Quy hoạch không gian bờ sông Sài Gòn: Bốn phân khu dòng chảy cho 5 chiều cơ hội phát triển

Chính quyền TP.HCM đang thúc đẩy một dự án đường ven sông Sài Gòn, dài chừng 4 km từ cầu Ba Son đến cầu Bình Triệu với tổng vốn đầu tư 3.380 tỷ đồng (giai đoạn 2024 - 2030). Đồng thời, một ý tưởng quy hoạch khác, bao trùm lên cả không gian ven bờ sông Sài Gòn chảy qua địa phận TP.HCM dài 80 km cũng được khởi đầu.

Hai đơn vị được UBND TP.HCM mời thực hiện quy hoạch phát triển toàn diện hành lang sông Sài Gòn là Viện Quy hoạch vùng Paris (IPR) và Tổ chức Khoa học và Chuyên gia Toàn cầu (AVSE Global). Báo cáo định hướng sông Sài Gòn trong quy hoạch tổng thể cũng đã được công bố trong cuộc hội thảo đầu năm 2024 do UBND TP.HCM tổ chức.

Người Đô Thị khái lược những ý tưởng và đề xuất ban đầu của nhóm nghiên cứu về quy hoạch không gian sông Sài Gòn và ghi nhận ý kiến từ các chuyên gia.

* * *

Phân khu 1: Kéo dài từ Trung tâm Lịch sử Thủ Dầu Một (Bình Dương) ngược lên đến Khu Tưởng niệm địa đạo Củ Chi bao gồm cả huyện Củ Chi (TP.HCM) và Bến Cát (Bình Dương), một phần giáp hồ Dầu Tiếng (Tây Ninh). Khu vực này chủ yếu là nông thôn, đang đối mặt với một số mối đe dọa như ô nhiễm, mất giá trị di sản do không được công nhận đầy đủ và cạnh tranh lợi ích; lấn chiếm đô thị và áp lực đất đai cao do vị trí; suy thoái chất lượng cảnh quan…

Ý tưởng quy hoạch là phát triển một hình thức công viên tự nhiên mới để bảo tồn và nâng cao nền nông nghiệp, cảnh quan và di sản của khu vực ngoại ô; tận dụng tối đa tài sản văn hóa và nông nghiệp bằng cách xây dựng một kế hoạch bảo tồn và nâng cấp cụ thể dựa trên kinh nghiệm thành công của Công viên tự nhiên vùng tại Pháp.

Quy hoạch không gian ven sông Sài Gòn làm 4 phân khu. Ảnh: TL

Phân khu 2: Đoạn này có chiều dài 25km, từ cầu đường sắt (Bình Lợi) đến cầu Phú Cường, phần lớn là ranh giới giữa TP.HCM và Bình Dương. Tại đây, dự kiến tạo ra không gian giao thoa giữa thành thị và nông thôn bằng cách xác định ranh giới rõ ràng hơn giữa hai khu vực này. Mục tiêu nhằm bảo vệ không gian mở, đồng thời duy trì sự đan xen của đất trồng, sự hiện diện của các khu canh tác trong kết cấu đô thị và vai trò quan trọng của kênh rạch. Các nhà tư vấn cũng đề xuất chuyển đổi các khu đất trồng trọt rộng lớn còn lại thành các “công viên nông nghiệp” năng suất, giải trí và sinh thái.

Các khu vực đã được đô thị hóa có thể tiếp tục phát triển dần dựa trên hiện trạng phân khu đất, tránh phá hủy và xây dựng lại quy mô lớn làm ảnh hưởng tới cấu trúc hiện tại. Các khu vực này bao gồm Lái Thiêu, Bình Nhâm trên bờ đông của sông Sài Gòn; Thanh Xuân, Nhị Bình trên bờ tây, và trung tâm đô thị của Đông Thành (Dĩ An - Bình Dương) ở xa hơn về phía Tây. Đặc biệt, không nên tiến hành xây dựng trên đất canh tác chính nằm ở giữa các khu vực trên, đảm bảo chúng là một khu vực nông nghiệp sản xuất hiệu quả.

