Quay quắt giữa những bến bờ
'Đò dọc' được đánh giá là một trong những tác phẩm hay nhất của nhà văn Bình Nguyên Lộc, từng đoạt Giải thưởng văn chương toàn quốc năm 1959 – 1960. Mới đây, NXB Trẻ đã phát hành lại tiểu thuyết vô cùng nổi tiếng này.
Câu chuyện của một gia đình
Cuốn sách xoay quanh gia đình của ông bà Nam Thanh. Khi đang sinh sống ở đô thị Sài Gòn thì chủ gia đình quyết định về vườn, sống nhàn tản, dung dị. Tuy khá phù hợp với hai ông bà, thế nhưng với 4 cô con gái đang tuổi cập kê thì lựa chọn này có phần sai lầm. Quẩn quanh ở nơi buồn tẻ, nhạt nhẽo, không có phương tiện giải trí nào, họ nhanh chóng rơi vào tâm trạng ủ ê, chán nản. Rồi một ngày nọ một vụ tai nạn bất ngờ đã đưa chàng họa sĩ Long đến với gia đình, khiến cả ngôi nhà trở nên xào xáo. Kết cục nào đang dành cho họ?
Sở dĩ đây là cuốn sách được đánh giá cao bởi Bình Nguyên Lộc đã rất thành công trong việc tái hiện lại nhiều khía cạnh tâm lý nhân vật. Tuy là một nhà văn nam, thế nhưng những sự biến chuyển trong tâm lý của 4 thiếu nữ ở các độ tuổi khác nhau lại được ông nắm bắt vô cùng tinh tế. Không chỉ tạo ra những sự khác biệt như Hương – chị cả, có vẻ trầm lặng vì đã lỡ thời, Hồng và Hoa đang thời bừng nở hay Quá – em út, còn hơi trẻ con; mà vị nhà văn cũng đào rất sâu vào cách mà các nhân vật với độ tuổi khác nhau, có trải nghiệm khác nhau và đối diện với các vấn đề cũng không giống nhau.
Khi họa sĩ Long bất chợt ở nhờ để dưỡng thương tại gia đình này, thì những bi kịch trong chuyện tình yêu bắt đầu xảy ra. Đó là sự ngộ nhận giữa anh và tình cảm non nớt nơi cô Quá, hay sự e dè vì đã một lần từng bị bội phản của Hồng, khiến cô khép kín lòng mình lại với chàng trai… Tất cả đã được nhà văn tái hiện khác biệt.
Ông còn đi xa hơn đến mức khai thác mặt trái của tình yêu này, vừa tích cực lẫn tiêu cực, khi các chị em cũng rất có thể sẽ đấu đá nhau và đố kỵ nhau về mảnh tình chung. Với số lượng nhân vật tương đối đa dạng, Bình Nguyên Lộc không chỉ khiến họ hiện lên rõ nét, mà còn đào sâu vào nhiều những mối liên hệ, khiến họ xuất hiện ấn tượng và đậm dấu ấn.
Cách viết của ông cũng rất gợi nhớ, vừa mang vẻ hài hước bởi sự thân thiết của 4 chị em cũng như tính cách tinh nghịch, trẻ con; nhưng cũng có khi suy tư và rất nghiêm túc trong việc thể hiện tâm tư của ông bà Nam Thanh hay họa sĩ Long. Với bút pháp điêu luyện và giọng văn đa sắc, cả cuốn tiểu thuyết đã mang đến được rất nhiều sắc thái, không tuyến tính, nhàm chán, mà là một "vũ trụ cảm xúc" đa dạng, góp phần giữ chân độc giả cho đến sau cùng.
Tạo hình trong bộ phim chuyển thể từ tiểu thuyết Đò dọc. Ảnh: HTV
Những vấn đề xã hội lớn hơn
Không chỉ khai thác tâm tư nhân vật, mà qua tác phẩm này, Bình Nguyên Lộc cũng phơi bày bức tranh xã hội của buổi giao thời, khi các tư tưởng truyền thống rường cột đối đầu trực diện với quan điểm mới, tiến bộ và tự do hơn. Có thể so sánh cuốn tiểu thuyết này với các tác phẩm của Tự Lực Văn Đoàn trong việc tạo ra các làn sóng tranh luận, trình hiện ra góc nhìn mới và độc đáo hơn, giải thoát cho các cá nhân cũng như giá trị bị gạt ra rìa, vốn thường bị coi như là yếu thế.
