Quản lý thuế đối với thương mại điện tử: Tránh thất thu ngân sách, tạo dựng niềm tin

Hiện nay hoạt động kinh doanh qua mạng, thương mại điện tử (TMĐT) ngày càng sôi động và phát triển. Tuy nhiên, thương mại điện tử là một loại hình kinh doanh mới nên cơ quan thuế gặp không ít khó khăn trong quá trình quản lý và thu thuế đối với lĩnh vực này.

Yêu cầu cấp thiết

Góp ý vào nội dung liên quan đến quản lý thuế đối với hoạt động thương mại điện tử tại phiên thảo luận ở hội trường Quốc hội về dự án Luật Quản lý thuế (sửa đổi) mới đây, đại biểu Lê Quang Huy - đoàn Nghệ An cho biết, hiện nay, công nghệ thông tin và truyền thông, kinh tế số, kinh tế chia sẻ cũng như thương mại điện tử theo nghĩa sử dụng các phương tiện điện tử để làm thương mại trên internet, trên các mạng viễn thông và mạng xã hội đã và đang phát triển rất nhanh, mạnh trên toàn cầu, lan tỏa đến nước ta và thâm nhập vào nhiều ngành, lĩnh vực.

Đại biểu Lê Quang Huy - đoàn Nghệ An phát biểu ý kiến

Theo ước tính, tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử của Việt Nam trong vài năm gần đây tương đối cao. Năm 2017, đạt trên 25% và tốc độ này dự kiến có thể tăng trong thời gian tới. Các sự kiện gần đây liên quan đến kinh doanh trò chơi trực tuyến, bán hàng, cung cấp dịch vụ qua mạng… đã cho thấy thương mại điện tử đang nở rộ và mang lại thu nhập rất lớn.

“Thời gian qua chúng tôi đã chứng kiến nỗ lực thu thuế của ngành thuế đối với quản lý kinh doanh thương mại điện tử. Tuy nhiên trong thời gian tới cần quan tâm thích đáng vấn đề này, tránh thất thu cho ngân sách, góp phần tạo niềm tin cho các bên giao dịch, thúc đẩy phát triển thương mại điện tử” - đại biểu Lê Quang Huy nói và cho rằng, những phương thức để quản lý thuế với loại hình thương mại điện tử đưa ra trong Dự thảo Luật Quản lý thuế (sửa đổi) còn mờ nhạt. Từ đó chưa thiết kế được các định chế pháp lý bao quát đầy đủ, rõ ràng để có cơ sở quản lý thuế một cách hiệu quả và khả thi đối với loại hình hoạt động kinh doanh này.

Xung quanh vấn đề này, đại biểu Phạm Trọng Nhân - đoàn Bình Dương cho hay, một trong những nhiệm vụ trọng tâm mà ngành thuế phải làm là lấp khoảng trống quản lý thu thuế kinh doanh qua mạng, hiện đại hóa công tác quản lý thuế, áp dụng hóa đơn điện tử để khắc phục việc trốn thuế, chống chuyển giá... Ngành thuế hãy làm tốt và làm tốt hơn nữa công tác này thay vì hạn chế thu hẹp quyền của các chủ thể như kiểm toán nhà nước vì họ sẽ cùng với ngành thuế quản lý tốt hơn để chống thất thu ngân sách. “Liều thuốc thử về Grab và Uber đã minh chứng cho sự hạn chế của cơ quan quản lý nhà nước đối với loại hình kinh doanh mới mẻ sẽ còn tiếp tục bùng nổ này và sẽ tiếp tục thách thức năng lực quản lý của chúng ta trong thời gian tới” - đại biểu Phạm Trọng Nhân lưu ý.

Cần sự phối hợp

Theo đại biểu Lê Quang Huy, quản lý thuế đối với các loại hình kinh doanh mới dựa trên nền tảng công nghệ là thách thức lớn và phải chuẩn bị từng bước nhưng cần xác lập rõ thêm định hướng mang tầm dài hạn. Phát triển hệ thống thuế đồng bộ theo kịp sự phát triển các loại hình kinh doanh mới trên nền tảng ứng dụng thành tựu của khoa học và công nghệ, chứ không chỉ dừng lại tập trung vào một số nội dung như kê khai thu nộp thuế điện tử, áp dụng hóa đơn chứng từ điện tử... như ở mức độ đang được dự thảo trong Luật.

Đồng thời, cần nhấn mạnh thêm chính sách quản lý thuế nói chung trong đó có quản lý thuế đối với hoạt động thương mại điện tử không nên đặt mục tiêu tận thu. Ngược lại, quản lý thuế phải góp phần thúc đẩy hoạt động thương mại điện tử, tuân thủ đúng pháp luật, nâng cao tính tin cậy của các giao dịch phù hợp với chuẩn mực thông lệ quốc tế, tránh quy định rào cản mới, hạn chế sự phát triển của thương mại điện tử.

Đại biểu Lê Quang Huy đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu sửa đổi Luật Quản lý thuế lần này phải theo kịp các hoạt động kinh tế mới dựa trên nền tảng công nghệ. Từ thực tiễn trong nước tham khảo kinh nghiệm quốc tế để luật hóa những nguyên tắc và phương thức quản lý thuế mới trong Dự thảo Luật.

Thứ hai, vừa qua cho thấy việc quản lý thuế với thương mại điện tử còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc trong quản lý đăng ký thuế, kiểm soát hoạt động kinh doanh, thanh tra, kiểm tra như xác định đúng bản chất các giao dịch; xác định phân nhóm đối tượng nộp thuế theo loại hình thương mại điện tử; thu thập thông tin chứng cứ, lịch sử giao dịch thanh toán khi thanh tra, kiểm tra thuế...

Để khắc phục những khó khăn này cần có sự phối hợp chặt giữa các cơ quan quản lý nhà nước như các bộ, ngành liên quan, các tổ chức thanh toán trung gian, các cơ quan thực thi quyền sở hữu trí tuệ trong thương mại điện tử; hợp tác quốc tế trong quản lý thuế đối với hoạt động thương mại điện tử xuyên biên giới…

Quỳnh Nga - Lan Anh

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/quan-ly-thue-doi-voi-thuong-mai-dien-tu-tranh-that-thu-ngan-sach-tao-dung-niem-tin-111908.html