Sắc phong thần Nam Hải: Tầm quan trọng về lịch sử và văn hóa cộng đồng ngư dân

Lễ hội tế lễ thần tại lăng Ông Nam Hải ở thôn Long Thủy, xã An Phú (TP Tuy Hòa). Ảnh: THIÊN LÝ

Sắc phong thần Nam Hải mà các triều đại phong kiến ban tặng cho các địa phương thể hiện quyền lực của nhà vua đối với thần dân trăm họ, đồng thời mong muốn thần Nam Hải luôn phù trợ ngư dân trong hoạt động đánh bắt trên biển. Thông qua hoạt động đánh bắt trên các vùng biển, các triều đại phong kiến muốn khẳng định chủ quyền của nhà nước phong kiến trên các vùng biển, trên các ngư trường có ngư dân đánh bắt.

Đây là khẳng định của nhà nghiên cứu, TS Đào Nhật Kim, Tổng Biên tập Tạp chí Khoa học - Trường đại học Phú Yên - khi trả lời phỏng vấn Báo Phú Yên về ý nghĩa, vai trò quan trọng của các sắc phong thần Nam Hải trong đời sống tinh thần và tín ngưỡng của cộng đồng ngư dân.

TS Đào Nhật Kim

* Phú Yên hiện còn bao nhiêu sắc phong thần Nam Hải ở các địa phương ven biển và ý nghĩa của loại hình sắc phong này đối với đời sống tinh thần và tín ngưỡng của cộng đồng địa phương, thưa tiến sĩ?

- Trong hơn 200 sắc phong mà chúng tôi đã nghiên cứu trên địa bàn tỉnh Phú Yên, bao gồm cả sắc phong thần và sắc phong chức tước, đáng chú ý có cả sắc phong cho thần Nam Hải - cá Ông. Hiện những sắc phong này chủ yếu được thờ phụng tại các lăng thờ ở các địa phương ven biển như lăng Hòa Lợi (xã Xuân Cảnh, TX Sông Cầu), lăng Tiên Châu (xã An Ninh Tây, huyện Tuy An), lăng Đông Tác (phường Phú Đông, TP Tuy Hòa) và lăng Phú Lạc (xã Hòa Hiệp Nam, TX Đông Hòa). Đáng mừng là tuy số lượng không nhiều, nhưng phần lớn sắc phong này đang được bảo tồn khá tốt, nhờ vào ý thức gìn giữ và bảo vệ của cộng đồng dân cư. Đặc biệt, họ rất tín ngưỡng và xem như những vật báu linh thiêng, đánh giá cao giá trị tâm linh của các sắc phong.

Việc thờ phụng các sắc phong thần Nam Hải bên cạnh ngọc cốt cá Ông (xương cá Ông) tại các lăng thờ của ngư dân thể hiện tín ngưỡng tôn thờ vị thần biển cả luôn phù trợ cho ngư dân trong hoạt động đánh bắt trên biển được an toàn, các chuyến đi biển đem về cá tôm đầy thuyền.

* Có thể thấy tác động của các sắc phong này trong đời sống văn hóa - xã hội của cộng đồng ngư dân như thế nào, thưa ông?

- Trong quan niệm của cộng đồng ngư dân, các sắc phong thần Nam Hải có giá trị đặc biệt, thể hiện quyền lực của nhà vua, sự hiện diện của quyền lực ấy trong cộng đồng, đồng thời biểu hiện niềm tin về một vị thần biển cả luôn hiện hữu trong đời sống văn hóa, tín ngưỡng của cộng đồng ngư dân. Việc phụng thờ các sắc phong đã củng cố niềm tin vào hoạt động sản xuất, hoạt động đánh bắt của ngư dân.

Tín ngưỡng về thần Nam Hải và việc thờ phụng, giữ gìn các sắc phong góp phần vào việc giáo dục cho các thế hệ về truyền thống lao động cần cù của ngư dân, về ý thức bảo tồn giá trị các di sản văn hóa của dân tộc, và góp phần khẳng định chủ quyền của đất nước trên các vùng biển, hải đảo mà bao đời bà con ngư dân đã tiến hành đánh bắt thủy hải sản.

