Robert Hanssen - gián điệp vì tiền

Từ năm 1979 đến 2001, một trong những điệp viên gây thiệt hại nhiều nhất cho nước Mỹ là Robert Hanssen, sĩ quan thuộc Cục Điều tra Liên bang Mỹ FBI. Trong 22 năm, Hansen đã chuyển giao cho Liên Xô, sau đó là nước Nga hàng ngàn trang tài liệu tuyệt mật, bao gồm cả hoạt động của một đường hầm do FBI xây dựng bên dưới Đại sứ quán Liên Xô ở thủ đô Washington…

Hanssen lúc bị bắt.

MỜ MẮT VÌ TIỀN

Sinh năm 1944 ở thành phố Chicago, bang Illinois, Mỹ, Robert Hansen là con trai của một sĩ quan cảnh sát. Sau khi tốt nghiệp Trường Cao đẳng Knox, Hanssen theo học ngành Nha khoa tại Đại học Northwestern, nhưng được 2 năm thì bỏ ngang để thi lấy bằng thạc sĩ quản trị kinh doanh tại Đại học Chicago. Tiếp theo, Hanssen làm việc như một điều tra viên của Sở cảnh sát Chicago. Năm 1976, Hanssen gia nhập FBI rồi được phân công về văn phòng FBI tại bang Indiana. Đến năm 1979, ông ta chuyển về văn phòng FBI New York.

Cũng trong năm này, tại New York, Hanssen bắt đầu cộng tác với Cơ quan Tình báo quân sự Liên Xô GRU mà động cơ chỉ là vì tiền. Một trong những “món quà” đầu tiên Hanssen gửi GRU là hồ sơ về tướng Dmitri Polyakov, phục vụ trong Hồng quân Xô Viết, làm gián điệp cho Cơ quan tình báo trung ương Mỹ CIA từ năm 1960. Sau khi xác minh, tướng Dmitri Polyakov bị tòa án quân sự Liên bang Xô Viết kết án tử hình vì tội phản quốc. Lúc ấy, CIA chỉ nghĩ rằng có thể do một sơ hở nào đó nên tướng Dmitri Polyakov bị lộ, chứ họ không ngờ có một “nốt ruồi” - tiếng lóng ám chỉ nội gián - ngay trong lòng nước Mỹ. Riêng Hanssen, ông ta nhận được từ GRU 20.000USD tiền công.

Năm 1980, lúc dọn dẹp bàn làm việc của chồng, bà Bonnie, vợ Hanssen phát hiện một số giấy tờ khả nghi. Sau nhiều lần bị tra hỏi, thậm chí đấu khẩu, Hanssen thú nhận với vợ là ông ta bán một số tài liệu bí mật của Mỹ cho Liên Xô nhưng hầu hết đều là những thông tin đã mất thời gian tính, vô giá trị. Lo sợ về việc chồng bị bắt, cuộc sống gia đình sẽ bị ảnh hưởng, bà Bonnie yêu cầu Hanssen phải chấm dứt, nếu không, bà sẽ li dị. Cuối cùng, Henssen thề với vợ là mình sẽ từ bỏ.

Sau khi thề thốt, cuộc sống của Hanssen lâm vào cảnh túng quẫn do phải nuôi 6 đứa con, đồng thời còn nuôi cô nhân tình là vũ nữ thoát y tên Priscilla Sue Galey. Vì vậy, năm 1985, Hanssen lại tiếp tục hoạt động gián điệp, nhưng lần này là với Cơ quan tình báo Liên bang Xô viết KGB. Lúc ấy, trách nhiệm của Hanssen tại trụ sở chính của FBI ở Washington DC là đánh giá các điệp viên Liên Xô đang hoạt động tại Mỹ nhưng cộng tác với FBI và CIA, rằng họ thực tâm hay họ là gián điệp hai mang. Bằng cách gửi cho KGB hồ sơ của 3 sĩ quan Liên Xô là Valery Martynov, Boris Yuzhin và Sergei Motorin, làm việc cho cả CIA lẫn FBI, Hanssen nhận được 30.000USD, còn 3 sĩ quan thì bị triệu hồi về Moscow. Valery Martynov, Boris Yuzhin bị hành quyết còn Sergei Motorin lĩnh án 6 năm tù giam.

Từ đó cho đến năm 1991, Hanssen liên tục cung cấp cho KGB hàng ngàn trang tài liệu, trong đó có cả hồ sơ chi tiết về một đường hầm, được FBI bí mật đào dưới trụ sở Đại sứ quán Liên Xô ở thủ đô Washington, Mỹ với chi phí hơn 300 triệu USD. Trong đường hầm ấy, FBI và Cơ quan An ninh quốc gia NSA đã đặt các thiết bị nghe lén tối tân, ghi lại mọi cuộc trò chuyện diễn ra trong khuôn viên sứ quán. Khi vụ việc đổ bể, một quan chức giấu tên ở NSA cho biết FBI và NSA thu thập tin tức tình báo bằng nhiều cách: Đặt máy nghe trộm vào các trục cáp quang thông tin, đặt thiết bị cảm biến điện từ trường vào đường dây điện lực để thu thập bức xạ rồi giải mã, sử dụng thiết bị laser thu tín hiệu âm thanh lan truyền theo các đường ống dẫn nước và trục khung thép của tòa nhà. Thậm chí, những con chip ghi âm bé xíu cũng được NSA thả vào đường ống dẫn nước để ghi lại những cuộc trò chuyện bằng điện thoại của cán bộ, nhân viên sứ quán trong toilet. Với thành tích ấy, Hanssen được KGB trả công bằng cách mở cho ông ta một tài khoản 800.000USD tại một ngân hàng Nga.