Một trong số đó chính là quan điểm về hôn nhân và vai trò của người phụ nữ. Ở tác phẩm này, có thể thấy rằng nhà văn đã ghi nhận những người con gái đã chủ động hơn và rõ ràng hơn trong việc nắm giữ số phận đời mình. Không ít lần từ "nữ quyền” được ông sử dụng, như ngụ ý nói về sự thay đổi đang đến gần này. Nhưng Bình Nguyên Lộc cũng rất thận trọng, ông không cổ vũ cho một câu chuyện mang tính lý tưởng, mà như ta thấy, những cô con gái vẫn được đàng trai mời đến xem mắt, thế nhưng phản ứng của họ trong việc định đoạt số phận đời mình mới chính là thứ phơi bày được sự dũng cảm mới lạ.
Những người phụ nữ trong tác phẩm này của Bình Nguyên Lộc hiện lên đẹp đẽ, nhưng là cái đẹp mang vẻ ý nhị. Họ giống cô Mùi trong Xóm Cầu Mới của Nhất Linh thay vì cô Loan trong Đoạn tuyệt. Tư duy và cách nhìn nhận của họ cởi mở, nhưng không cực đoan hay quá nghiêm trọng. Xét cho đến cùng họ vừa bí ẩn theo kiểu Đông phương nhưng cũng tiên tiến theo kiểu Tây phương. Chẳng hạn ông viết: “Họ chỉ cởi mở khi bàn tổng quát về ái tình, về hôn nhơn thôi. Nói đến riêng một người, họ vẫn ngại như thường”.
Bìa sách Đò dọc. Ảnh: Minh Anh
Ngoài ra Bình Nguyên Lộc cũng dùng những diễn biến và nhân vật này để nói về những suy ngẫm mang tính triết lý, một điều mà rất ít thấy trong nhiều tác phẩm văn chương của thập kỷ trước. Ví dụ bằng việc chuyển cả nhà mình về miệt Thủ Đức, ông đã làm rõ Sài Gòn là một thành phố trẻ ra sao, nơi không có cư dân gốc, mà chỉ toàn dân tứ xứ bám trụ ở đây. Hay khi mối tình của Long và Hồng dễ bề đi đến tan rã, ông cũng cho thấy quan niệm thẩm mỹ của tầng lớp thị dân và giới nông thôn khác nhau đến như thế nào…
Đọc lại tác phẩm ở ngày hiện tại, ta cũng thấy được Bình Nguyên Lộc đã mang theo rất nhiều dấu ấn văn hóa vào tác phẩm này, từ các từ ngữ, lời ăn tiếng nói đậm đà bản sắc văn hóa Nam bộ… cho đến thói quen đặt tên và cung cách sinh hoạt thường ngày của họ. Ở đó ta thấy những lọ sành Lái Thiêu, mâm gỗ mít tròn, phên tre… giờ khá ít thấy. Ngoài ra còn có những món đồ như đèn măng sông (phiên âm từ tiếng Pháp: manchon), cần vọt, cái lu, con vịt sứ trắng cho người bệnh uống nước… cũng rất độc đáo với thế hệ mới.
Tuy không có con sông hay bến đò nào xuất hiện trong tác phẩm này, thế nhưng tựa đề Đò dọc được Bình Nguyên Lộc đặt ra lại bao hàm được rất nhiều ý nghĩa. Đó là trạng thái lơ lửng, mong manh, không thể biết được rồi bản thân mình sẽ neo ở đâu hay là trôi dạt đến phương trời nào. Đó cũng là sự quay quắt của con người, là thể trạng hoang mang khi họ đứng giữa những ngã ba của truyền thống và hiện đại, của cố hữu và tiên tiến cũng như của cũ và mới…
Từ những điều đó có thể thấy rằng Đò dọc từ khi ra mắt đã là một tác phẩm tương đối tiến bộ, trong việc tái nhìn nhận lại giá trị của người phụ nữ và tầm quan trọng của họ trong việc tự mình quyết định vận mệnh đời mình. Qua câu chuyện của một gia đình, Bình Nguyên Lộc cũng khéo léo cho thấy bức tranh xã hội đương thời với những kình chống ngấm ngầm giữa cũ và mới. Nó cũng là một tác phẩm có sức sống trường tồn, khi không chỉ đại diện cho quá khứ, mà với lớp người đọc mới, cuốn tiểu thuyết này cũng là một “kho” để ta hoài cổ cũng như biết đến những nét văn hóa, phong tục khác biệt của vùng đất Nam bộ xưa.
Nguồn Người Đô Thị: https://nguoidothi.net.vn/quay-quat-giua-nhung-ben-bo-43269.html