Mỹ loay hoay tìm lại sự thống trị ở Bắc Cực

Lục quân Mỹ là lực lượng mới đây nhất công bố chiến lược Bắc Cực. Mục đích của Lục quân là nhằm huấn luyện và trang bị cho các đơn vị hoạt động trong và xung quanh Bắc Cực.

Trong bối cảnh các hoạt động quân sự ngày càng gia tăng ở Bắc Cực, Lục quân Mỹ một lần nữa nhấn mạnh tầm quan trọng của khu vực này, đặc biệt là Alaska, và đang tìm cách tái xây dựng khả năng hoạt động trong các điều kiện khắc nghiệt nhất.

“Chúng ta có lịch sử dài về việc huấn luyện và hoạt động ở đó, đỉnh điểm là những năm 1980”, Tướng Peter Andrysiak, Tư lệnh Lục quân Mỹ tại Alaska nói với Insider trong một cuộc trả lời phỏng vấn hồi tháng 3.

Lính dù của Lục quân Mỹ bước xuống từ máy bay vận tải C-130J trong cuộc tập trận Sói Bắc Cực ở Alaska, ngày 8/2/2021. Ảnh: USAF

Lính dù của Lục quân Mỹ bước xuống từ máy bay vận tải C-130J trong cuộc tập trận Sói Bắc Cực ở Alaska, ngày 8/2/2021. Ảnh: USAF

Giai đoạn những năm 1990, 2000, Lục quân Mỹ chuyển trọng tâm sang Trung Đông. Do đó, các kỹ năng hoạt động ở Bắc Cực đã bị hao mòn.

Tuy nhiên, Lục quân hiện đang trở lại trọng tâm trước đây và đã nhấn mạnh trong bản chiến lược tên gọi “Giành lại sự thống trị ở Bắc Cực” công bố giữa tháng 3.

Xây dựng khả năng hoạt động khắp Bắc Cực

Trong bối cảnh Nga và Trung Quốc đang gia tăng hoạt động ở Bắc Cực, Lục quân Mỹ “cần phải có chương trình huấn luyện phù hợp để kéo dài khả năng chống chịu môi trường Bắc Cực khắc nghiệt trong các chiến dịch mở rộng, cần phải có các thiết bị có khả năng hoạt động ở những địa hình phức tạp, nhiệt độ khắc nghiệt, và các cơ sở hạ tầng có thể hỗ trợ các lực lượng của Mỹ ở bất cứ đâu mọi khoảng cách”, bản chiến lược nhấn mạnh.

Trong số các mục tiêu của chiến lược, có việc thành lập một trụ sở hoạt động do một thiếu tướng đứng đầu, chỉ huy các đơn vị chiến đấu được trang bị và huấn luyện đặc biệt. Các đơn vị này cũng cần phải tăng cường khả năng sẵn sàng hoạt động ở Bắc Cực, và các chương trình huấn luyện lực lượng Mỹ hoạt động trong khu vực cũng phải được cải thiện.

Mục đích là để các binh sỹ Mỹ có khả năng tham gia vào chiến dịch khắc nghiệt không chỉ ở Alaska mà cả khắp Bắc Cực hay bất cứ đâu. Tuy nhiên, Lục quân Mỹ vẫn đang “loay hoay” đánh giá những gì cần phải làm.

Nhân viên hậu cần đang kiểm tra trực thăng AH-64 trong cuộc tập trận Sói Bắc Cực. Ảnh: Lục quân Mỹ

Lục quân Mỹ tại Alaska đã tiến hành tập trận Sói Bắc Cực hồi tháng 2, thể hiện quyết tâm được đưa ra hồi năm ngoái, nhằm “tập trung vào những thời điểm lạnh nhất trong năm”, ông Andrysiak cho biết hồi tháng 3.

“Giờ đây những gì chúng tôi được yêu cầu thực hiện là bắt đầu huấn luyện vào tháng 10 và hoàn thành trước tháng 3, tiếp đó xây dựng các kỹ năng hoạt động trong điều kiện khắc nghiệt trên khắp Bắc Cực”, ông Andrysiak nói với Insider.

Thời tiết cực lạnh, tuyết và địa hình không bằng phẳng là những thách thức cụ thể nhất trong những tháng mùa đông và trong cuộc tập trận Sói Bắc Cực, Trung tâm vũ khí liên hợp của Lục quân Mỹ đã thực hiện báo cáo để tìm ra những điểm còn thiếu sót trong vấn đề trang thiết bị.

