Quảng Bình miễn học phí tất cả các cấp: Người mẹ nghèo có con trong đội tuyển quốc gia sợ không đủ sức lo cho con đi học

Những ngày qua, người dân nghèo tỉnh Quảng Bình phấn khởi khi Hội đồng Nhân dân (HĐND) tỉnh ban hành nghị quyết miễn, giảm học phí năm học 2023 -2024 cho học sinh các cấp. Nghị quyết là sự chia sẻ, đồng hành của cấp ủy, chính quyền giúp người dân vơi đi khó khăn trong cuộc sống để nâng bước chân con em đến trường.

Quyết sách hợp lòng dân

Hoàn cảnh gia đình chị Phạm Thị Hiếu (SN 1986, thôn 2, xã Nghĩa Ninh, thành phố Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình) với câu chuyện người mẹ nghèo tần tảo nuôi 3 người con ngoan, học giỏi làm nhiều người nể phục.

Do cuộc sống mưu sinh nuôi ba đứa con ăn học nên phải tranh thủ thời gian nghỉ trưa ít ỏi PV mới gặp và được chị chia sẻ về hoàn cảnh của mình. Mời khách vào trong căn nhà xập xệ, trống hoác không có một thứ giá đáng giá, chị Hiếu ái ngại chia sẻ, chồng mất do tai nạn để lại 3 đứa con thơ đang tuổi ăn học. Bản thân chị đau ốm thường xuyên nhưng vẫn phải nai lưng làm việc kiếm tiền ăn, tiền học cho các con.

"Gia tài" lớn nhất của chị Hiếu là 3 đứa con ngoan.

Niềm an ủi duy nhất của người mẹ nghèo khi cả 3 đứa con chăm ngoan, đạt thành tích cao trong học tập, đặc biệt con gái đầu lòng năm nay lớp 12, đang trong đội tuyển học sinh giỏi Quốc gia môn Lịch sử. "Giấy khen của các con thì nhiều mà do nhà đi ở thuê, xuống cấp, ẩm thấp khiến việc treo giấy khen của các con cũng gặp khó khăn", chị Hiếu tâm sự.

Hàng năm, nỗi lo lớn của chị Hiếu là vào năm học mới, có rất nhiều khoản phải đóng nộp. Công việc chẳng ổn định, nguồn thu chẳng là bao, đôi lúc chị Hiếu khóc thầm vì sợ không đủ sức nuôi con đến trường.

"Không có công việc ổn định, sức khỏe yếu phải đi viện suốt nên gia đình chẳng khi nào có đồng dư. Ba đứa con tuổi ăn học với nhiều khoản đóng nộp. Chỉ riêng khoảng học phí theo quy định 1 tháng 300 ngàn, 3 đứa đã gần 1 triệu, một mình tôi không kham nổi", chị Hiếu chia sẻ.

Khi biết các con đi học được miễn học phí, chị Hiếu vui mừng đến bật khóc. "Cảm ơn lãnh đạo tỉnh đã chia sẻ khó khăn với gia đình tôi cũng như hàng nghìn gia đình khác. Tôi sẽ quyết tâm cho các cháu học hành đến nơi đến chốn", chị Hiếu vui mừng kể.

Trước đó, trong các năm học 2021- 2022 và 2022 - 2023, tỉnh Quảng Bình đã thực hiện việc miễn, giảm học phí cho học sinh trên địa bàn. Như vậy với nghị quyết miễn, giảm học phí trong năm học 2023-2024, có gần 150. 000 học sinh tại các cơ sở công lập tiếp tục được hưởng lợi.

Tại kỳ họp thứ 11, HĐND tỉnh Quảng Bình khóa XVIII đã thông qua nghị quyết quy định về thu học phí năm học 2023-2024 trên địa bàn tỉnh.

Cụ thể, năm học 2023 - 2024, HĐND tỉnh Quảng Bình ban hành Nghị quyết quy định không thu học phí học kỳ I năm học 2023 -2024 với trẻ em học mầm non và học sinh phổ thông công lập, học viên học tại cơ sở giáo dục thường xuyên theo chương trình giáo dục phổ thông trên địa bàn tỉnh. Với trẻ em, học sinh, học viên vùng đồng bào dân tộc thiểu số, biên giới và miền núi, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển sẽ không thu cả 2 kỳ.

Anh Nguyễn Văn Tráng (trú xã miền núi, vùng biên giới Trường Sơn, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình) có con đang học lớp 5 vui mừng khi năm học 2023 -2024, tỉnh Quảng Bình không thu học phí 2 kỳ với trẻ em, học sinh, học viên vùng đồng bào dân tộc thiểu số, biên giới và miền núi, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển.

Anh Tráng cùng các phụ huynh khác vui mừng khi năm học 2023 -2024, tỉnh Quảng Bình không thu học phí 2 kỳ với trẻ em, học sinh, học viên vùng đồng bào dân tộc thiểu số, biên giới và miền núi, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển.

"Ở đây bà con người Kinh hay Vân Kiều đa phần đang khó khăn, cuộc sống chủ yếu dựa vào rừng. Mỗi khoản đóng nộp cho con cái học tập đều phải chắt bóp. Các cấp chính quyền đã có nhiều chính sách hỗ trợ con em, nay tiếp tục hỗ trợ về học phí. Mọi người vui mừng và tin tưởng nỗ lực để con em được đến trường học tập", anh Tráng chia sẻ.