TRẢ GIÁ

Năm 1991, Liên bang Xô Viết sụp đổ. Lo sợ chính quyền mới của nước Nga sẽ tiết lộ công việc gián điệp của mình với Chính phủ Mỹ nên Hanssen im lặng. Đến năm 1999, khi biết mình hoàn toàn không bị chú ý, Hanssen - khi ấy là sĩ quan liên lạc của FBI với Bộ Ngoại giao Mỹ - lại tiếp tục công việc gián điệp, lần này là với Cơ quan tình báo Liên bang Nga SVR.

Đầu năm 2000, FBI nghi ngờ trong hàng ngũ của mình có nội gián nên họ lặng lẽ mở cuộc điều tra. Bằng cách trả 7 triệu USD cho một cựu nhân viên thuộc Cơ quan tình báo Liên bang Xô viết KGB, cựu nhân viên này đã mua được thông tin từ Cơ quan tình báo Liên bang Nga SVR, trong đó có 1 cuộn băng ghi lại cuộc trao đổi giữa một người có bí danh là B. và Aleksander Fefelov, sĩ quan KGB. Bằng kỹ thuật phân tích giọng nói, FBI xác định B. là Robert Hanssen.

Từ đó, FBI bí mật giám sát mọi hoạt động của Hansen. Ngày 18-2-2001, Robert Hanssen lái xe đến công viên Foxstone, thành phố Vienna, bang Virginia rồi dán một mẩu băng trắng lên tấm bảng hiệu công viên - quy ước liên lạc với người của Cơ quan tình báo Liên bang Nga SVR. Lập tức, các đặc vụ FBI bắt Hanssen cùng tang vật là hàng chục trang tài liệu mật, đựng trong một cái túi chứa rác. Bên cạnh đó, FBI còn phát hiện một túi khác, bên trong có 50 ngàn USD mà theo lời khai của Hanssen, đó là “tiền công” của ông ta.

Tấm bảng công viên Foxstone, nơi Hanssen thực hiện quy ước liên lạc với người Nga.

Để thoát án tử hình, tháng 7-2001, Hanssen thú nhận 15 tội danh gián điệp. Tháng 5-2001, ông ta ra tòa và bị kết án 15 năm tù giam không ân xá. Theo đánh giá của FBI, việc làm của Hanssen đã gây cho nước Mỹ những thiệt hại nặng nề trong lịch sử hiện đại. Nhiều điệp viên người Nga sống ở nước Nga, hoạt động rất hiệu quả cho FBI và CIA đã bị ông ta vô hiệu hóa bằng cách cung cấp hồ sơ của họ cho Moscow. Với Bộ Tư pháp Mỹ, họ gọi đây là “Thảm họa tình báo tồi tệ nhất và không thể khắc phục. Tất cả các sách lược của nước Mỹ trong trường hợp xảy ra chiến tranh hạt nhân, sự phát triển công nghệ vũ khí quân sự, các chương trình phản gián…, đều bị người Nga biết hết”. Tổng cộng số tiền mà Hanssen nhận được - ngoài 800.000USD trong một ngân hàng Nga còn có 600.000USD tiền mặt cùng một số viên kim cương, ước tính trị giá khoảng 1,2 triệu USD.

Theo FBI, Rorert Hanssen là người thứ 3 trong cơ quan này làm gián điệp cho Liên bang Xô Viết và sau này là nước Nga. Năm 1984, Richard Miller, một sĩ quan với 20 năm công tác, đã từng làm trưởng chi nhánh FBI ở nước ngoài, bị bắt vì bán tài liệu mật cho Nga rồi bị kết án tù chung thân. Earl Pitts, cũng là một sĩ quan FBI, tình nguyện trở thành gián điệp cho Cơ quan tình báo Liên bang Xô viết KGB từ năm 1987. Cho đến lúc bị bắt vào năm 1996, Earl Pitts đã chuyển giao cho KGB hàng ngàn trang tài liệu mật để nhận lại 220 ngàn USD. Năm 1997, Pitts lĩnh án 27 năm tù giam không ân xá.

VŨ CAO -Theo The Spy Stories

Nguồn Bà Rịa - Vũng Tàu: http://www.baobariavungtau.com.vn/the-gioi/201810/robert-hanssen-gian-diep-vi-tien-820729/