Rực sáng những tinh anh

Kỷ lục nối tiếp kỷ lục. Những ngày qua, người hâm mộ thể thao phần lớn mãn nhãn với các màn tranh tài tại Olympic Tokyo 2020. Từ đường đua xanh đến sân chạy điền kinh, sàn đấu cử tạ... đâu đâu cũng thấy những thành tích đáng nể được thiết lập. Ai cũng biết những kỷ lục ấy không từ trên trời rơi xuống, nó được đánh đổi cả bằng mồ hôi và nước mắt suốt quá trình rèn luyện khắc khổ liên miên.

Câu chuyện của tay vợt cầu lông V.Axelsen (Đan Mạch) là một ví dụ. Để có được tấm huy chương vàng Olympic Tokyo 2020, phá vỡ sự thống trị của các tay vợt nam châu Á sau 25 năm thì ngoài việc khổ luyện, V.Axelsen đã cất công tìm hiểu đối thủ.

Năm 2014, V.Axelsen khi ấy mới 20 tuổi đã có một quyết định thay đổi toàn bộ sự nghiệp của mình sau này là học tiếng Trung. Bởi thời điểm đó, các tay vợt cầu lông Trung Quốc đang thống trị thế giới và không có chiến lược nào hiệu quả hơn bằng cách "biết người biết ta". Trong giai đoạn ấy, V.Axelsen suốt ngày nghe nhạc, học văn hóa Trung Quốc và tập ăn đồ Trung Hoa. Để rồi tại Olympic Tokyo 2020, V.Axelsen đã thắng thuyết phục tay vợt Chen Long người Trung Quốc tại chung kết để giành huy chương vàng. Đáng nói, Chen Long chính là người đã đánh bại V.Axelsen tại bán kết đơn nam môn cầu lông Olympic Rio 2016.

Ảnh minh họa: Getty mages

Ảnh minh họa: Getty mages

Tại nội dung nhảy cao nam môn điền kinh Olympic Tokyo 2020, người hâm mộ thể thao vừa chứng kiến khoảnh khắc đăng quang kỳ diệu của vận động viên G.Tamberi (Italy). 5 năm trước khi đang tập luyện chuẩn bị cho Olympic Rio 2016, G.Tamberi bị chấn thương dây chằng nghiêm trọng đến nỗi các bác sĩ nhận định anh sẽ không thể quay trở lại thi đấu chuyên nghiệp. Không đầu hàng trước số phận, G.Tamberi nỗ lực tập luyện để rồi anh đến Olympic Tokyo 2020 và xuất sắc giành huy chương vàng. Hình ảnh G.Tamberi với miếng thạch cao phác họa hình ảnh chân bị chấn thương ghi dòng chữ "Đường đến Tokyo 2020" để ngay trên sân vận động nhắc nhở hành trình khó khăn mà anh đã trải qua để đến được Tokyo là một trong những hình ảnh xúc động nhất tại Thế vận hội kỳ này...

Còn nhiều tấm gương của các nhà vô địch Olympic Tokyo 2020 mang đến câu chuyện về sự khổ luyện và ý chí vươn lên không ngừng. Mỗi VĐV đến với đấu trường Olympic là một tinh anh thể thao của mỗi quốc gia. Để có được thành tích tại Thế vận hội thì ngoài sự đầu tư, mỗi VĐV cần phải duy trì nỗ lực tập luyện, thi đấu để vượt qua chính mình. Nói đến thể thao thì trước hết là sự khổ luyện, kiên trì với mục tiêu giành chiến thắng. Nhưng vượt lên tất cả, ngoài thành tích cá nhân, đó là danh dự, niềm tự hào của dân tộc trong quá trình hội nhập và sánh bước cùng với bạn bè năm châu.

Thể thao Việt Nam đến với Olympic Tokyo 2020 với 18 VĐV. Mặc dù không giành được tấm huy chương nào nhưng họ là những tinh anh mang khát vọng vươn mình của thể thao Việt Nam. Còn đó những câu chuyện đáng quên trong quá trình tập luyện và thi đấu, nhưng trong khó khăn vẫn nổi bật những niềm tự hào. Đó là Quách Thị Lan lần đầu vào bán kết một nội dung điền kinh. Đó là Nguyễn Thùy Linh đã xuất sắc thắng 2/3 trận cầu lông. Đó là Nguyễn Văn Đương, Nguyễn Thị Tâm đã thi đấu nỗ lực trong lần đầu tiên đến với Olympic ở bộ môn boxing không phải thế mạnh của thể thao Việt Nam... Thành công trong thể thao đâu chỉ là những tấm huy chương mà nó đến từ nỗ lực khổ luyện, thi đấu với tất cả sức lực và khát vọng vươn lên. Với các VĐV của thể thao Việt Nam là nỗ lực thi đấu để rút ngắn khoảng cách về trình độ với các cường quốc thể thao trên thế giới.

Tại Olympic Tokyo 2020, những tinh anh đang rực sáng theo những cách khác nhau.

HỮU TRƯỞNG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/the-thao/olympic-tokyo-2020/ruc-sang-nhung-tinh-anh-667393