Quảng Nam đề xuất giải pháp cho Trạm kiểm tra tải trọng xe lưu động

Ông Lê Trí Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam vừa có đề xuất gửi Bộ Giao thông Vận tải giải quyết hoạt động của Trạm kiểm tra tải trọng xe lưu động tỉnh Quảng Nam.

Khó khăn nhất là mô hình tổ chức và biên chế

Theo ông Thanh, UBND tỉnh Quảng Nam đã triển khai thực hiện hoạt động của Trạm Kiểm tra tải trọng (Trạm KTTTX) xe lưu động đạt nhiều kết quả tốt đẹp.

Công tác tuần tra, kiểm soát đạt hiệu quả, ý thức chấp hành pháp luật của chủ phương tiện, người điều khiển phương tiện tăng lên. Các vi phạm về tải trọng, cơi nới kích thước thành, thùng hàng được phát hiện và xử lý kịp thời. Tình trạng vi phạm quá tải trọng giảm mạnh.

Tuy nhiên, ông Thanh nhìn nhận, về mô hình tổ chức của Trạm KTTTX có nhiều khó khăn.

Khó khăn, vướng mắc lớn nhất của Trạm Kiểm tra tải trọng xe lưu động là mô hình tổ chức và biên chế. Khi mới được thành lập, Trạm KTTTX có sự phối hợp liên ngành nhưng từ năm 2016 đến nay chỉ có sự tham gia của lực lượng Thanh tra giao thông vận tải và hợp đồng lao động.

Trạm KTTTX không thống nhất mô hình hoạt động trên phạm vi cả nước. Ở tỉnh Quảng Nam, tổ chức này được giao cho Thanh tra Sở Giao thông Vận tải quản lý, có sử dụng 6 hợp đồng lao động để thực hiện nhiệm vụ.

Tuy nhiên, Trạm KTTTX chưa được phân bổ biên chế công chức, chưa phải là tổ chức thuộc Thanh tra Sở Giao thông Vận tải, gây khó khăn về quản lý kinh phí, con người.

Trạm KTTTX có 1 Trạm trưởng và 2 Trạm phó, hoạt động theo chế độ kiêm nhiệm. Các Hợp đồng lao động đến nay được xác định là Hợp đồng lao động chuyên môn, nghiệp vụ trong tổ chức hành chính; như vậy là chưa đúng với quy định tại Nghị định số 111/2022/NĐ-CP ngày 30/12/2022 của Chính phủ về hợp đồng đối với một số loại công việc trong cơ quan hành chính và đơn vị sự nghiệp công lập.

Đối với các hợp đồng lao động chuyên môn của Trạm KTTTX, Ban cán sự đảng UBND tỉnh Quảng Nam đã họp và lãnh đạo UBND tỉnh chỉ đạo Sở Giao thông Vận tải xin ý kiến Bộ Giao thông Vận tải về mô hình, hợp đồng lao động đối với nhân viên làm việc tại Trạm KTTTX.

Bộ Giao thông Vận tải có Văn bản số 12063/BGTVT-ATGT ngày 15/11/2021 chỉ đạo Tổng cục Đường bộ Việt Nam (nay Cục Đường bộ Việt Nam) hướng dẫn, nhưng đến nay Cục Đường bộ Việt Nam vẫn chưa có văn bản trả lời.

Bên cạnh đó, các chế độ chính sách của người lao động chưa thể thực hiện được. Hiện nay, 6 nhân viên hợp đồng làm việc tại Trạm KTTTX lưu động vẫn đang áp dụng xếp lương theo Nghị định số 204/2004/NĐ-CP ngày 14/12/2004 của Chính phủ về chế độ tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang.

Tuy nhiên, tại Điều 2 Nghị định số 24/2023/NĐ-CP ngày 14/5/2023 của Chính phủ quy định về mức lương cơ sở đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang có hiệu lực kể từ ngày 01/7/2023 thì 6 nhân viên hợp đồng của Trạm KTTTX chưa thuộc đối tượng để nâng mức lương cơ sở từ 1.490.000 đồng/tháng lên 1.800.000 đồng/tháng.

Sẵn sàng phương án dừng hoạt động

Để đảm bảo hoạt động đúng theo quy định pháp luật về mô hình hoạt động của Trạm Kiểm tra tải trọng xe lưu động trong thời gian tới, UBND tỉnh Quảng Nam đã đề xuất 2 phương án đối với Trạm KTTTX.