Phân khu 3: Công viên trung tâm đa chức năng cho Thanh Đa. Đoạn dài 13,5km chạy từ cầu Sài Gòn đến cầu Bình Lợi bao trùm toàn bộ bán đảo Thanh Đa với các kênh rạch xung quanh, đặc biệt là 120 ha đất cảng Phước Long cũng là mối quan tâm hàng đầu với sự hoạt động của tuyến metro đầu tiên.

Bán đảo có tổng diện tích 480 ha, khoảng 300 ha hiện là các trang trại hoặc bị bao phủ bởi đồng cỏ với nguy cơ cao xảy ra ngập lụt. Hầu hết trang trại vẫn đang hoạt động và là nguồn cung cấp rau củ, cá, hoặc cây cảnh. Một số đã được chuyển đổi để phục vụ mục đích giải trí như câu cá, nhà hàng, địa điểm dã ngoại… Có nhiều kênh rạch nối với sông Sài Gòn tại đoạn sông uốn khúc quanh bán đảo Thanh Đa, được bao quanh bởi các khu đất ngập nước dùng để canh tác hoặc trồng cây. Các kênh rạch này giúp đảm bảo liên kết “xanh lục - xanh lam" của Thanh Đa với các khu vực quan trọng (như khu An Phú).

Khu vực cảng Phước Long sau khi trải qua quá trình tái thiết sẽ là mặt tiền hướng ra sông của đô thị kết hợp với công viên trên các tòa nhà chọc trời và các bến đi bộ công cộng. Khu vực cảng này sẽ được kết nối với Công viên Đô thị Thanh Đa qua các cầu đi bộ và tuyến metro số 1. Một hệ thống cáp treo có sức chứa lớn sẽ chạy từ ga metro Phước Long đến khu trung tâm của công viên, nơi các dịch vụ, cửa hàng… được tập trung và tích hợp thành một ngôi làng truyền thống.

Tuyến buýt sông vận hành dọc sông Sài Gòn đem lại cho du khách một góc nhìn mới lạ. Ảnh: CTV

Phân khu 4: Đoạn dài 16km này của sông Sài Gòn kéo dài từ nơi hợp lưu với sông Đồng Nai / Nhà Bè đến cầu Sài Gòn. Đây là lối vào trung tâm đô thị TP.HCM, đi qua một vài quận, huyện lâu đời và đông dân nhất. Đây cũng là đoạn đang được cải tạo mạnh mẽ nằm bên cánh phải bờ sông, nhưng bên bờ mạn Thủ Đức lại kém phát triển hơn, nhất là khu bán đảo Thủ Thiêm.

Phân khu này là một không gian phức hợp đa chức năng trong đô thị, đòi hỏi một chiến lược không gian có sự phối hợp hiệu quả các yếu tố khác nhau cho ra một kết quả có tính liên kết mạch lạc. Từ đó, nhóm dự án đưa ra chiến lược tập trung vào các phân khu nhỏ dưới đây:

- Khu 4A: Quận 1 - Ngã tư Thủ Thiêm.

- Khu 4B: Cụm Đổi mới sáng tạo và Văn hóa tại cảng Khánh Hội.

- Khu 4C: Khu công nghiệp và ven sông Tân Thuận.

- Khu 4D: Hợp lưu xanh sông Sài Gòn - Nhà Bè.

Cụ thể:

Phân khu 4A: Ngoài cây cầu dành cho người đi bộ đang triển khai, nhóm tư vấn đề xuất xây thêm một hoặc hai cầu dành cho người đi bộ và xe đạp. Tuy nhiên, để giảm độ dài 250 m qua sông Sài Gòn (khá rộng so với sông Singapore và gấp đôi sông Seine), trước tiên, kết nối chúng với một số hòn đảo vườn trước khi đến Thủ Thiêm. Những “bước đi màu xanh kiểu Nhật” này có thể xây cố định hoặc nổi và được cột gần bờ trái nơi dòng sông chảy chậm hơn. Trên quần đảo và trong dòng chảy yên bình này, có thể tổ chức nhiều hoạt động giải trí như các quán nhạc và quán cà phê, nhà hàng nổi, hồ bơi.

