Quy trình đăng ký, gia hạn thuốc còn nhiều bất cập

Sáng nay 16/4, đoàn ĐBQH TPHCM đã tổ chức Hội thảo Góp ý dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược. Đại biểu đặc biệt quan tâm và cho ý kiến về quy trình đăng ký gia hạn thuốc, luật hóa việc thành lập trung tâm dự trữ thuốc hiếm.

Theo đại biểu, dự thảo Luật hiện đã rút ngắn thời gian đăng ký xuống còn 15 ngày nhưng quy định này liệu có phù hợp với thực lực hiện nay của ngành y tế? Hay chỉ quy định xong để đó không thể thực hiện? Về quy trình đăng ký thuốc hiện cũng chỉ thực hiện trên hồ sơ, đưa cái gì đọc cái đó. Việc giả mạo rất khó để phát hiện. Đồng thời, tình trạng không hạn chế, cả nước có khoảng 8000 hoạt chất nhưng có tới 22.000 số đăng ký, cứ tự do nộp hồ sơ, thấy đạt là cho đăng ký như hiện nay khiến công tác quản lý rất khó khăn.

Theo đại biểu, chính sự chen lấn, không hạn chế, nắn dòng từ đầu đã làm cho việc đăng ký gia hạn thuốc hiện nay bị ách tắc, phát sinh tiêu cực, mất thời gian của các doanh nghiệp sản xuất dược.

Cũng xoay quanh việc đăng ký thuốc, đại biểu cho rằng các loại thuốc mới đã phải trải qua quá trình kiểm tra, thẩm định rất ngặt nghèo ở các nước, nhất là ở các nước phát triển. Do đó, riêng với thuốc mới, Luật cần có quy định đặc biệt rút gọn, đơn giản hóa.

Liên quan tới việc sản xuất, cung ứng thuốc, đặc biệt với các loại thuốc hiếm, đại biểu đề nghị nên giao cho các công ty trong nước sản xuất hoặc thành lập đơn vị dự trữ thuốc hiếm cấp quốc gia để có sự chủ động về nguồn thuốc này khi cần.

Đánh giá cao ý kiến góp ý của các đại biểu, ông Hà Phước Thắng - phó trưởng đoàn chuyên trách đoàn ĐBQH TPHCM đã ghi nhận, tổng hợp toàn bộ ý kiến. Những nội dung này sẽ được đoàn nghiên cứu để làm cơ sở trình lên Quốc hội trong kỳ họp tới.

Mời quý vị và các bạn theo dõi nội dung chi tiết!

Thùy Vân - Tăng Sắc

Nguồn Quốc Hội TV: https://www.quochoitv.vn/quy-trinh-dang-ky-gia-han-thuoc-con-nhieu-bat-cap-218627.htm