'Rợp' khách Hàn ở sân golf Việt
Các sân golf miền Bắc và Nam ghi nhận lượng khách nội địa đông đảo. Trong khi đó, sân khu vực miền Trung chứng kiến sự gia tăng của tệp du khách từ Hàn Quốc.
Việt Nam dần trở thành điểm đến golf nổi tiếng nhờ cơ sở hạ tầng và nơi lưu trú đạt tiêu chuẩn quốc tế. Ngoài ra, nhân sự golf người Việt cũng được đánh giá có chuyên môn cao, cung cấp dịch vụ không thua kém mặc dù nối gót một số quốc gia châu Á khác như Nhật Bản, Thái Lan, Singapore.
Lượng khách đến một số sân golf tại khu vực miền Bắc và Trung ghi nhận sự tăng trưởng đáng kể vào những năm gần đây. Cụ thể, trong năm 2023, có 374.837 vòng golf (round) được chơi tại các sân thành viên trong Liên minh golf miền Trung - Vietnam Golf Coast (VGC - gồm BRG Danang Golf Resort, Hoiana Shores Golf Club, Montgomerie Links Golf Club, Bana Hills, Laguna Lăng Cô...).
Tính riêng 6 tháng đầu năm, liên minh này cũng ghi nhận có 207.276 vòng golf phục vụ du khách. Trong đó, khách du lịch từ Hàn Quốc là thị trường lớn nhất, kế đến là khách Việt Nam bao gồm người địa phương và khách du lịch nội địa.
Trong khi đó, số round tại Trang An Golf & Resort (Ninh Bình) ghi nhận được trong 7 tháng đầu năm có sự tăng trưởng nhẹ với khoảng hơn 26.000 vòng. Lượng khách chủ yếu đến từ thị phần nội địa.
Ở nước ta, có hai yếu tố quan trọng nhất ảnh hưởng đến quyết định chơi golf của khách du lịch quốc tế là chuyến bay thẳng với khoảng cách vừa và cụm sân golf gần kề bởi người chơi mong muốn được trải nghiệm tối đa sân golf tại một điểm đến trong cùng chuyến đi.
Theo Tổng cục Thể thao, Việt Nam có khoảng 80 sân golf 18 hố đang hoạt động, trong đó 32 sân đạt tiêu chuẩn 5 sao gắn liền với khu nghỉ dưỡng sang trọng. Con số 80 dự kiến mở rộng thành 200 sân 18 hố vào năm sau.
Bên cạnh đó, nước ta còn sở hữu đường bờ biển dài cùng tài nguyên thiên nhiên phong phú ở mỗi vùng miền. Điều này tạo thuận lợi cho việc thiết kế sân golf với đa dạng địa hình, mở rộng sự lựa chọn cho du khách.
Loại hình tiềm năng thu hút dòng khách chi tiêu cao này tại Việt Nam đang chứng kiến sự dịch chuyển lượng khách đáng kể trong những năm gần đây.
Đối nghịch về thị phần khách
Điểm khác biệt rõ nhất giữa sân golf miền Bắc/Nam và miền Trung đến từ nhóm khách hàng.
Theo bà Lê Võ Hoàng Vân, Giám đốc câu lạc bộ Montgomerie Links Golf Club - thành viên của VGC, hai đầu Nam - Bắc có số lượng khách địa phương chơi golf nhiều vượt trội hơn so với miền Trung. Chính vì vậy, hai khu vực này ít tập trung khai thác khách du lịch.
Ngược lại, miền Trung có ít người chơi golf tại địa phương. Để mở rộng tệp người chơi, bà Vân cho rằng các sân golf cần thực hiện các chiến lược đa dạng hóa nguồn khách hàng, nâng cấp, điều chỉnh sản phẩm dịch vụ, kết hợp với các tài nguyên du lịch vốn có nhằm tạo điều kiện tốt nhất cho khách du lịch.
"Miền Trung là điểm đến golf được khách quốc tế đánh giá cao và thực tế cho thấy sản lượng khai thác khách du lịch tại các sân golf ở đây tăng lên qua từng năm", Giám đốc câu lạc bộ Montgomerie Links Golf Club nhận định.
