so với cùng kỳ nhưng ngành công nghiệp hiện vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như một số cơ sở công nghiệp đang dừng sản xuất. Bên cạnh đó, nhiều dự án công nghiệp lớn bị chậm tiến độ hoặc dừng đầu tư, một số dự án công nghiệp hoàn thành đưa vào hoạt động nhưng chưa phát huy hiệu quả do thiếu lao động (may xuất khẩu, gỗ ván ép xuất khẩu) hoặc tiêu thụ sản phẩm khó khăn (các cơ sở gạch không nung, nước tinh khiết, bia, chế biến cao su)…
“Nguyên nhân chính là do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nguồn nguyên liệu nhập khẩu, thị trường xuất khẩu bị gián đoạn và thu hẹp đã tác động tiêu cực đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp sản xuất, gia công hàng may mặc, chế biến gỗ xuất khẩu, sản xuất tinh bột sắn, sản xuất dăm gỗ và chế biến thủy hải sản xuất khẩu” - ông Bình cho biết thêm.
Theo lãnh đạo Sở Công Thương Quảng Bình, thời gian tới Sở sẽ tiếp tục phối hợp với các sở, ngành, địa phương liên quan tập trung tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ sở sản xuất công nghiệp hiện có, các dự án mới đầu tư đi vào sản xuất ổn định. Trong đó, tham mưu đẩy nhanh tiến độ đầu tư các dự án công nghiệp lớn đang triển khai như dự án viên nén năng lượng của Tập đoàn Dohwa và Công ty TNHH Trung Chính, chế biến gỗ OKAL, gỗ MDF, chế biến thủy sản...; tiếp tục kêu gọi các dự án phát triển công nghiệp chế biến gắn với các lợi thế về phát triển nguồn nguyên liệu nông, lâm, thủy sản...