Sắc phong Nam Hải Cự tộc Ngọc lân chi thần năm Đồng Khánh thứ 2 (1887) cho thôn Hòa Lợi. Ảnh: CTV

* Theo tiến sĩ, với tư cách là một nhà nghiên cứu, tác giả của nhiều công trình khoa học cấp tỉnh, trong đó có nhiều đề tài về lịch sử chính quyền các địa phương, theo ông làm thế nào để nâng cao giá trị lịch sử và văn hóa đối với các sắc phong thần Nam Hải?

- Giá trị của các loại hình di sản sắc phong Hán Nôm nói chung và sắc phong thần Nam Hải nói riêng đã được các nhà nghiên cứu đánh giá rất cao. Đây là những di sản quý báu trong kho tàng di sản văn hóa dân tộc. Việc nghiên cứu, tìm hiểu các di sản này góp phần bổ sung vào những kết quả trong nghiên cứu về di sản văn hóa dân tộc. Đặc biệt, từ các kết quả nghiên cứu này góp phần cùng với địa phương vào việc bảo tồn, phát huy giá trị các di sản sắc phong.

Việc gìn giữ các sắc phong thần Nam Hải và duy trì phong tục, tín ngưỡng tại các di tích văn hóa có sắc phong của cộng đồng ngư dân đã góp phần quan trọng trong việc thể hiện tính truyền thống, tính pháp lý để khẳng định chủ quyền của đất nước về biển, đảo.

Sắc phong thần Nam Hải nói riêng và hệ thống sắc phong Hán Nôm nói chung là loại hình di sản văn hóa quý báu của cha ông để lại trên địa bàn tỉnh Phú Yên, luôn được các cơ quan chức năng quan tâm, thống kê, nghiên cứu và có giải pháp bảo tồn. Hiện các lăng Đông Tác, Phú Lạc, Tiên Châu, Hòa Lợi có sắc phong thần Nam Hải đã được UBND tỉnh xét công nhận là di tích cấp tỉnh, được đưa vào diện bảo tồn và phát huy giá trị.

* Tiến sĩ đề xuất những giải pháp nào để bảo tồn các sắc phong? Liên quan đến công tác giảng dạy, tiến sĩ cho biết sự cần thiết phải hướng dẫn sinh viên nghiên cứu và tìm hiểu về các di sản Hán Nôm này?

- Đa số sắc phong được viết trên giấy dó, giấy long đằng, có khả năng tồn tại hàng trăm năm. Tuy nhiên, điều kiện khí hậu nóng ẩm và phương pháp bảo vệ truyền thống là đựng trong hộp gỗ hoặc ép nhựa khiến cho sắc phong đứng trước nguy cơ bị xuống cấp, hư hỏng. Vì vậy, các cơ quan chức năng của tỉnh và các địa phương cần nhanh chóng sưu tầm, đăng ký, kiểm kê, lập hồ sơ để xây dựng cơ sở dữ liệu số hóa phục vụ cho việc tra cứu. Những người bảo quản sắc phong ở các lăng thờ cần được tập huấn công tác bảo quản.

Về phía người dân, từ bao đời đã có ý thức giữ gìn sắc phong cần được biểu dương khích lệ, nên có hình thức khen thưởng xứng đáng để động viên, nhất là ban quản lý các đình, miếu đã bảo quản tốt sắc phong.

Trong công tác giáo dục tại các trường đại học trên địa bàn tỉnh hiện nay, tôi cho rằng cần thiết đưa học phần tìm hiểu di sản Hán Nôm vào chương trình giảng dạy cho các ngành thuộc khoa xã hội nhân văn. Việc tìm hiểu và nghiên cứu giúp các em hiểu về loại hình di sản quý báu này, đồng thời tìm hiểu về văn hóa dân tộc.

* Xin cảm ơn tiến sĩ!

THANH HỘI (thực hiện)

Nguồn Phú Yên: http://baophuyen.vn/367/301085/sac-phong-than-nam-hai--tam-quan-trong-ve-lich-su-va-van-hoa-cong-dong-ngu-dan.html