Ra đường để làm gì?

Chắc hẳn đó là câu hỏi được nhiều người tự đặt ra với mình trước khi rời tổ ấm. Trả lời được câu hỏi đó có nghĩa là bạn đã xác định được mục đích, ý nghĩa hành động, việc làm của mình trong khuôn khổ pháp luật để không phải trả giá.

Tôi tin rằng, từ nhỏ ai cũng được bố mẹ dạy dỗ điều đó qua câu hỏi: "Con đi đâu đấy?", "Con đi làm gì đấy?"... Những câu hỏi như vậy còn hàm chứa sự quan tâm, tình cảm, thậm chí cả sự lo lắng khiến mỗi chúng ta phải suy nghĩ để rồi quyết định có ra đường hay không. Trong bối cảnh bình thường đã vậy!

Dịch Covid-19 đang diễn biến vô cùng phức tạp, khó lường. Chính phủ đã, đang có những giải pháp hết sức đúng đắn, linh hoạt và hiệu quả không chỉ để phòng, chống dịch mà còn bảo đảm phát triển kinh tế - xã hội, hạn chế tối đa mức độ ảnh hưởng tới đời sống người dân. Không phải vô cớ mà Việt Nam không tiến hành biện pháp phong tỏa trên diện rộng như một số quốc gia đang áp dụng mà chỉ tiến hành “giãn cách xã hội”. Phần lớn người dân đã thực hiện nghiêm túc Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, đặc biệt là trong những ngày đầu tháng 4. Đường phố vắng phương tiện, vắng bóng người đi lại, hàng loạt dịch vụ xã hội không thiết yếu đã tạm dừng hoạt động...

Thế nhưng, vẫn có những người để “cái tôi” lấn át, bất chấp khuyến cáo, bất chấp lệnh cấm, vẫn ra đường để làm những việc không cần thiết như tập thể dục, uống cà phê, có người còn chụp ảnh đưa lên Facebook thể hiện “đẳng cấp”... Đáng lên án hơn, có những nhóm cố tình tụ tập ăn nhậu, đua xe, thậm chí thuê phòng karaoke, khách sạn để... giải trí, sử dụng ma túy... Trước những hành vi vô cảm đó, chắc hẳn rất nhiều người đã, đang nghiêm túc thực hiện lời kêu gọi “Ở nhà là yêu nước” sẽ đặt câu hỏi: Họ ra đường để làm gì?

Như đã nói, không phải vô cớ mà Chính phủ không tiến hành cách ly, phong tỏa triệt để như nhiều quốc gia mà chỉ tiến hành “giãn cách xã hội”. Ngoài “mục tiêu kép” là vừa phòng, chống dịch hiệu quả vừa bảo đảm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, cái đích lớn nhất không gì khác là hạn chế tối đa sự xáo trộn xã hội, vì cuộc sống an bình của mỗi người dân.

Những ngày gần đây đã có thông tin tích cực về số ca bệnh được chữa khỏi, số ca nhiễm mới vào cuối tuần qua có giảm. Thế nhưng, thay vì “ăn mừng” bằng hành động tích cực, thiết thực, tiếp tục thực hiện tốt biện pháp “giãn cách xã hội”, “Ở nhà là yêu nước”, không ít người đã chủ quan. Cuối tuần qua, số lượng người, phương tiện xuất hiện trên đường lại tăng khiến cả cơ quan hữu trách và dư luận lo lắng. Không lo lắng sao được khi những thông tin về bệnh nhân 243 đã đi rất nhiều nơi, tham gia nhiều đám cỗ, tiếp xúc với rất nhiều người khiến cả thôn Hạ Lôi (xã Mê Linh, huyện Mê Linh), cán bộ, chiến sĩ phường Đông Ngạc (quận Bắc Từ Liêm)... bị cách ly. Và điều không mong muốn nhất đã xảy ra: Kết quả xét nghiệm cho thấy nhiều người ở thôn Hạ Lôi bị lây nhiễm SARS-CoV-2 từ bệnh nhân 243. Bộ Y tế một lần nữa phải phát thông điệp kêu gọi những người đã đến chợ hoa Mê Linh từ ngày 20-3 đến nay liên hệ ngay với cơ quan y tế để được hỗ trợ...

Rõ ràng, mối nguy trong cộng đồng, nguy cơ dịch bệnh lây lan là vô cùng lớn. Chỉ một chút chủ quan, lơ là, lập tức có thể nhiễm bệnh. Nguyên do mà ai cũng biết là thời gian ủ bệnh ở người có vi rút SARS-CoV-2 dài, có người không có biểu hiện lâm sàng. Đó cũng chính là lý do khiến chúng ta phải hạn chế tiếp xúc, tránh tụ tập đông người.

Và cũng chính vì thế, câu hỏi “Ra đường để làm gì?” càng phải được cất lên nhiều hơn trong mỗi người, mỗi gia đình và cộng đồng. Để “giãn cách xã hội” hiệu quả, cần sự ý thức tự giác, tự giám sát ngay trong mỗi gia đình, thay vì đổ hết trách nhiệm lên những người đang ngày đêm trên tuyến đầu vì sự an toàn của cộng đồng.

Mai Lâm

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/luan-ban-hanh-dong/964593/ra-duong-de-lam-gi