Quảng Trị gợi mở T&T Group đầu tư thêm điện gió
Liên danh T&T Group – SK E&S có thể chuyển hướng đầu tư điện gió đất liền và ngoài khơi tỉnh Quảng Trị, trong trường hợp nhiệt điện khí LNG không được chấp thuận.
Chính quyền tỉnh Quảng Trị đã đề xuất hướng đầu tư cho liên danh T&T Group – SK E&S liên quan đến dự án nhà máy nhiệt điện LNG Quảng Trị, trong bối cảnh cạnh tranh với Tổng công ty Phát điện 1 (EVNGENCO1) của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN).
Liên danh T&T Group – SK E&S đã kiến nghị UBND tỉnh Quảng Trị đề xuất Bộ Công Thương và Chính phủ phê duyệt chuyển đổi dự án nhiệt điện than sang khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) và bổ sung vào điều chỉnh Quy hoạch điện VIII. Nếu được chấp thuận, liên danh cam kết triển khai dự án đáp ứng tiến độ vận hành vào năm 2030.

Tỉnh mong muốn liên danh T&T Group - SK E&S nghiên cứu đầu tư vào điện gió ngoài khơi, trong giả thiết đề xuất chuyển đổi dự án nhiệt điện Quảng Trị không được chấp thuận. Ảnh: UBND tỉnh Quảng Trị.
Quyền chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị, ông Hà Sỹ Đồng cho biết, tỉnh sẽ đề xuất với Bộ Công thương để có buổi làm việc giữa các bên về vấn đề chuyển đổi nhiên liệu và các công việc liên quan để triển khai dự án.
Đồng thời, trong trường hợp không được cấp thẩm quyền chấp thuận, tỉnh đề nghị các nhà đầu tư thực hiện dự án nhiệt điện hoặc nghiên cứu đầu tư một dự án LNG khác ở Quảng Trị, vì hiện tại tỉnh vẫn còn dư địa phát triển.
Đáng chú ý, tỉnh Quảng Trị cũng “gợi ý” liên danh việc nghiên cứu khả năng thực hiện các dự án điện gió ở miền núi và ngoài khơi trên địa bàn.
Liên danh T&T Group – SK E&S ngỏ lời khảo sát lập hồ sơ đề nghị chấp thuận chủ trương đầu tư dự án LNG Quảng Trị 1.320MW từ hơn một năm nay, sau khi nhà đầu tư EGATi (Thái Lan) rời vai trò chủ đầu tư do khó khăn vay vốn, nguồn nhiên liệu than nhập khẩu và các cam kết đạt giảm phát thải ròng bằng 0.
Khi đó, liên danh cũng đề nghị xem xét nghiên cứu về đề xuất đầu tư kho LNG trung tâm tại khu vực xã Hải An, huyện Hải Lăng.
Năm vừa qua, tỉnh đã đồng ý chủ trương cho phép liên danh nghiên cứu, khảo sát, lập hồ sơ chuyển đổi dự án nhiệt điện sang LNG Quảng Trị và đề nghị Thủ tướng, Bộ Công thương xem xét, đồng ý và phê duyệt các nội dung điều chỉnh với dự án này.
Cùng trong năm 2024, trên cơ sở ủng hộ của Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên, tỉnh đã lựa chọn Công ty CP Tư vấn xây dựng điện 1 (thuộc EVN) làm đơn vị tư vấn để xây dựng hồ sơ báo cáo chuyển đổi nhiên liệu từ than sang khí LNG.
Buổi làm việc diễn ra, chỉ vài ngày sau khi EVNGENCO1, cánh chim đầu đàn của EVN ngỏ lời UBND tỉnh Quảng Trị về đầu tư, phát triển dự án nhiệt điện tổng công suất 1.320MW.
Trong trường hợp được giao làm chủ đầu tư dự án nhiệt điện Quảng Trị, EVNGENCO1 cho biết sẽ nghiên cứu kiến nghị một số chính sách đặc thù nhằm đảm bảo an ninh năng lượng và tiến độ duyệt trong Quy hoạch điện VIII.
Như vậy, khả năng đang diễn ra cuộc chạy đua gay gắt vào dự án nhiệt điện Quảng Trị giữa EVNGENCO1 và liên danh có góp mặt của T&T Group bởi cơ hội đang chia đều cho hai bên.
Một bên, là doanh nghiệp phát điện mang tính chủ lực, truyền thống của EVN với 10 công ty phát điện với 20 nhà máy điện trên cả nước, tổng công suất khoảng 7.156MW – tương đương 9,3% tổng công suất đặt và gần 11% tổng sản lượng điện toàn hệ thống.
Bên kia là liên danh ghi nhận có mặt của T&T Group, với tham vọng "ôm trọn" trung tâm nhiệt điện khí LNG tại Quảng Trị nếu ráp nối thành công với nhà máy LNG Hải Lăng giai đoạn 1 trị giá 54.000 tỷ đồng.
Đặc biệt, tham vọng này được xây dựng trên cơ sở UBND tỉnh Quảng Trị, Tập đoàn T&T Group và SK E&S (Hàn Quốc) đã ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác về đầu tư, thương mại, chuyển đổi năng lượng và tăng trưởng xanh vào tháng 4 năm trước.
Đồng thời, trong khuôn khổ Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam - Hàn Quốc tổ chức tại Hà Nội vào tháng 6/2023, T&T Energy (thành viên của Tập đoàn T&T Group) và SK E&S cũng đã ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác trong lĩnh vực điện khí LNG.
Quảng Trị đangchuyển mình mạnh mẽ để trở thành trung tâm năng lượng, thu hút sự quan tâm của nhiều doanh nghiệp như Tập đoàn T&T, Gazprom, EGATi, Tân Hoàn Cầu, Gelex, Tập đoàn Tài Tâm… với gần 90 dự án.
Ở phân khúc điện gió ngoài khơi, tỉnh cũng đón nhận quan tâm từ rất sớm của Công ty TNHH Xuân Cầu, Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng hạ tầng và giao thông – Intracom hay Tập đoàn Eni.
Trong số này, ý tưởng được cụ thể hóa rõ nhất là Intracom của Shark Nguyễn Thanh Việt, với đề xuất đầu tư và xin bổ sung nhà máy điện gió ngoài khơi Intracom - Quảng Trị vào Quy hoạch điện VIII.
Theo đó, dự án có tổng mức đầu tư khoảng 72.000 tỷ đồng; công suất 1.000MW, diện tích nghiên cứu 22.000 ha, diện tích chiếm mặt biển có thời hạn350 ha.
Dẫu vậy, hiện tại những đề xuất, quan tâm nêu trên của các nhà đầu tư trong và ngoài nước vẫn chưa được cụ thể hóa, hoặc chờ câu trả lời cuối cùng từ các cấp quản lý, địa phương, nhất là khi đề án điều chỉnh Quy hoạch điện VIII vẫn đang được cập nhật, lấy ý kiến trước khi đi vào "chung kết".
Nguồn Nhà Quản Trị: https://theleader.vn/quang-tri-goi-mo-tt-group-dau-tu-them-dien-gio-d39179.html