Đáng lưu ý, các sân thành viên thuộc VGC ghi nhận 2 dấu hiệu tích cực nhận thấy được từ nửa cuối năm 2022 đến nay. Một là số lượng khách du lịch nội địa nói riêng đổ về miền Trung tăng lên gấp nhiều lần. Hai là mùa cao điểm đang có xu hướng kéo dài hơn so với trước đây.
Trong khi đó, chia sẻ với Tri Thức - Znews, bà Nguyễn Thị Thu Lành, Giám đốc Điều hành Trang An Golf & Resort, cho hay Ninh Bình hiện được đánh giá là một trong những vùng đất cho hoạt động khám phá thân thiện nhất trên thế giới và cũng có tiềm năng phát triển mảng golf rất cao.
"Tôi nhận định rằng sẽ có càng nhiều golfer nước ngoài, đặc biệt là Hàn Quốc, sẽ lựa chọn Việt Nam, trong đó Ninh Bình là một điểm đến du lịch golf không thể bỏ lỡ trong hành trình chinh phục bộ môn này", vị giám đốc cho biết.
Xét về tổng thể, các sản phẩm du lịch ở Việt Nam nói chung có sự đa dạng và phong phú theo vùng miền. Song, riêng golf, mỗi sân được thiết kế thuận theo địa hình tự nhiên sẵn có nhằm mang đến thử thách và cảm giác riêng cho người chơi.
Điểm nghẽn phát triển
Tuy vậy, ngành du lịch golf của Việt Nam chưa thể bứt tốc mạnh mẽ bởi còn một số tồn đọng.
Bà Hoàng Vân từ Montgomerie Links Golf Club cho rằng nhiều sân golf đang còn chật vật với bài toán tài chính để tồn tại. Đây là điểm nan giải đáng suy ngẫm cũng là thách thức đầu tiên của ngành golf tại Việt Nam.
Theo đó, chi phí vận hành, bảo trì, bảo dưỡng sân golf rất cao, các thiết bị chuyên dùng đa phần phải nhập từ nước ngoài. Đáng chú ý, thuế suất cao cấu thành mức giá bán không thể cạnh tranh được với các điểm đến có bề dày lịch sử như Thái Lan, Philippines, Malaysia, Nhật Bản...
Đồng quan điểm, bà Thu Lành từ Trang An Golf & Resort cũng cho rằng mức thuế cao ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh của các sân golf tại Việt Nam.
Thứ hai, du lịch golf nước ta đang thiếu các giải pháp công nghệ phù hợp để tối ưu hóa vận hành.
"Rất ít sân golf có thể kinh doanh sản phẩm dịch vụ trên nền tảng trực tuyến thời gian thực (realtime) ở thời điểm hiện tại. Điều này vừa dẫn đến sự hạn chế trong quá trình tìm hiểu và lên kế hoạch cho chuyến đi của khách hàng cá nhân, vừa là rào cản cho đối tác lữ hành lớn ở nước ngoài khi đặt vấn đề về hợp tác kinh doanh theo dạng mua sỉ (series). Đó là chưa nói đến việc tham gia vào các sàn thương mại điện tử lớn trong ngành du lịch", bà Hoàng Vân nói.
Bên cạnh đó, vấn đề truyền thông du lịch golf của nước nhà trên thị trường quốc tế vẫn còn mờ nhạt. Hầu như các sân golf vẫn phải chi tiền cho các hoạt động một cách “đơn thương độc mã”, dẫn đến sự hạn chế về mặt phủ sóng.
Trong khi đó, TS Nguyễn Đức Trí, Trưởng khoa Du lịch Đại học Kinh tế TP.HCM, cho rằng các câu lạc bộ golf của nước ta cần nghiên cứu, đưa ra những lợi ích béo bở nhằm thu hút tay golf bậc nhất thế giới như Tiger Woods, Greg Norman, Dustin Johnson... cho giải đấu.
"Tuy nhiên, để mời những ngôi sao hàng đầu là rất khó, nhưng chỉ cần nhân tố đinh này chịu ghé qua một lần, người hâm mô từ khắp nơi sẽ kéo đến và chúng ta có lý do để quảng bá du lịch golf nước nhà", ông Trí chia sẻ với Tri Thức - Znews.
Nguồn Znews: https://lifestyle.znews.vn/rop-khach-han-o-san-golf-viet-post1496876.html