Quân sự thế giới hôm nay (22-7): Nga phát triển phiên bản tự hành của UAV cảm tử Geran-2

Quân sự thế giới hôm nay (22-7) có những nội dung sau: Nga phát triển phiên bản tự hành của UAV cảm tử Geran-2; Romania mua lượng lớn hệ thống tên lửa vác vai Mistral 3; Không quân Anh trình diễn máy bay cảnh báo sớm E-7 Wedgetail.

* Nga phát triển phiên bản tự hành của UAV cảm tử Geran-2

Ngày 21-7, một video đăng tải trên YouTube cho thấy Nga đã phát triển phiên bản di động mới của UAV cảm tử Geran-2 bằng cách gắn thiết bị phóng lên thùng xe bán tải dân sự. Thiết kế này cho phép triển khai UAV một cách nhanh chóng từ các khu vực hẻo lánh hoặc địa hình hiểm trở mà không cần hạ tầng cố định, giúp tăng tính cơ động và giảm nguy cơ bị tấn công phủ đầu.

Geran-2 phiên bản mới được trang bị hệ thống dẫn đường quang học cho phép điều khiển từ xa qua thẻ SIM di động và dự kiến sẽ chuyển sang sử dụng internet vệ tinh của Nga trong thời gian tới. UAV này có khả năng kết nối mạng và trao đổi dữ liệu với các UAV khác, giúp tăng cường khả năng phối hợp trên chiến trường.

 Hình ảnh UAV cảm tử Geran-2 với thiết bị phóng trên thùng xe bán tải dân sự. Ảnh: Army Recognition

Hình ảnh UAV cảm tử Geran-2 với thiết bị phóng trên thùng xe bán tải dân sự. Ảnh: Army Recognition

Về mặt kỹ thuật, UAV này nặng khoảng 200kg, mang đầu đạn phân mảnh nặng tới 90kg, đủ sức phá hủy các mục tiêu hạ tầng quy mô trung bình đến lớn như sở chỉ huy, radar phòng không, kho nhiên liệu, cầu đường và công sự.

Với khả năng bay và tấn công chính xác trong giai đoạn cuối, Geran-2 có thể gây thiệt hại cả về vật chất và tâm lý. Geran-2 có tầm hoạt động tới 2.000km, tốc độ hành trình 180km/giờ, trần bay lên đến 4.000m và thời gian bay tối đa 12 giờ. Động cơ piston công suất 50 mã lực giúp vận hành ổn định, với chi phí sản xuất ước tính từ 20.000 đến 50.000 USD mỗi chiếc.

Hiện tại, Nga đang mở rộng sản xuất Geran-2, bao gồm xây dựng dây chuyền mới, tuyển thêm nhân sự và tăng công suất.

* Romania mua lượng lớn hệ thống tên lửa vác vai Mistral 3

Bộ Quốc phòng Romania mới đây xác nhận đã ký hợp đồng trị giá khoảng 626 triệu Euro để mua 300 hệ thống tên lửa vác vai Mistral 3 của tập đoàn MBDA. Đây được đánh giá là một trong những khoản đầu tư lớn nhất của Romania vào năng lực phòng không tầm ngắn.

Thương vụ này nằm trong chương trình hiện đại hóa quân đội của Romania, với trọng tâm xây dựng hệ thống phòng không nhiều tầng để phản ứng nhanh với các mối đe dọa từ máy bay không người lái (UAV) và phương tiện bay tầm thấp.

Mistral 3 là phiên bản mới nhất trong dòng tên lửa Mistral, được thiết kế để đánh chặn nhiều loại mục tiêu trên không với độ chính xác cao. Hệ thống sử dụng đầu dò hồng ngoại ảnh kép, tích hợp ngòi nổ cận đích tiên tiến và hệ thống dẫn đường quán tính, cho phép đánh chặn hiệu quả ngay cả trong môi trường bị gây nhiễu. Tên lửa có tầm bắn tối đa 6,5km, có thể vô hiệu hóa các mục tiêu bay ở độ cao lên tới 3.000m, có khả năng đánh chặn tên lửa hành trình, UAV, đạn tuần kích và trực thăng tấn công.

