Rút khỏi INF, Mỹ nơm nớp lo sợ gặp họa hạt nhân

Nghiên cứu cho thấy, hậu quả của xung đột hạt nhân là rất thảm khốc, kể cả là đối với cường quốc số 1 thế giới như Mỹ.

Mỹ bi quan về hậu quả vũ khí hạt nhân

Hoa Kỳ đang triển khai nghiên cứu những rủi ro tiềm ẩn gắn với cuộc tấn công hạt nhân giáng vào các thành phố của họ. Mới đây Ủy ban chiến lược quốc phòng Mỹ đã đưa ra những kết luận đáng thất vọng: Ưu thế chiến lược của quân đội Mỹ ngày càng mất dần và đã tới mức nguy hiểm.

Theo các thành viên của ủy ban, trong trường hợp có xung đột vũ trang toàn diện, quân đội Mỹ có thể sẽ chịu tỷ lệ thương vong và tổn thất về tiền của khó có thể chịu đựng được.

Trước đó, trang web mua sắm của chính phủ Mỹ đã công bố cuộc thi chuyên đề nghiên cứu tác động của ô nhiễm phóng xạ sau vụ tấn công hạt nhân.

Cuộc nghiên cứu được thực hiện theo đơn đặt hàng của Bộ Y tế Hoa Kỳ, Viện Y tế Quốc gia và Viện Ung thư Quốc gia Mỹ. Theo các chuyên gia, ở Hoa Kỳ không có phương pháp luận hiệu quả nào để ước tính lượng bức xạ mà cơ thể con người sẽ tiếp nhận trong trường hợp xảy ra vụ nổ hạt nhân trên không.

Tài liệu cho biết, trong 30 năm liền các cuộc nghiên cứu trong lĩnh vực đo liều chiếu xạ lắng đọng ở mặt đất và bay lơ đã được thực hiện chỉ để đánh giá ảnh hưởng của các cuộc thử nghiệm hạt nhân tại các bãi thử ở Nevada, Kazakhstan và quần đảo Marshall.

Những nghiên cứu của Viện Ung thư Quốc gia kết hợp những kinh nghiệm của Hoa Kỳ và Nga tạo cơ sở cho hàng chục tác phẩm khoa học quan trọng. Tuy nhiên, các chuyên gia thiếu dữ liệu về một số lĩnh vực chính hoặc không có quyền truy cập vào đó.

Trước đây, trọng tâm chú ý của các nhà khoa học và các tướng lĩnh là các cuộc thử nghiệm hạt nhân tại các nơi hoang vắng để nghiên cứu tác động của vụ nổ đối với môi trường và tạo ra các phương tiện bảo vệ khỏi bức xạ cho lực lượng vũ trang. Sau thỏa thuận về việc chấm dứt thử nghiệm vũ khí hủy diệt hàng loạt, các cuộc nghiên cứu sâu hơn không còn cần thiết nữa.

Vũ khí hạt nhân là nguy cơ lớn nhất đối với nhân loại

Ngoài ra, một vấn đề khó khăn nhất là hiện Mỹ không có chuyên gia nào có thể hoàn thành các cuộc nghiên cứu và công bố kết quả. Ở Hoa Kỳ hiện có một hoặc hai chuyên gia có thể làm điều đó, nhưng họ đã nghỉ hưu từ lâu.

Vào tháng 10, Giáo sư trường Đại học Georgetown, ông Matthew Kroenig cũng đã tiến hành một cuộc khảo sát hàng năm truyền thống, yêu cầu sinh viên đánh giá nguy cơ một cuộc chiến hạt nhân sẽ bùng nổ trong cuộc đời của họ.

Nếu như mười năm trước chỉ có hai hoặc ba sinh viên nghĩ rằng cuộc chiến hạt nhân có thể bùng phát trong tương lai gần, thì trong hai năm qua số người có thái độ bi quan như vậy lên đến 60%.

Nguy cơ xung đột hạt nhân là có thật

Theo các cơ quan đặt hàng, một trong những lĩnh vực chưa được nghiên cứu đầy đủ là phương pháp đo liều chiếu xạ để xác định liều lượng bức xạ mà một người tiếp nhận bằng cách hít vào và hấp thụ các hạt phóng xạ cùng với thức ăn.

Trong trường hợp xảy ra vụ nổ hạt nhân, trên đô thị sẽ xuất hiện đám mây phóng xạ bao phủ lãnh thổ rộng lớn. Ngay cả trong các khu vực còn sống sót, nguồn nước ngọt không sử dụng được. Ngay cả ở khoảng cách khá xa từ tâm chấn của vụ nổ hạt nhân, người dân có thể bị nhiễm xạ cao.

Điểm mấu chốt là mặc dù trong kho vũ khí của các cường quốc lớn hiện có các loại đầu đạn hạt nhân và nhiệt hạch khá "sạch", nhưng việc sử dụng chúng ở các khu vực đông dân cư sẽ dẫn đến việc hàng trăm nghìn người, nếu không phải hàng triệu người sẽ chết do nhiễm phóng xạ.

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/quoc-phong/binh-luan-quan-su/rut-khoi-inf-my-nom-nop-lo-so-gap-hoa-hat-nhan-3369639/