Lâm Hóa là xã nghèo của huyện miền núi Tuyên Hóa, tỉnh Quảng Bình. Nơi đây là địa bàn sinh sống của lượng lớn đồng bào Mã Liềng (thuộc dân tộc Chứt). Nhờ sự trợ giúp từ các chương trình, dự án, người Mã Liềng đã quen dần với cuộc sống hiện đại. Tuy nhiên đời sống người dân còn gặp nhiều khó khăn.

Thầy giáo Nguyễn Hữu Tâm, Hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học và THCS Lâm Hóa, huyện Tuyên Hóa cho biết, hiện có hơn 60% học sinh của trường là con em đồng bào Mã Liềng. Cuộc sống của người dân trên địa bàn còn nhiều khó khăn cũng ảnh hưởng phần nào đến công tác dạy và học. Việc miễn, giảm học phí đã góp phần giúp phụ huynh an tâm để con em đến trường giúp nhà trường thuận lợi hơn trong việc phổ cập giáo dục.

Việc miễn giảm học phí đã giúp phụ huynh an tâm để con em đến trường, giúp nhà trường thuận lợi hơn trong việc phổ cập giáo dục.

"Không chỉ các hộ đồng bào mà các phụ huynh người Kinh cũng gặp rất nhiều khó khăn trong đời sống. Vì nỗi lo "cơm, áo, gạo, tiền" nên nhiều phụ huynh chưa chăm lo việc học của con cái. Giờ đây học phí được miễn, giảm phụ huynh vui mừng và an tâm khi cho con em đến trường học tập. Tôi thấy đây là quyết sách rất nhân văn, hợp lý hướng tới lợi ích chung cho phụ huynh, học sinh và công tác giáo dục", thầy Tâm chia sẻ.

Tham mưu kỹ lưỡng, cân nhắc khi thực hiện

Thầy Đinh Tuấn Anh, Trưởng Phòng Giáo dục và Đào Tạo huyện Minh Hóa cho biết, trước khi HĐND tỉnh thông qua Nghị quyết về việc miễn, giảm học phí, các đơn vị ở cơ sở tiến hành khảo sát, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của phụ huynh.

"Sở GD&ĐT chuyển nội dung khảo sát ý kiến phụ huynh về mức đóng góp cho phòng chuyển tới các trường. Sau quá trình khảo sát, các trường gửi lại để tổng hợp ý kiến gửi Sở", thầy Anh cho biết.

Học sinh người đồng bào tại huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình nằm trong diện miễn học phí cả 2 kỳ học.

Thầy giáo Hoàng Thế Hiển, Hiệu trưởng Trường THCS Thanh Thạch, huyện Tuyên Hóa cho biết, địa bàn còn nhiều khó khăn nhưng phụ huynh rất quan tâm đến việc học của con em. Nhưng việc tăng mức thu học phí như trước khiến nhiều phụ huynh băn khoăn lo lắng.

Trường THCS Thanh Thạch tiến hành khảo sát, trao đổi với phụ huynh và học sinh. Nhiều ý kiến đề xuất và đồng tình với mức thu học phí năm học 2023-2024 bằng 50% so với khung sàn học phí quy định tại Nghị định số 81/2021/NĐ-CP của Chính phủ.

"Thông qua khảo sát thấy nghị quyết của HĐND tỉnh rất sát và hợp với nguyện vọng của đông đảo phụ huynh. Việc này góp phần hỗ trợ khó khăn cho phụ huynh, tạo điều kiện để học sinh an tâm học tập", thầy giáo Hoàng Thế Hiển chia sẻ.

Trước đó, trong cuộc họp báo định kỳ tháng 9 của tỉnh Quảng Bình, ông Hồ An Phong, Phó chủ tịch UBND tỉnh, đã trao đổi xung quanh các khoản thu nộp đầu năm học 2023 - 2024, đặc biệt là mức thu học phí.

Theo ông Phong, vài năm trước, do ảnh hưởng của dịch COVID-19 nên tỉnh Quảng Bình miễn thu học phí. Nếu tiếp tục miễn, giảm thu học phí thì sẽ khó khăn trong việc tái đầu tư cho ngành giáo dục, trong hoàn cảnh tỉnh Quảng Bình chưa đủ năng lực tài chính để sử dụng ngân sách lo hết khoản học phí này. Ngành giáo dục và tỉnh Quảng Bình hết sức cân nhắc phương án thu học phí để trình HĐND tỉnh.

Quyết sách về việc miễn, giảm học phí thể hiện sự chia sẻ, đồng hành của cấp ủy, chính quyền với người dân Quảng Bình.

Liên quan đến vấn đề này, ông Trần Hải Châu, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Bình cho biết, trước những ảnh hưởng nghiêm trọng của thiên tai và dịch COVID-19 trong các năm vừa qua, để chia sẻ bớt gánh nặng đối với người dân, tỉnh Quảng Bình đã rất nỗ lực để thực hiện các chính sách hỗ trợ về học phí.

Quy định về việc miễn, giảm học phí năm học 2023 -2024 đã được các cơ quan tham mưu xây dựng kỹ lưỡng trên cơ sở tổng kết thực tiễn việc miễn học phí 2 năm học gần đây. Quyết sách này phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của tỉnh Quảng Bình và nguyện vọng của học sinh, phụ huynh. Qua quyết sách này, thể hiện sự chia sẻ, đồng hành của cấp ủy, chính quyền với người dân.

Chính Phủ Yêu Cầu Sửa Nghị Định, Không Tăng Học Phí Năm Học 2023-2024 | SKĐS

Hùng Trần

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/quang-binh-mien-hoc-phi-tat-ca-cac-cap-nguoi-me-ngheo-co-con-trong-doi-tuyen-quoc-gia-so-khong-du-suc-lo-cho-con-di-hoc-16923100511040532.htm