Săn cổ phiếu thoái vốn

Nhiều cổ phiếu nằm trong 'rổ' thoái vốn của Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) đã ghi nhận mức tăng ấn tượng trong những phiên vừa qua và vẫn chưa ngừng 'hot'.

Nhà đầu tư có thể canh các nhịp chỉnh của thị trường để mua vào cổ phiếu thoái vốn ở vùng giá tốt

Nhà đầu tư có thể canh các nhịp chỉnh của thị trường để mua vào cổ phiếu thoái vốn ở vùng giá tốt

Chất xúc tác “thoái vốn”

Cổ phiếu NTP của Công ty cổ phần Nhựa Thiếu niên - Tiền Phong đã có những phiên tăng điểm ấn tượng trong tuần qua chủ yếu nhờ thông tin thoái vốn nhà nước. Cụ thể, trong danh sách thoái vốn đợt 2 năm 2024 mà SCIC đã công bố, Tổng công ty dự kiến bán ra hơn 48 triệu cổ phần NTP, tương ứng 37,1% vốn tại doanh nghiệp.

Còn trên thực tế, hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp vẫn ở trạng thái “đi lùi”. Quý I/2024, doanh thu thuần của Nhựa Tiền Phong đạt 949 tỷ đồng, giảm 27% so với cùng kỳ 2023; lợi nhuận sau thuế đạt hơn 109 tỷ đồng, giảm 8% so với cùng kỳ. Năm nay, Công ty đặt kế hoạch doanh thu 5.400 tỷ đồng, tăng 5% so với mức thực hiện trong năm 2023 nhưng lợi nhuận trước thuế lại giảm 5%, với 555 tỷ đồng.

Trước khi có phiên điều chỉnh mạnh vào cuối tuần qua theo đà điều chỉnh chung của thị trường, phản ứng tích cực của nhà đầu tư trước thông tin SCIC thoái vốn cũng giúp cổ phiếu FPT của Công ty cổ phần Tập đoàn FPT (mã FPT) nối đà tăng trong mấy phiên đầu tuần. Mặc dù SCIC chỉ sở hữu 5,8% vốn tại FPT nhưng với quy mô vốn điều lệ gần 11.000 tỷ đồng và thị giá trên 130.000 đồng/cổ phiếu hiện nay, giá trị thương vụ ước tính lên tới 8.700 tỷ đồng.

Không chỉ tại NTP hay FPT, theo kế hoạch, trong năm 2024, SCIC sẽ thoái vốn tại 31 doanh nghiệp, với tổng giá trị dự kiến thu về khoảng 10.000 tỷ đồng. Danh sách các doanh nghiệp thoái vốn bao gồm nhiều doanh nghiệp lớn như Vinacafe (mã VCF), Sabeco (mã SAB)… Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp khác thuộc diện thoái vốn nhà nước, như Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) dự kiến thoái vốn tại 9 doanh nghiệp, Tổng công ty Phát triển Khu công nghiệp (Sonadezi, mã SNZ) thoái vốn tại 6 doanh nghiệp bất động sản khu công nghiệp…

Ông Trần Hoàng Sơn, Giám đốc Chiến lược Đầu tư, Công ty Chứng khoán VPBank nhìn nhận, kế hoạch thoái vốn của SCIC đang thu hút sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư và dư luận. Nhiều người kỳ vọng rằng, việc thoái vốn này sẽ giúp nâng cao hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp, thu hút đầu tư tư nhân và góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế của đất nước. Đặc biệt, trong đợt này, có nhiều doanh nghiệp lớn kinh doanh hiệu quả sẽ thu hút sự quan tâm mạnh mẽ hơn của giới đầu tư trong và ngoài nước.

Theo ông Sơn, giai đoạn hiện tại, SCIC thoái vốn mạnh cũng là điều có thể dự báo trước khi giai đoạn 2022, thị trường chứng khoán trầm lắng khiến việc thoái vốn khó khăn, trong khi năm nay, thị trường chung có tín hiệu hồi phục tốt và cổ phiếu của nhiều doanh nghiệp trong danh mục thoái vốn đang có mức giá tăng trưởng cao, có thể mang lại dòng tiền lớn và dễ dàng hơn cho SCIC khi thoái vốn.

Việc thoái vốn của một doanh nghiệp sẽ có tác động tới giá cổ phiếu của công ty đó theo xu hướng tăng lên, thậm chí tăng “nóng’. Cổ phiếu thoái vốn được nhiều nhà đầu tư săn đón bởi các công ty thường có xu hướng muốn thoái vốn giá cao nhằm tạo mặt bằng giá mới. Nhà đầu tư cũng kỳ vọng doanh nghiệp thoái vốn sẽ tăng trưởng tốt trong tương lai, vì khoản tiền thu được sau khi thoái vốn sẽ được đầu tư vào hoạt động sản xuất - kinh doanh, cải thiện doanh thu và lợi nhuận của doanh nghiệp. Đặc biệt, việc thoái vốn nhà nước sẽ giúp thanh khoản của mã chứng khoán doanh nghiệp tăng mạnh.

Dòng tiền mang tính đầu cơ

Dòng tiền chảy vào cổ phiếu thoái vốn chủ yếu là dòng vốn đầu cơ, nên sóng tăng ngắn, tiềm ẩn rủi ro đối với nhà đầu tư ít kinh nghiệm.

