Rủi ro khi mua các dòng iPhone đời cũ
Nhiều người dùng lựa chọn mua iPhone đã qua sử dụng thay vì các dòng máy mới bởi mức giá rẻ hơn. Tuy nhiên, những mẫu iPhone cũ cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro nhất định.
Theo báo cáo vào tháng 4/2022 của công ty nghiên cứu Counterpoint Research, thị trường smartphone đã qua sử dụng toàn cầu năm vừa qua tăng cả về nhu cầu lẫn nguồn cung.
Tại Việt Nam, iPhone cũ là ngành kinh doanh rất đa dạng nguồn cung và chất lượng. Tuy nhiên, người dùng cũng cần để ý những rủi ro khi mua máy đã qua sử dụng.
Những rủi ro khi mua iPhone cũ
“Những mẫu iPhone mới ra mắt khá đắt đỏ nên mình lựa chọn các dòng máy đời cũ. Chúng sở hữu mức giá rẻ hơn, chỉ cần biết chỗ mua chất lượng là an tâm”, anh Trọng Việt, khách hàng lựa chọn mua mẫu iPhone 12 Pro cũ, chia sẻ.
Không chọn mẫu iPhone khá mới như anh Việt, chị Phương Uyên chọn mua lại iPhone 7 như chiếc vừa bị mất, dù sản phẩm đã được 6 năm tuổi. Chị Uyên cho hay bản thân đã quen dùng điện thoại nhỏ gọn với cảm biến vân tay Touch ID nên không có nhu cầu đổi lên các dòng sử dụng Face ID.
Thanh Tuấn, một người buôn iPhone cũ lâu năm tại Hà Nội, cho rằng những mẫu iPhone cũ, trên 5 năm tuổi sẽ có rủi ro cao hơn. Hầu hết đều đã được thay vỏ, không còn lớp vỏ nhôm nguyên bản để ngoại hình đẹp hơn.
Bên cạnh đó, những dòng máy này cũng hay gặp tình trạng mất cảm biến vân tay và pin chắc chắn đã không còn nguyên bản.
Trong khi đó, các mẫu iPhone có thiết kế “tai thỏ” lại hay gặp các lỗi như sọc màn hình, chảy mực hoặc mất Face ID. Tình trạng này thường xảy ra với iPhone X, XS, XS Max vì tấm nền OLED mỏng.
Vài năm nay, trên thị trường Việt Nam xuất hiện loạt iPhone cũ như 6s Plus, 7 và 8 Plus bị mất vân tay với mức giá rẻ hơn 1-2 triệu đồng. Tuy nhiên, anh Tuấn khuyến nghị người dùng không nên ham rẻ mua các mẫu máy này bởi đa phần là hàng đã bị va đập, vào nước.
Bên cạnh lỗi mất vân tay, các dòng iPhone cũ cũng dễ gặp vấn đề về xung đột hệ điều hành và thời lượng pin thấp khi sử dụng, dẫn đến việc bị văng ứng dụng. Nhiều máy còn bị kích pin ảo hoặc thay pin không đảm bảo.
Cần lựa chọn kỹ trước khi mua
"Những dòng iPhone cũ đa số là nhập về từ Trung Quốc, mỗi lần cả lô hàng nghìn máy, nên khi chọn mua máy đã qua sử dụng người dùng cần tìm các cửa hàng có chính sách bảo hành tốt", anh Phùng Đông, chủ một cửa hàng smartphone cũ, chia sẻ.
Những dòng máy cũ đa phần cũng không còn bảo hành chính hãng của Apple, khiến người mua gặp khó khăn khi máy có vấn đề và cần sửa chữa.
“Đã quyết định mua iPhone hoặc các mẫu smartphone cũ, người dùng phải chấp nhận những rủi ro nhất định. Mỗi cửa hàng sẽ có chế độ bảo hành sản phẩm khác nhau nên cần lựa chọn kỹ trước khi mua”, chị Nguyễn Hiền, chủ một cửa hàng iPhone cũ tại Hà Nội, cho biết.
"Chế độ bảo hành là điều quan trọng khi mua iPhone cũ. Khách hàng mua máy ở đâu thì nên đến đó bảo hành, nếu mang sửa nơi khác thì sẽ không còn nhận được bảo hành ở chỗ mua", chủ một cửa hàng kinh doanh iPhone giấu tên khuyến nghị.
Với iPhone cũ bán ra từ những cửa hàng nhỏ lẻ, người mua thường được cam kết "bao test" trong vòng 1 tháng. Quỹ thời gian này là khá ngắn và không phải người dùng nào cũng phát hiện ra lỗi sớm để được hưởng quyền lợi.
"Các cửa hàng thường kiểm tra sơ bộ rồi mới đem bán nên máy sẽ ít lỗi hơn. Tuy nhiên chúng cũng không hề hoản hảo", người bán nói trên cho biết. Theo anh này, 2 điều cần lưu ý khi mua iPhone cũ là màn hình và iCloud.
Vì đã qua sử dụng nên màn hình các sản phẩm thường bị xuống cấp, thậm chí mất cảm ứng tùy vùng. "Khi mua cần kiểm tra 4 góc xem có bị lệch độ sáng không, đồng thời di chuyển một ứng dụng khắp màn hình, nếu không bị lệch sáng và văng ứng dụng là máy ổn", chủ cửa hàng này cho biết.
Về iCloud, cần xác nhận với cửa hàng việc máy không bị cài đặt tài khoản ẩn. Khi mua, người dùng hãy yêu cầu được đặt lại toàn bộ cài đặt của iPhone.
Dù đi kèm nhiều rủi ro, iPhone cũ vẫn là mặt hàng được săn đón. Theo chủ cửa hàng Nguyễn Hiền, khoảng thời gian một năm qua lượng iPhone cũ bán ra tăng mạnh.
Theo IDC, ảnh hưởng của lạm phát đã làm thay đổi thói quen mua sắm của người dùng trên thị trường di động.
"Vào đầu năm, số lượng smartphone bán ra giảm mạnh vì chuỗi cung ứng. Tuy nhiên, đến nay vấn đề là nhu cầu người dùng giảm", bà Nabila Popal, Giám đốc nghiên cứu của IDC, cho biết trong báo cáo quý II vừa phát hành cuối tháng 7.