Quảng Trị: Hàng chục nghìn người hành hương về Thánh địa La Vang
Trong 2 ngày (14 - 15/8), những người theo đạo Công giáo, du khách từ Bắc vào Nam, trong nước cũng như ngoài nước đã tham gia Lễ hành hương La Vang. Những người hành hương tin rằng đến với Đức mẹ La Vang sẽ được Mẹ che chở, ban nhiều ơn lành.
Thánh địa La Vang hay Trung tâm thánh mẫu toàn quốc Đức Mẹ La Vang, nằm trong khu vực xưa gọi là Dinh Cát (đời Chúa Nguyễn Hoàng vào Nam thế kỷ XVI). Tức là dinh xây trên một vùng đất cát, có khi còn được gọi là Cát Dinh.
Ngày nay, Thánh địa La Vang thuộc xã Hải Phú, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị, thuộc Tổng Giáo phận Huế cách TP Huế (Thừa Thiên Huế) khoảng 60km về phía Bắc và cách thị xã Quảng Trị (tỉnh Quảng Trị) khoảng 6km về phía Tây Nam.
Có nhiều giai thoại về tên gọi La Vang, trong đó có 2 giai thoại nhắc nhiều hơn cả và lưu truyền đến ngày nay. Trong đó, La Vang có nghĩa là kêu lớn, la cho vang lên để xua đuổi thú dữ hay đó là tiếng vang khi gọi nhau, bởi thuở xưa vùng đất này rừng núi thâm u, nhiều loài thú dữ.
Ngoài ra, một giai thoại được lưu truyền nhiều hơn cả chính là vùng này nhiều cây lá vằng, một loài thực vật được sử dụng như một dược liệu quý với nhiều tác dụng chữa bệnh, phục hồi sức khỏe từ rễ đến lá, thân cây. Đặc biệt, phụ nữ vùng sơn cước thường uống nước của loài thực vật này nhằm bồi bổ cơ thể sau khi sinh con.
Thế nên, người ta gọi vùng này là xóm (phường) Lá Vằng. Lâu ngày người ta đọc trại đi thành La Vang hoặc do khi viết tiếng Việt không dấu Lá Vằng thành La Vang.
Trải qua nhiều thế kỷ phường Lá Vằng đã trở thành Thánh Địa La Vang nổi tiếng trong và ngoài nước. Mỗi năm, đồng bào Công giáo khắp nơi thường về hành hương, cầu nguyện, xin ơn độ trì và nơi đây trở thành Trung tâm thánh mẫu toàn quốc, Vương cung Thánh đường Đức Mẹ La Vang.
Những năm tháng chiến tranh và mưa bão, La Vang bị hư hại nặng nề, nhiều công trình kiến tạo bị hư hại, ngôi thánh đường chỉ còn một nửa và nơi Linh đài có 3 cây đa nhân tạo - tục truyền Đức Mẹ hiện hình là còn nguyên vẹn.
Ngày 15/8/2012 đã diễn ra lễ đặt viên đá đầu tiên xây dựng Vương cung Thánh đường Đức Mẹ La Vang mới. Ngôi thánh đường được thiết kế theo phong cách kiến trúc truyền thống Việt Nam, có sức chứa lên đến 5.000 người.
Hàng năm, lễ hội hành hương sẽ được tổ chức vào ngày 14, 15 tháng 8 tại La Vang, 3 năm sẽ tổ chức một lễ lớn gọi là Đại hội hành hương La Vang.
Từ những lời truyền tụng, người hành hương về đây sử dụng nguồn nước gần bên Linh đài cùng lời cầu nguyện sẽ chữa lành phần hồn và phần xác cho các giáo dân. Cùng với đó, loại cây lá vằng sẽ được mua về làm thuốc hay quà biếu để phục hồi sức khỏe, trị một số bệnh liên quan.
Ngày nay, lá vằng (hay còn gọi chè vằng) đã trở thành sản phẩm dược liệu nổi tiếng của Quảng Trị, từ lá, cao đến các sản phẩm tinh chế được bày bán ở nhiều nơi. Đồng thời, Hải Phú - vùng Thánh địa La Vang cũng là một trong những chỉ dẫn địa lý, khu vực sản xuất các sản phẩm chè vằng của tỉnh Quảng Trị.