Quy hoạch sân golf tràn lan, nên hay không?

Hiện nay, cả nước có hơn 100 sân golf được quy hoạch, trong đó có 42 sân đã đi vào hoạt động (chiếm tỷ lệ 36%). Tuy nhiên, việc quy hoạch hàng trăm hecta đất làm sân golf được cho là lãng phí, đi ngược lại các lợi ích của người dân.

Liệu có quá tải về quy hoạch sân golf?

Riêng TP.HCM, theo quy hoạch được phê duyệt, TP.HCM sẽ có 5 sân golf đến hết năm 2020, bao gồm sân golf Thủ Đức (266ha), sân golf Tân Sơn Nhất (hơn 157ha), sân golf ở huyện Củ Chi (200ha), sân golf huyện Bình Chánh (hơn 70ha) và sân golf Rạch Chiếc ở quận 2.

Sau khi sân golf Rạch Chiếc bị loại khỏi quy hoạch, chuyển thành khu dân cư thì TP.HCM lại xem xét, đề nghị bổ sung vào quy hoạch một sân golf khác tại xã Phước Kiển, huyện Nhà Bè. Xét về tính hiệu quả đầu tư của sân golf chưa được khẳng định được thì tình trạng quy hoạch cứ ồ ạt, không những không giảm mà còn xin thêm như hiện nay cũng là điều đáng lo ngại.

Được biết, giữa tháng 11/2016 vừa qua, văn phòng UBND TP.HCM cho biết, TP vừa kiến nghị bộ Kế hoạch và Đầu tư trình Thủ tướng Chính phủ chấp thuận bổ sung dự án sân golf Cần Giờ vào danh mục Quy hoạch sân golf Việt Nam đến năm 2020.

Sân golf này thuộc đồ án quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/5000 của khu đô thị du lịch biển Cần Giờ với quy mô 2.870ha, vị trí tại xã Long Hòa và thị trấn Cần Thạnh, huyện Cần Giờ.

Sân golf Tân Sơn Nhất

Cũng theo kiến nghị, sân golf Cần Giờ có quy mô hơn 135ha, được thiết kế có 36 lỗ do một công ty tư nhân làm chủ đầu tư với tổng kinh phí dự kiến hơn 900 tỷ đồng (chưa gồm kinh phí giải phóng mặt bằng).

Theo TP.HCM kỳ vọng công trình này sẽ góp phần thu hút khách du lịch trong nước và quốc tế, góp phần hình thành khu du lịch tầm cỡ, tăng quỹ đất thể thao, vui chơi giải trí cho tổng thể khu đô thị du lịch biển Cần Giờ, đồng thời giải quyết việc làm cho người dân địa phương.

Theo Quyết định 1946 của Thủ tướng Chính phủ về quy hoạch sân golf Việt Nam đến năm 2020, cả nước có 89 sân golf. Trong đó, vùng trung du miền núi Bắc Bộ dự kiến có 11 sân golf với tổng diện tích đất 1.456ha; vùng đồng bằng sông Hồng 16 sân golf với hơn 1.909ha; vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Nam Trung Bộ 29 dự án với 2.943ha; vùng Tây Nguyên 8 dự án với tổng diện tích 839ha; vùng Đông Nam Bộ 21 dự án với tổng diện tích đất 2.376ha và vùng đồng bằng sông Cửu Long 4 dự án với 461ha. Như vậy, trung bình, mỗi tỉnh thành sẽ có 1,4 sân golf.

Lợi ích thật sự của sân golf đối với người dân như thế nào?

Theo thống kê của bộ Kế hoạch – Đầu tư cho biết, có đến hơn một nửa số dự án sân golf chưa đi vào hoạt động, hoạt động không hiệu quả hoặc bị "ế" và là nỗi ám ảnh đối với các nhà đầu tư. Tình trạng này cũng được vị chuyên gia lý giải là vì đầu tư sân golf đòi hỏi chi phí đầu tư ban đầu lớn nhưng khả năng thu hồi vốn chậm, phải trải dài trong nhiều năm.

Chính từ những bất hợp lý trong quy hoạch sân golf mà bộ Kế hoạch và Đầu tư đang lên ý tưởng loại bỏ quy hoạch để tiến tới quản lý, cấp phép xây dựng sân golf thông qua các điều kiện khắt khe hơn.

Dư luận cho rằng, sân gofl không đóng góp bao nhiêu cho tăng trưởng kinh tế, nhưng đất tốt bị mất, lao động mất việc làm, môi trường bị tổn hại. Bên cạnh đó, việc xây dựng sân golf chỉ phục vụ cho số ít người có tiền mà như chúng ta biết đa số dân ta nghèo. Vậy xây nhiều sân golf thế thì ai là người chơi? Nếu như sân golf để phục vụ cho đa số người dân thì không nói làm gì, ở đây lại chỉ vì số ít người giàu trong xã hội mà làm mất đi rất nhiều diện tích đất nông nghiệp thì cũng nên xem xét lại.

Bộ phận lớn sân golf chủ yếu phục vụ cho người giàu

Theo các chuyên gia kinh tế, golf là môn thể thao giải trí không phải "quần chúng" vì rất đắt tiền. Trong khi các vấn đề an sinh xã hội chưa được giải quyết tốt thì việc lấy đất để phục vụ cho một số ít người có điều kiện sẽ gặp phải sự phản ứng của nhiều người dân. Vì vậy, chỉ dùng những vùng đất không canh tác được để làm sân golf là thích hợp nhất.

Theo đại biểu Quốc hội Nguyễn Minh Hà cho biết có tới 80% diện tích sân golf lấn vào đất nông nghiệp, 2/3 diện tích trung bình các dự án được dùng để xây xây biệt thự. Đây thực chất là kinh doanh bất động sản.

Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch Đầu tư, các dự án đầu tư có mục tiêu sân golf thường chiếm một diện tích rất lớn, bình quân khoảng 374 ha/dự án. Trong đó, diện tích đất sử dụng cho golf lại chưa tới 30% tổng diện tích đất dành cho các dự án sân golf.

Trong số 113 dự án kết hợp kinh doanh sân golf và kinh doanh bất động sản, khu du lịch, có tới 70,4% diện tích các dự án được sử dụng cho mục đích biệt thự để bán và cho thuê, khu nghỉ dưỡng, khu cây xanh, rừng cảnh quan… Hiệu quả chủ yếu mà chủ đầu tư sân golf này trông đợi để sớm thu hồi vốn chính là từ các mục tiêu bất động sản đi kèm.

PHA LÊ

Nguồn Dân Sinh: http://baodansinh.vn/quy-hoach-san-golf-tran-lan-co-nen-hay-khong-d86586.html