Quảng Ngãi khai phóng tiềm năng, kiến tạo động lực tăng trưởng mới
Sau sáp nhập, Quảng Ngãi không chỉ mở rộng địa giới mà còn mở rộng tầm nhìn phát triển khi sở hữu cảng biển Dung Quất ở phía Đông và cửa khẩu quốc tế Bờ Y ở phía Tây. Đây là bàn đạp để tỉnh phát triển kinh tế toàn diện theo hướng đa trung tâm, đa động lực, đa nguồn lực, hướng tới tăng trưởng xanh, bao trùm và bền vững.
Góp phần đưa địa phương trở thành cực tăng trưởng mới ở khu vực miền Trung - Tây Nguyên.
Mở lối từ hành lang kinh tế Đông Tây
Sau sáp nhập, tỉnh Quảng Ngãi mới có diện tích gần 15.000km², trở thành tỉnh nằm trong tốp các tỉnh có diện tích lớn nhất cả nước (đứng thứ 5), có cửa khẩu, cảng biển, đặc khu. Đặc biệt, với Khu kinh tế (KKT) Dung Quất phía Đông và KKT Cửa khẩu quốc tế Bờ Y phía Tây, tỉnh hình thành hai cực phát triển chiến lược, nắm giữ “chìa khóa” mở cửa hành lang kinh tế Đông - Tây, kết nối trực tiếp với Lào và Campuchia.
Trong 6 tháng đầu năm 2025, tỉnh Quảng Ngãi đã đẩy mạnh quy hoạch và đầu tư tại KKT Dung Quất, động lực tăng trưởng chủ lực của vùng duyên hải miền Trung. Quảng Ngãi đã xem xét, thông qua 1 đồ án quy hoạch phân khu và thẩm định, xem xét, trình hồ sơ thông qua 7 đồ án quy hoạch phân khu khác.
Nhiều vướng mắc về bồi thường, giải phóng mặt bằng được Quảng Ngãi tháo gỡ, tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư lớn triển khai dự án. Đáng chú ý, đã có thêm 4 dự án mới được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư vào KKT Dung Quất, với tổng vốn đăng ký gần 1.700 tỷ đồng.

Cửa khẩu quốc tế Bờ Y (tỉnh Quảng Ngãi). Ảnh: Thanh Tuấn
Mới đây, ngày 30/6, KKT Dung Quất đã có thêm 2 dự án khu đô thị được Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà ký quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư. Đó là dự án Khu đô thị mới Đông Nam Dung Quất - phía bắc với quy mô khoảng 1.320ha, tổng mức đầu tư khoảng 27 nghìn tỷ đồng và Khu đô thị mới Đông Nam Dung Quất - phía nam khoảng 1.377ha, tổng vốn đầu tư hơn 27,5 nghìn tỷ đồng. Hai dự án không chỉ mở rộng không gian phát triển mà còn định hình rõ nét một trung tâm đô thị - công nghiệp - dịch vụ tầm cỡ quốc gia tại Dung Quất.
Ở đầu kia của hành lang, KKT Cửa khẩu quốc tế Bờ Y, trước khi sáp nhập tỉnh, Ban Quản lý KKT tỉnh Kon Tum đã thực hiện chủ trương Điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng KKT Cửa khẩu quốc tế Bờ Y. Theo đó, KKT này được định hướng phát triển thành KKT động lực, là trung tâm của tam giác phát triển 3 nước Việt Nam - Lào - Campuchia, hướng tới trở thành đô thị loại II vùng biên giới vào năm 2025.
Đồng thời, đề xuất lập quy hoạch phân khu xây dựng KCN Đăk Tô; bổ sung quy hoạch, thành lập KCN sản xuất, chế biến dược liệu tập trung Đăk Tô để khai thác dư địa phát triển. Từ đó, tạo động lực thu hút đầu tư vào các KKT, KCN địa phương.
Trong 6 tháng đầu năm 2025, Ban Quản lý KKT tỉnh Kon Tum (cũ) đã cấp quyết định điều chỉnh chủ trương đầu tư đồng thời chấp thuận nhà đầu tư 5 dự án; cấp quyết định chủ trương đầu tư đồng thời chấp thuận nhà đầu tư 1 dự án; cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư 1 dự án. Lũy kế đến nay, trên địa bàn KKT, các KCN của Kon Tum (cũ) có 96 dự án đầu tư, với tổng vốn đăng ký đầu tư gần 2.500 tỷ đồng.
Hình thành trung tâm lọc hóa dầu và năng lượng quốc gia
KKT Dung Quất từ lâu được xem là “đầu tàu” công nghiệp nặng của miền Trung, nơi hội tụ các tập đoàn lớn như Lọc hóa dầu Bình Sơn, Hòa Phát, VSIP… với tổng số gần 350 dự án, tổng vốn đầu tư gần 18,5 tỷ USD.

Cảng biển nước sâu ở KKT Dung Quất
Tỉnh Quảng Ngãi đang phối hợp với các bộ, ngành Trung ương xây dựng đề án thành lập Trung tâm Lọc hóa dầu và Năng lượng Quốc gia tại Dung Quất, một bước đột phá về chiến lược nhằm bảo đảm an ninh năng lượng và phát triển công nghiệp hóa chất, vật liệu theo hướng hiện đại, bền vững.
Theo định hướng, trung tâm sẽ hoạt động theo mô hình tích hợp, ứng dụng công nghệ xanh và kinh tế tuần hoàn, góp phần đảm bảo vững chắc an ninh năng lượng quốc gia, cung cấp đầy đủ năng lượng, nguyên liệu và vật liệu có chất lượng cao, ổn định, có năng lực cạnh tranh quốc tế.
Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hoàng Giang nhấn mạnh, Quảng Ngãi đã xác định được những nhiệm vụ trọng tâm để thúc đẩy phát triển kinh tế trong thời gian đến. Trong đó, ưu tiên hàng đầu là thúc đẩy liên kết giữa KKT Dung Quất, KKT Cửa khẩu quốc tế Bờ Y với KKT mở Chu Lai (Đà Nẵng) để hình thành trung tâm công nghiệp trọng điểm của khu vực và cả nước. Hình thành Trung tâm Lọc hóa dầu và Năng lượng Quốc gia tại KKT Dung Quất. Nghiên cứu thành lập các KCN ở những nơi có điều kiện theo quy hoạch.
Bên cạnh đó, Quảng Ngãi sẽ đẩy mạnh huy động các nguồn lực đầu tư hoàn thiện hạ tầng KCN và cụm công nghiệp (CCN), tập trung vào hệ thống giao thông kết nối và hệ thống xử lý chất thải đạt chuẩn. KCN VSIP II cũng đang được định hướng phát triển thành khu công nghệ cao, thu hút đầu tư các ngành có hàm lượng công nghệ cao, thân thiện với môi trường, gắn với chuyển đổi số, thân thiện môi trường, có giá trị gia tăng cao...
Với quyết tâm chính trị cao, sự vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị và định hướng phát triển rõ ràng, tỉnh Quảng Ngãi sau sáp nhập đang mở ra một giai đoạn phát triển mới, toàn diện và bền vững hơn, tận dụng tối đa lợi thế đa dạng của cả vùng biển lẫn vùng biên giới.