Ra đề thi: Sáng tạo nhưng đừng quá đà!

Việc ra đề kiểm tra cuối kỳ cần có định hướng ở một giới hạn nhất định, đã có những đề kiểm tra cuối kỳ theo dạng đề mở vô tội vạ, thậm chí phản giáo dục

Đề thi môn ngữ văn lớp 12 trong kỳ kiểm tra kết thúc học kỳ I năm 2019-2020 do Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) TP Đà Nẵng ra đề gây nhiều tranh cãi. Nội dung đề thi yêu cầu học sinh nhận định "buông bỏ, cần nhiều sức mạnh hơn vạn lần so với sự theo đuổi". Học sinh phải nhận định, phân tích, đưa ra ý kiến về việc từ bỏ cũng là một sự lựa chọn.

Thiếu chọn lọc thì dễ lệch lạc

Đề kiểm tra kết thúc học kỳ I môn ngữ văn lớp 10 của Trường THPT Thủ Đức (quận Thủ Đức, TP HCM) đưa hiện tượng mạng xã hội Khá Bảnh bị bắt, thụ án 10 năm tù vào đề. Nhiều giáo viên cho rằng sự sáng tạo vượt ra khỏi nhận thức ở lứa tuổi học sinh sẽ dễ dẫn đến "phản ứng ngược" trong giáo dục.

Cô Trần Yến Nhi, giáo viên Trường THCS Phan Công Hớn (huyện Hóc Môn, TP HCM), cho rằng nên đưa thực tế vào những bài kiểm tra học kỳ nhưng nếu không kiểm soát được mức độ ảnh hưởng của tình huống đó sẽ dẫn suy nghĩ lệch lạc của học sinh về vấn đề giáo viên đang muốn hướng đến. Học sinh sẽ có quan điểm: Tại sao lại muốn em đưa ra cảm nghĩ, nhận định của bản thân nhưng sau khi đưa ra thì lại chấm sai, điểm thấp? Như vậy dễ dẫn đến bức xúc trong học sinh, đến lúc đó rất khó để giải đáp, học sinh sẽ không phục.

Hiện tượng Khá Bảnh xuất hiện trong đề kiểm tra kết thúc học kỳ I môn văn lớp 10 Trường THPT Thủ Đức (TP HCM)

Cô Nhi cũng cho rằng trên mạng xã hội, Khá Bảnh là "thần tượng" của rất nhiều bạn ở lứa tuổi học sinh nhưng là hình ảnh ảnh hưởng xấu đến xã hội, mà đưa vào đề thi thì học sinh dễ bộc lộ suy nghĩ lệch lạc như sự thích thú hay bắt chước hành động của "thần tượng", dẫn đến nhiều hệ lụy tồi tệ.

"Sáng tạo trong đề kiểm tra phải ở mức độ vừa phải, không nên đưa ra những đề nghị luận xã hội nhạy cảm, bởi mỗi em sẽ có một cách nhìn nhận, tư duy khác nhau về cuộc sống. Lứa tuổi học sinh chưa có suy nghĩ chín chắn, chưa tiếp xúc nhiều với thực tế nên người ra đề cần lường trước được suy nghĩ của học sinh" - cô Nhi đưa ra quan điểm.

Một học sinh lớp 12 Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong (quận 5, TP HCM) chia sẻ việc ra đề mở ngoài những kiến thức trong sách, học sinh có thể tư duy thực tế nhiều hơn. Nếu là một đề văn nghị luận thì học sinh có thể đưa ra quan điểm của mình. Nhưng thầy cô nên đưa ra đề hẹp hơn, không thể khuyến khích học sinh buông bỏ hay để học sinh tự nhận định việc từ bỏ. Thầy cô là người chấm bài thì nên đưa ra những lời phê hợp lý nếu có học sinh đưa ra ý kiến, quan điểm lệch lạc trong cuộc sống.

Không thể chọn ngữ liệu mông lung

Theo thầy Nguyễn Đức Tấn, giáo viên Trường THCS Nguyễn Du (quận 1, TP HCM), sự sáng tạo trong ra đề kiểm tra không vượt quá kiến thức trong sách giáo khoa (SGK), không "leo" lớp. Giáo viên phải nhìn nhận được năng lực của học sinh để ra đề vừa sức. Có những câu khó để phân lớp học sinh giỏi, đạt điểm 9-10, nhưng cũng phải bám vào SGK và từ đó học sinh suy luận.

Theo thầy Tấn, đề kiểm tra học kỳ môn toán của TP HCM gần đây đưa ra những bài thực tế gắn liền với cuộc sống, phong phú, đa dạng và vẫn bảo đảm học sinh trung bình có thể làm được 6-7 điểm. Đưa thực tế cuộc sống vào bài kiểm tra yêu cầu ngoài kiến thức học ở trường ra, học sinh phải có tư duy sáng tạo, suy luận. Nhưng sự sáng tạo trong đề kiểm tra chỉ nên chiếm 10%-15% tổng số điểm của bài kiểm tra, 1 đến 1,5 điểm.

Những bài toán thực tế phải sát với gia đình, cá nhân học sinh hằng ngày chứ không đưa những ví dụ trừu tượng, cao siêu. Học sinh chỉ dừng ở mức suy luận cơ bản. Ví dụ như toán lớp 6 học về giảm giá, tăng giá hàng thì đưa vào những tình huống khi ba mẹ các em đi chợ hằng ngày.

"Những đề sáng tạo, đưa thực tế vào bài kiểm tra một cách vô tội vạ sẽ ảnh hưởng đến kết quả học tập của học sinh, học sinh chưa hiểu hết ý đồ của người ra đề, tư duy lệch lạc. Giáo viên nên nghiên cứu thật kỹ trước khi ra đề để học sinh không hiểu nhầm ý, hiểu theo khía cạnh khác, nhiều dữ liệu, câu từ trong đề thi học sinh không lĩnh hội được hết" - thầy Tấn cho biết.

Cô Lý Thị Bích Nhung, giáo viên môn sinh Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong (TP HCM), cho rằng sáng tạo phải gắn liền với bài học và những kiến thức học sinh đã biết chứ không ra những thứ cao siêu. Cô Nhung cho rằng ứng dụng thực tế cũng phải dựa vào SGK chứ hỏi cái gì lạ quá, đánh đố quá thì không nên.

"Không nên đưa ra những đề thi sáng tạo quá tầm nhận thức của học sinh, chỉ đưa ra ở mức độ giới hạn học sinh có thể liên hệ được thực tế và áp dụng được thì đó mới là đề kiểm tra tốt, hiệu quả" - cô Nhung chia sẻ.

Đề mở, chấm điểm cũng phải mở

Theo cô Trần Yến Nhi, giáo viên đánh giá bài kiểm tra học sinh phải mở, thì mới thể hiện sự hiệu quả của đề kiểm tra. Trong một ba-rem điểm học sinh viết được ý nào thì đánh giá theo ý đó, những bài học sinh viết theo quan điểm riêng nếu thấy đúng phù hợp thì giáo viên vẫn cho điểm cao. Những bài có quan điểm chưa đúng, giáo viên nên giải thích lại cho học sinh hiểu. "Ra đề sáng tạo, mà bản thân người chấm chưa mở, chưa trân trọng sự sáng tạo của học sinh, chưa thoát khỏi tư duy truyền thống thì không hiệu quả" - cô Nhi nhìn nhận.

Bài và ảnh: NGUYỄN THUẬN

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/giao-duc-khoa-hoc/ra-de-thi-sang-tao-nhung-dung-qua-da-20191226214025483.htm