Phân khu 4B: Bến cảng Khánh Hội kéo dài hơn 2km giữa kênh Bến Nghé và kênh Tẻ. Do vị trí đô thị đắc địa, dải công nghiệp và kho bãi cũ rộng 40 ha nằm giữa đường Nguyễn Tất Thành và sông, dự kiến sẽ có sự thay đổi mục đích sử dụng đất trong ngắn và trung hạn. Chiến lược phát triển cho cảng Khánh Hội là biến nơi đây thành cụm văn hóa và sáng tạo tương lai của TP.HCM.

Để đạt mục tiêu này, toàn bộ chiều rộng của dải sông sẽ tạo ra một không gian cảnh quan công cộng rộng rãi với các địa điểm nằm rải rác như bến bãi cải tạo (khi chúng có giá trị về mặt kiến trúc), các tòa nhà và thuyền nhẹ kết hợp giữa sáng tạo, nghệ thuật và lễ hội, chẳng hạn như phòng trưng bày nghệ thuật, sàn nhảy, cửa hàng thời trang…

Công trình cầu đi bộ nối quận 1 sang Khu đô thị mới Thủ Thiêm, TP. Thủ Đức, đã được UBND TP.HCM phê duyệt phương án thiết kế kiến trúc. Ảnh: TL

Phân khu 4C: Để thúc đẩy việc nâng cấp Khu Công nghiệp Tân Thuận, dự án đưa ra hành động theo 3 giai đoạn:

- Phát triển các vườn ươm R&D tập trung vào kinh tế tuần hoàn (đặc biệt là tái chế rác thải đô thị), kinh tế xanh (công nghệ hàng hải, ngư nghiệp, nuôi trồng thủy sản), năng lượng tái tạo, môi trường đô thị - nông thôn (đặc biệt là công nghệ giảm ô nhiễm)…

- Xây dựng một cơ sở với mục đích đặc biệt để triển lãm các đổi mới từ các vườn ươm này, đồng thời phục vụ các hội nghị và đào tạo nghề cũng như hội chợ thương mại liên quan đến đổi mới sáng tạo công nghệ xanh.

- Tái phát triển khu vực gần cảng làm nơi đóng tàu thuyền du lịch, đáp ứng nhu cầu giải trí.

Phân khu 4D: Hợp lưu xanh sông Sài Gòn - Nhà Bè, cần bảo tồn không gian tự nhiên rộng lớn và liền mạch còn sót lại ở cửa sông. Một mặt đây là khu vực có mức độ đô thị hóa cao nhất dọc hành lang sông. Mặt khác đây cũng là khu vực hạ lưu với không gian mở rộng cuối cùng không bị ảnh hưởng bởi sự phát triển đô thị.

Mặc dù không phải các hồ chứa đa dạng sinh học hạng nhất nhưng chúng lại có tiềm năng lớn về phục hồi đa dạng sinh học. Khôi phục môi trường tự nhiên của Mũi Đèn Đỏ và cảnh quan khu vực để mở cửa cho du khách. Cần tiến hành kiểm soát sinh thái cẩn thận, phục hồi đa dạng sinh học, đồng thời đáp ứng được một lượng khách hạn chế đến tận hưởng khung cảnh nổi bật tại khu hợp lưu Sài Gòn - Nhà Bè. Một tác phẩm điêu khắc đương đại được đặt tại đỉnh của tam giác có thể trở thành biểu tượng đánh dấu cho khu vực này.

Quốc Ngọc - Duy Thông thực hiện

Nguồn Người Đô Thị: https://nguoidothi.net.vn/quy-hoach-khong-gian-bo-song-sai-gon-bon-phan-khu-dong-chay-cho-5-chieu-co-hoi-phat-trien-43158.html