Ra mắt tác phẩm "Gương thầy trò" của học giả Hoàng Xuân Việt

Gương thầy trò là tác phẩm ra đời vào thập niên 70 của thế kỷ XX, vì vậy từ ngữ và văn phong có vẻ “lạ” so với người đọc trẻ ngày nay. Tuy nhiên, thưởng thức cái xưa cũ luôn đem lại những sự bất ngờ và cảm giác thú vị riêng, tạo ra một cảm xúc đặc biệt, như một thứ gia vị khó trộn lẫn khiến cho việc đọc sách trở nên hấp dẫn hơn rất nhiều.

Gương thầy trò là một tác phẩm không dễ đọc. Để có thể hiểu và cảm nhận cuốn sách một cách trọn vẹn, người đọc cần có thời gian để suy ngẫm, tĩnh lặng để thấu hiểu và thực tế để chiêm nghiệm những giá trị cốt lõi được chuyển tải qua từng trang giấy, con chữ với đầy tâm huyết của một học giả uyên thâm.

Gương thầy trò là một trong số tác phẩm học làm người của học giả Hoàng Xuân Việt. Ảnh: Lê Châu

Việc chỉnh sửa nội dung và bổ sung các hình ảnh minh họa để phù hợp với các bạn trẻ cũng là mong muốn của Ban biên tập nhằm giúp các bạn trẻ có thêm một tác phẩm thú vị và bổ ích. Tác phẩm được tác giả “soi chiếu” lần lượt qua cuộc đời, qua tình sư đệ của các danh nhân và môn đồ.

Theo học giả Hoàng Xuân Việt, tình thầy - trò trước hết bạn cảm thức rằng nó là một mối tình. Ông đã dẫn dắt 6 điều luật nền tảng căn bản tạo nên tình thầy trò, nó tiềm tàng và được lưu giữ từ xưa cho đến tận bây giờ. Ở đâu nghe thầy trò lủng củng với nhau là một vài luật ấy bị vi phạm.

6 điều luật nền tảng làm nên tình thầy - trò bao gồm:

1. Về mặt trí tuệ:

Luật khả năng: Thầy có khả năng, kiến thức, đức độ và khả năng truyền thụ vào tim óc trò những gì cần giáo dục. Trò có khả năng hấp thụ vì nếu không vậy thì thầy dù tài đức đến đâu giáo dục kết quả cũng chẳng bao nhiêu.

2. Về mặt ý chí:

Luật nỗ lực: Luật này chi phối thầy lẫn trò. Giáo dục là việc dài hơi, không thể hoàn tất trong một sớm một chiều. Nó đòi cố gắng liên tục.

3. Về mặt lương tâm:

Luật đức hạnh: Công tác sư phạm đòi buộc đủ thứ đức độ: chân thành, quảng đại, hiền dịu, can đảm, khiêm tốn, công bình...

4. Về mặt tình cảm:

Luật tình thương: Luật này được coi là nguyên lý bao trùm các định luật khác. Thầy trò mà không thương nhau thì việc giáo dục coi như đi đời nhà ma.

5. Về mặt xử thế:

Luật tư cách: Luật này trói buộc từ thầy đến trò. Tiếng tư cách gồm các khái niệm lịch sự, cao nhã, chừng mực, đứng đắn, tự trọng, tế nhị...

Luật tri ân: Trò trọn đời biết ơn thầy. Còn thầy, thầy không nhớ ơn trò sao nếu trò thể hiện được chí nguyện mà vì lý do nào đó thầy không đạt được?

6. Về mặt hành động:

Luật hữu hiệu: Thầy phải dạy những gì thiết dụng và thể cách áp dụng sao cho đắc lực. Trò học rồi phải hành, phải ứng dụng vào đời sống thực tế.

Có thể nói, cho đến bây giờ, các mặt và các điều luật trên không hề lỗi thời, ở một khía cạnh nào đó, mối quan hệ thầy trò thời hiện đại đã bị xem nhẹ, vật chất dần được đem ra cân, đo, đong, đếm để bù trừ cho tình thầy trò. Thầy dần không còn là người thầy “đức cao vọng trọng”, trò cũng dần xa rời “con ngoan trò giỏi”, những màn cãi tay đôi, đánh thầy, cãi thầy, thầy hành hung trò… đó là do các điều luật trên đã bị vi phạm. Và ngược lại.

Quả thật, chỉ bấy nhiêu đó thôi cũng đủ cho ta thấy giá trị của những tấm gương thầy trò được đúc kết từ 6 điều luật làm nền tảng căn bản trên. Có thể nói đây là một cuốn sách hay trong dòng sách Học làm người của học giả Hoàng Xuân Việt. Hy vọng cuốn sách này có thể đến tay các độc giả thân yêu, góp chút tươi đẹp cho đời để tình thầy trò là một đền thờ không dành cho gót danh lợi, ích kỷ mà để riêng cho những tâm hồn vươn lên lý tưởng chân thiện mỹ.

Thu Thủy

Nguồn Người Tiêu Dùng: http://www.nguoitieudung.com.vn/ra-mat-tac-pham-guong-thay-tro-cua-hoc-gia-hoang-xuan-viet-d49556.html