Quan niệm trả báo theo Phật giáo

Trả báo là cách gọi dân gian của việc tiếp nhận quả báo xấu ác hình thành do những nghiệp nhân bất thiện đã gieo. Theo Phật giáo, khi một nghiệp nhân được tạo ra, trải qua thời gian cùng với sự tương tác của các duyên (những nhân phụ), nghiệp quả sẽ được hình thành.

Trả báo là cách gọi dân gian của việc tiếp nhận quả báo xấu ác hình thành do những nghiệp nhân bất thiện đã gieo. Theo Phật giáo, khi một nghiệp nhân được tạo ra, trải qua thời gian cùng với sự tương tác của các duyên (những nhân phụ), nghiệp quả sẽ được hình thành.

Tôi có nghe thuyết pháp, vị sư giảng rằng khi mình gặp những chuyện xấu ác, đó là quả báo tới, phải trả quả báo của mình, như vậy mình mới hết tội. Xin hỏi, theo Phật giáo quan niệm trả báo thế nào? Khi bị người khác hãm hại, mình có nên chống lại hoặc đề phòng, cảnh giác, tìm cách tránh né không? Hay cứ nghĩ đó là quả báo của mình, mình phải trả cho nhân xấu đã tạo trong quá khứ nên cứ cam chịu để trả quả cho hết?

(HỒNG TÚ, dthong…@gmail.com)

Bạn Hồng Tú thân mến!

Trả báo là cách gọi dân gian của việc tiếp nhận quả báo xấu ác hình thành do những nghiệp nhân bất thiện đã gieo. Theo Phật giáo, khi một nghiệp nhân được tạo ra, trải qua thời gian cùng với sự tương tác của các duyên (những nhân phụ), nghiệp quả sẽ được hình thành. Nghiệp quả này thường không đồng nhất với nghiệp nhân, trong nhiều trường hợp nghiệp quả sai khác rất nhiều, bởi có sự can thiệp và chi phối của các duyên.

Thế nên, nói nhân-quả là nói tắt, nói đủ phải là nhân-duyên-quả. Biểu thức này xác quyết một điều, tùy thuộc vào sự chi phối của duyên mà có quả khác biệt nhiều hay ít so với nhân.

Ví dụ, chúng ta mua hạt giống bắp (nhân) loại tốt nhất về gieo trồng, nhưng vì thời tiết, thổ nhưỡng và kỹ thuật chăm sóc (duyên) không phù hợp nên đến khi thu hoạch trái bắp (quả) với chất lượng không tốt như giống của nó; hoặc tình huống ngược lại. Điều này cho thấy biểu thức nhân-nào-quả-nấy không chính xác tuyệt đối vì duyên chi phối sẽ khiến cho quả lệch hướng với nhân.

Do vậy, nhận thức đúng về nhân quả theo Phật giáo, cần chú trọng đến yếu tố duyên, tức các nhân phụ. Nhân quá khứ đã định, duyên một phần thuộc quá khứ và một phần đang tiếp diễn ngay trong hiện tại, quả sẽ xảy ra ở tương lai gần hoặc xa. Và như thế, nhân quả cần được nhìn nhận trong tương quan duyên khởi, các pháp vừa là nhân, vừa là duyên, vừa là quả chi phối lẫn nhau trùng trùng điệp điệp.

Thành ra, khi quả báo xấu thình lình xảy đến (quả đã chín muồi) thì chúng ta hãy mặc nhiên hay an nhiên thọ quả. Nhưng trong trường hợp quả báo chưa đến hoặc đang đến mà ta có thể biết được (như có người đang tâm hại mình) thì cần nỗ lực để chuyển hóa. Những cố gắng này chính là đang tạo thêm duyên mới để can thiệp vào quả. Việc này hoàn toàn có tính chủ động, phụ thuộc rất nhiều vào bản lĩnh, ý chí cùng trí tuệ của người trong cuộc.

Giống như, tài xế đang chạy xe xuống đèo và phát hiện xe mất phanh, quả báo sẽ thế nào? Bấy giờ, ngồi yên chịu chết hay bình tĩnh và nhanh trí vận dụng hết kỹ năng lái xe có được để vượt qua hiểm nạn. Ngồi yên chịu chết không phải là trả báo theo quan điểm nhân quả Phật giáo. Cũng như biết người xấu đang triển khai kế hoạch hại mình mà an phận chấp nhận chờ trả quả, đó quan niệm và hành xử thiếu trí tuệ, không phải là thái độ ứng xử đúng Chánh pháp.

Do vậy, khi biết người khác đang tìm cách hãm hại mình, việc đầu tiên mình nghĩ ngay đến nhân quả của mình. Không có việc gì mà chẳng có nguyên nhân, chắc chắn mình đã tạo nhân bất thiện trong quá khứ gần hay xa với họ. Khi biết vậy rồi liền tìm mọi cách tạo duyên để chuyển hóa.

Nếu hiểu nhầm thì lập tức hòa giải, nếu gây thiệt hại thì nhanh chóng thương lượng đền bù, nếu họ tức giận thì tìm cách xoa dịu, nếu tình hình nghiêm trọng hơn thì báo các ban ngành chức năng để được bảo vệ và xử lý theo pháp luật v.v… Từ chỗ hiểm nguy chúng ta phải phát huy trí tuệ và từ bi tìm cách thoát ra để an toàn cho mình và người.

Tất cả những nỗ lực này là rất cần thiết và hoàn toàn đúng đắn với quan điểm nhân-duyên-quả của Phật giáo. Vì nhân quả tương tục, tiếp nối không ngừng nên quả báo luôn hiện hữu trong đời sống, người Phật tử cần tiếp nhận quả báo xảy ra hàng ngày với trí tuệ.

Khi đã thấy rõ sự vận hành của nhân quả bằng trí tuệ, người Phật tử sẽ linh động tùy duyên trong ứng xử, chuyển hóa và tiếp nhận mọi quả báo thuận hay nghịch, tốt hoặc xấu. Tất cả đều hoàn toàn chủ động, kể cả một số trường hợp an nhiên chấp nhận trả quả cũng phải chủ động phát nguyện. Phát huy tuệ giác, tích cực và chủ động tạo ra nghiệp mới (duyên) thiện lành để góp phần chuyển hóa các nghiệp quả xấu ác chính là tu, đó cũng chính là nhận thức và hành xử đúng đắn theo nhân quả theo Phật giáo.

Nguồn: Báo Giác Ngộ

PDF PRINT

Nguồn Tạp chí Phật học: https://tapchinghiencuuphathoc.vn/quan-niem-tra-bao-theo-phat-giao.html