Mistral 3 được thiết kế để tiêu diệt mục tiêu bay thấp với độ chính xác cao nhờ đầu dò hồng ngoại hình ảnh hiện đại. Ảnh: MBDA

Mistral 3 được thiết kế để tiêu diệt mục tiêu bay thấp với độ chính xác cao nhờ đầu dò hồng ngoại hình ảnh hiện đại. Ảnh: MBDA

Đầu đạn nổ mạnh nặng 3kg của Mistral 3 sử dụng ngòi nổ cận đích laser nhằm tăng sát thương kể cả khi không trực tiếp đánh trúng mục tiêu. Hệ thống có thể hoạt động cả ngày lẫn đêm, phù hợp với môi trường tác chiến điện tử phức tạp và điều kiện tầm nhìn hạn chế. Tên lửa có thể triển khai độc lập trên giá 3 chân hoặc gắn lên các nền tảng cơ động như xe địa hình, xe bọc thép 4x4 và tàu chiến, nhằm đáp ứng yêu cầu cơ động cao của các đơn vị phòng không.

Việc đưa Mistral 3 vào biên chế đánh dấu bước tiến lớn của Romania trong phòng không tầm ngắn. Với 300 hệ thống, Romania có thể trang bị cho nhiều tiểu đoàn lục quân và các đơn vị không quân, hải quân, tạo ra các cụm phòng không cơ động, phản ứng nhanh. Gói hợp đồng còn bao gồm mô hình huấn luyện mô phỏng, tài liệu kỹ thuật và công cụ bảo dưỡng nhằm bảo đảm duy trì hiệu quả sử dụng lâu dài.

* Không quân Anh trình diễn máy bay cảnh báo sớm E-7 Wedgetail

Chiếc máy bay cảnh báo sớm và kiểm soát trên không thế hệ mới E-7 Wedgetail đầu tiên của Không quân Hoàng gia Anh (RAF) đã lần đầu tiên xuất hiện trước công chúng tại Triển lãm Hàng không Quốc tế Hoàng gia (RIAT) 2025 diễn ra tại Gloucestershire.

Tại sự kiện, E-7 Wedgetail đã tham gia màn trình diễn kết hợp cùng với 9 chiếc Hawk. Sau màn bay đội hình, máy bay tiếp tục thực hiện động tác “chạm và bay” (touch and go) rồi quay trở lại Sân bay Birmingham. Theo quan chức không quân Anh, chiếc E-7 sẽ tiếp tục chương trình thử nghiệm bay trước khi chính thức được biên chế cho Phi đội số 8 tại căn cứ không quân Lossiemouth, nơi đang vận hành đội bay tuần tra biển P-8 Poseidon.

Vào tháng 3-2019, Bộ Quốc phòng Anh đã ký hợp đồng với Boeing để mua 5 máy bay E-7, nhưng sau khi điều chỉnh chiến lược và ngân sách, số lượng giảm còn 3 chiếc, với tổng giá trị khoảng 1,5 tỷ bảng Anh.

E-7 tham gia trình diễn tại buổi triển lãm. Ảnh: airdatanews.com

E-7 tham gia trình diễn tại buổi triển lãm. Ảnh: airdatanews.com

E-7 Wedgetail được phát triển trên nền tảng Boeing 737NG để thay thế đội máy bay E-3D Sentry đã “nghỉ hưu”. Nền tảng mới này trang bị radar MESA gắn trên lưng máy bay, cho khả năng quét 360 độ, phát hiện mục tiêu ở cự ly hơn 370km và theo dõi hàng trăm mục tiêu cùng lúc theo thời gian thực.

Bên cạnh chức năng cảm biến, máy bay còn đóng vai trò như sở chỉ huy trên không, điều phối hoạt động giữa tiêm kích, tàu chiến và lực lượng mặt đất. Đây là mắt xích quan trọng trong các chiến dịch liên quân và trong môi trường đe dọa cao.

TRẦN HOÀI (tổng hợp)

* Chuyên mục Quân sự thế giới hôm nay trên Báo Quân đội nhân dân Điện tử gửi tới bạn đọc thông tin mới nhất về các hoạt động an ninh, quốc phòng quân sự thế giới trong 24 giờ qua.

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/quan-su-the-gioi/tin-tuc/quan-su-the-gioi-hom-nay-22-7-nga-phat-trien-phien-ban-tu-hanh-cua-uav-cam-tu-geran-2-837999