Ông Trần Hoàng Sơn, Giám đốc Chiến lược Đầu tư, Công ty Chứng khoán VPBank

Đồng quan điểm, bà Nguyễn Đình Mai Phương, Phòng Tư vấn tài chính, Công ty Chứng khoán Kafi cho rằng, nhà đầu tư có thể đón đầu “sóng thoái vốn”, bởi các doanh nghiệp thường có xu hướng muốn thoái vốn giá cao, nhằm tạo mặt bằng giá mới.

Nhận định về những cổ phiếu có nhiều cơ hội từ thông tin thoái vốn nhà nước, chuyên gia Kafi cho rằng, có thể kể đến SZN của Công ty cổ phần Sonadezi Châu Đức (1 trong 6 doanh nghiệp thuộc danh sách thoái vốn của Sonadezi).

Theo đó, Sonadezi Châu Đức đang kinh doanh khá ổn định, lợi nhuận có xu hướng tăng trở lại khi quý I/2024, doanh thu đạt 213,7 tỷ đồng, tăng 236% so với cùng kỳ năm trước; lãi sau thuế 65,1 tỷ đồng, tăng 454% so với cùng kỳ. Năm 2024, Sonadezi Châu Đức đặt mục tiêu doanh thu 881,1 tỷ đồng, lãi sau thuế 228,1 tỷ đồng. Như vậy, kết thúc quý I, Công ty đã thực hiện được 24% kế hoạch doanh thu và 29% kế hoạch lợi nhuận năm. Bên cạnh đó, Công ty có tiềm năng lớn từ quỹ đất khu công nghiệp và quỹ đất thương mại.

Sonadezi Châu Đức là nhà phát triển khu công nghiệp hàng đầu tại tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, với quỹ đất thương phẩm còn lại khoảng 550 ha, xếp thứ ba tại khu vực miền Nam. Với tốc độ cho thuê khoảng 30 - 50 ha/năm, Công ty đủ để hoạt động trong khoảng 10 năm tới. Thêm vào đó, Công ty còn gần 600 ha quỹ đất khu đô thị đang chờ đưa vào khai thác.

Ước tính Sonadezi sẽ bán khoảng 19,5 triệu cổ phiếu SZC (bao gồm cả phần cổ phiếu mua mới từ đợt phát hành thêm) để giảm sở hữu từ 46,84% xuống còn 36%. Đây là thông tin tích cực hỗ trợ đà tăng giá của cổ phiếu SZC thời gian qua.

Hay cổ phiếu BCM, mặc dù chưa nằm trong danh sách thoái vốn trong năm 2024, nhưng sau Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt giảm tỷ lệ vốn nhà nước tại BCM từ 95,44% xuống mức trên 65% đến hết năm 2025 đã giúp cổ phiếu có nhịp tăng ấn tượng. Việc thoái vốn nhà nước của BCM cũng là cơ hội cho khối ngoại nâng tỷ lệ nắm giữ tại doanh nghiệp hàng đầu về cho thuê khu công nghiệp. Bởi hiện tại, nhà đầu tư nước ngoài mới sở hữu khoảng 1,4% cổ phần của BCM, trong khi room ngoại tại doanh nghiệp ở mức 49%.

Việc SCIC thoái vốn tại loạt doanh nghiệp lớn trong thời gian gần đây xuất phát từ chiến lược tái cấu trúc danh mục đầu tư theo hướng tập trung vào các lĩnh vực có tiềm năng tăng trưởng cao, hiệu quả hoạt động tốt và phù hợp với định hướng phát triển của Nhà nước. Việc thoái vốn tại các doanh nghiệp không còn phù hợp với chiến lược này sẽ giúp Tổng công ty huy động nguồn vốn để đầu tư vào các lĩnh vực tiềm năng khác.

Tuy nhiên, theo ông Trần Hoàng Sơn, dòng tiền chảy vào cổ phiếu thoái vốn chủ yếu là dòng vốn đầu cơ, nên sóng tăng ngắn, tiềm ẩn rủi ro đối với nhà đầu tư ít kinh nghiệm. Thường dòng tiền đầu cơ sẽ đẩy thị giá và khối lượng giao dịch tăng nhanh trong khoảng thời gian ngắn, vượt quá kỳ vọng của dòng tiền đầu tư về giá trị nội tại của doanh nghiệp. Sau khi câu chuyện thoái vốn ngã ngũ, dòng tiền đầu cơ ngắn hạn rút lui, đà tăng giá khó được duy trì, thậm chí thị giá có thể phải mất nhiều thời gian để quay lại vùng đỉnh.

Do đó, các chuyên gia khuyến cáo, để tránh rủi ro, nhà đầu tư không nên mua đuổi các cổ phiếu đã tăng nóng, cần quan sát thêm tín hiệu từ dòng tiền, các chỉ báo kỹ thuật khác của cổ phiếu đó. Nhà đầu tư có thể chờ đợi các đợt điều chỉnh để tham gia ở vùng giá tốt hơn. Những cổ phiếu của doanh nghiệp có thương hiệu, tài sản giá trị, triển vọng kinh doanh tốt, có kế hoạch thoái vốn sẽ là địa chỉ thu hút dòng tiền lớn.

Hoàng Anh

Nguồn ĐTCK: https://tinnhanhchungkhoan.vn/san-co-phieu-thoai-von-post345955.html