Bài toán dài hạn về hạ tầng, thiết bị

Chiến lược Bắc Cực cũng kêu gọi đầu tư vào các thiết bị có thể sử dụng được trong điều kiện nhiệt độ xuống tới -65 độ trong thời gian dài. Tuy nhiên, trên thực tế, phần lớn các thiết bị bảo hộ, các loại xe quân sự đều không thể hoạt động tốt, thậm chí không hoạt động được trong điều kiện quá lạnh.

Nhiệt độ đóng băng sẽ cản trở việc nấu nướng và các hoạt động thiết yếu khác. Nhiệt độ quá lạnh cũng ảnh hưởng tới các thiết bị điện tử, vốn đã kém hiệu quả do khoảng cách xa xôi và khó nằm trong tầm phủ của vệ tinh.

Giá lạnh ảnh hưởng tới thủy lực học, các hệ thống phanh và các loại vũ khí, nhưng tuyết cũng đem lại một thách thức khác.

“Với những lớp tuyết dày tới 40-50cm, nếu bạn không dọn lối đi thì các thiết bị khó có thể hoạt động được”, Andrysiak nói.

Ngay cả trong những tháng ấm hơn, việc di chuyển cũng vẫn gặp nhiều khó khăn khi sông, hồ, đầm… bắt đầu tan băng.

Giai đoạn 1980, Lục quân Mỹ tại Alaska có tới 700 phương tiện SUSV, loại xe có thể dễ dàng di chuyển trên tuyết, nhưng hiện tại con số này còn chưa tới 50.

Elizabeth Felling, một nhà kế hoạch chiến lược của hội đồng tham mưu lục quân cho biết, các cơ sở hạ tầng cần thiết cũng là một vấn đề. Dù có nhiều căn cứ khắp Alaska, các khu vực của bang này vẫn thiếu cơ sở hạ tầng vận tải, đường sá hay cảng…

Một chiếc SUSV vận chuyển lính dù trên địa hình tuyết dày trong cuộc tập trận Sói Bắc Cực tháng 2/2021. Ảnh: Lục quân Mỹ

“Nếu chúng ta muốn có khả năng đưa lực lượng tới các khu vực xa xôi khắc nghiệt, hoặc chúng ta phải có các loại phương tiện, thiết bị hỗ trợ hoạt động để giảm sự phụ thuộc vào cơ sở hạ tầng, hoặc chúng ta phải xây dựng cơ sở hạ tầng – điều sẽ mất khá nhiều thời gian”, Andrysiak nói.

Hiện Lục quân đang xem xét khả năng hỗ trợ hoạt động ở Bắc Cực từ các căn cứ ở Alaska. Tuy nhiên, bà Felling cho rằng, bên bên cạnh những đòi hỏi về chương trình quân sự, thì các nhu cầu về cơ sở hạ tầng cũng gia tăng. Các chiến dịch phối hợp của Lục quân với các nhánh khác trên không, trên bộ, trên biển, không gian và không gian mạng đều đòi hỏi phải có các cơ sở hạ tầng mới cùng các hoạt động hậu cần đi kèm.

Lục quân có 11.600 binh sỹ ở Alaska và vẫn sớm để nói cần có thêm bao nhiêu binh sỹ đồn trú ở đó nữa, nhưng bà Felling nói rằng, “các lựa chọn vẫn đang được thảo luận với lãnh đạo cấp cao của Lục quân và chúng tôi hy vọng sẽ sớm có giải pháp phù hợp”.

Tháng trước, giới chức quân sự Mỹ nói rằng, các mục tiêu đề ra trong Chiến lược Bắc Cực của Lục quân Mỹ sẽ phải mất nhiều năm mới đạt được.

“Sẽ mất khá nhiều thời gian đẻ có thể triển khai hoàn toàn các lực lượng đa chức năng của chúng ta ở đó. Chúng tôi đã đặt ra các mốc 2028 và 2035 cho hành trình và mục đích ở đó”, Đại tá J.P. Clark phụ trách chiến lược của hội đồng tham mưu Lục quân Mỹ nói./.

Hoàng Phạm/VOV.VN (biên dịch) Theo Business Insider

Nguồn VOV: https://vov.vn/quan-su-quoc-phong/my-loay-hoay-tim-lai-su-thong-tri-o-bac-cuc-848975.vov