Quy định về đối chất trong vụ án dân sự
Hỏi:Tôi là đồng bị đơn trong vụ án dân sự về việc cho vay tiền, phía người cho vay cho rằng, vợ chồng tôi mượn tiền họ chưa trả, lời khai của họ, lời khai của người làm chứng không giống nhau về thời gian mượn, nơi nhận, người nhận tiền… với lý do là đã quá lâu, tôi hoang mang không biết sự việc như thế nào? Xin được luật sư tư vấn.
Đỗ Ngọc Minh (ngụ H.Trảng Bom)
Trả lời: Thông tin ông cung cấp thể hiện có sự mâu thuẫn trong lời khai, chứng cứ của chủ nợ cũng như người làm chứng, trong khi đó vợ chồng ông không thừa nhận việc vay mượn tiền.
Trong trường hợp này cần phải tiến hành cho đối chất giữa các bên, cũng như làm rõ lời khai của nhân chứng và chủ nợ tại sao có sự không thống nhất về thời gian, nơi nhận tiền… Bộ luật Tố tụng dân sự hiện hành quy định, theo yêu cầu của đương sự hoặc khi xét thấy có mâu thuẫn trong lời khai của các đương sự, người làm chứng thì thẩm phán phải tiến hành đối chất giữa các đương sự với nhau, giữa đương sự với người làm chứng hoặc giữa những người làm chứng với nhau, mục đích để làm rõ sự thật khách quan của vụ án. Việc đối chất phải được lập thành biên bản, có chữ ký hoặc điểm chỉ của những người tham gia đối chất.
Như vậy để đảm bảo quyền lợi hợp pháp của mình liên quan đến việc vay mượn tiền, vợ chồng ông có thể yêu cầu thẩm phán đối chất giữa các bên, người làm chứng…