Phương án 1, sử dụng công chức để thực hiện nhiệm vụ. Hiện nay, Sở Giao thông Vận tải được giao 56 biên chế, Thanh tra Sở được giao 21 biên chế, phải thực hiện 15 nhiệm vụ được giao, bao gồm cả nhiệm vụ của Cảng vụ Đường thủy nội địa.

Hoạt động của Trạm Kiểm tra tải trọng xe lưu động đạt nhiều kết quả tốt đẹp.

Hoạt động của Trạm Kiểm tra tải trọng xe lưu động đạt nhiều kết quả tốt đẹp.

Thanh tra Sở phải thực hiện nhiệm vụ thanh tra, kiểm tra trên 21 tuyến đường tỉnh, chiều dài 533 km; 11 tuyến đường thủy nội địa địa phương dài 203 km; Bộ Giao thông vận tải ủy thác quản lý 6 tuyến quốc lộ chiều dài 423 km và tiến hành nhiều cuộc thanh tra hành chính, thanh tra chuyên ngành, thực hiện nhiều nhiệm vụ khác do Giám đốc Sở giao…

Do đó, để thực hiện được hết các chức năng, nhiệm vụ được giao, công chức Thanh tra Sở phải thường xuyên thực hiện nhiệm vụ ngoài giờ mới cơ bản đáp ứng nhiệm vụ nên không thể bố trí công chức làm việc tại Trạm KTTTX.

Muốn tiếp tục duy trì hoạt động của Trạm KTTTX, UBND tỉnh phải bổ sung 6 biên chế công chức để thực hiện nhiệm vụ vận hành thiết bị (thay cho nhân viên hợp đồng) và cấp kinh phí giải quyết chế độ khi chấm dứt hợp đồng lao động đối với 6 nhân viên Trạm KTTTX hiện nay.

Đồng thời, tiếp tục giao Sở Giao thông Vận tải quản lý, sử dụng Trạm KTTTX lưu động theo quy định tại Điều 7 và khoản 3 Điều 12 Thông tư số 34/2021/TT-BGTVT ngày 16/12/2021 của Bộ Giao thông Vận tải.

Tuy nhiên, hiện nay quỹ biên chế dự phòng của tỉnh hiện có 4 biên chế.

Mặt khác, theo chủ trương của Trung ương, đến năm 2026 giảm tối thiểu 5% biên chế công chức trên toàn tỉnh (tương đương 158 biên chế). Tỉnh Quảng Nam không đủ biên chế công chức để bổ sung cho Sở Giao thông vận tải tiếp tục thực hiện nhiệm vụ tại Trạm KTTTX.

Phương án 2, UBND tỉnh Quảng Nam đề nghị dừng hoạt động của Trạm kiểm tra tải trọng xe lưu động, bàn giao tài sản về Cục Đường bộ Việt Nam quản lý và sử dụng.

Bộ Giao thông Vận tải, Cục Đường bộ Việt Nam thực hiện các thủ tục cho phép dừng hoạt động Trạm KTTTX lưu động, UBND tỉnh cấp kinh phí để giải quyết chế độ thôi việc cho người lao động và đề nghị giao tài sản Trạm KTTTX cho Cục Đường bộ Việt Nam quản lý.

Sau khi xem xét tình hình thực tế tại địa phương, UBND tỉnh Quảng Nam đề nghị Bộ Giao thông Vận tải, Cục Đường bộ Việt Nam quan tâm thực hiện các thủ tục dừng hoạt động của Trạm KTTTX lưu động số 23, tiếp nhận bàn giao tài sản, phương tiện đã bàn giao cho UBND tỉnh Quảng Nam.

Hoặc, đơn vị này tiếp tục giao cho tỉnh Quảng Nam để sử dụng, thực hiện nhiệm vụ trên các tuyến đường địa phương, chấm dứt việc thực hiện Quy chế phối hợp số 67/QCPH-BGTVT-UBND ngày 24/01/2014 giữa Bộ Giao thông Vận tải và UBND tỉnh Quảng Nam về công tác chỉ đạo, điều hành hoạt động tại Trạm Kiểm tra tải trọng xe lưu động.

Nguyễn Duy Cường

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/quang-nam-de-xuat-giai-phap-cho-tram-kiem-tra-tai-trong-xe-luu-dong-a639640.html