Quản lý chặt việc cải tạo, nạo vét lòng hồ

Để phát huy công năng, hiệu quả các hồ chứa nước, UBND tỉnh đã có chủ trương xã hội hóa việc cải tạo, nạo vét lòng hồ. Tuy nhiên, trên thực tế việc làm này đang bộc lộ nhiều bất cập. Vì vậy, UBND tỉnh đã tiến hành rà soát, đánh giá lại thực trạng và đề xuất giải pháp quản lý chặt chẽ.

Chủ đầu tư thi công nạo vét lòng hồ sông Hỏa chưa đúng theo quy định được phê duyệt nên từ tháng 5/2019 dự án này phải tạm dừng hoạt động.

BỘC LỘ NHIỀU BẤT CẬP

Toàn tỉnh hiện có 30 hồ chứa nước phục vụ cho hơn 10.000ha diện tích canh tác nông nghiệp và cung cấp nước cho các nhà máy nước. Hầu hết các hồ chứa nước trên địa bàn tỉnh đều được đưa vào sử dụng từ 20-30 năm. Ông Hồ Thúc Tiên, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT cho biết, qua nhiều năm khai thác sử dụng, nhiều lòng hồ bị bồi lắng, làm thu hẹp dung tích, khả năng cung cấp nước giảm. Mùa khô xảy ra tình trạng thiếu nước cục bộ, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất nông nghiệp. Do đó, việc nạo vét lòng hồ chứa nước là hết sức cần thiết và cấp bách.

Từ năm 2015, UBND tỉnh đã chấp thuận cho một số DN thực hiện các dự án nạo vét, duy tu, sửa chữa 18 hồ chứa nước và 3 đập dâng theo phương thức xã hội hóa 100% vốn DN. Thế nhưng trong quá trình nạo vét, một số DN đã không thực hiện đúng các hạng mục báo cáo tác động môi trường được phê duyệt, làm tăng nguy cơ ô nhiễm nguồn nước; chưa thực hiện đúng hồ sơ thiết kế và ranh giới mốc của dự án được phê duyệt, gây thất thoát tài nguyên khoáng sản.

Trong đó, dự án nạo vét lòng hồ sông Hỏa và lòng hồ sông Kinh (đập dâng Cầu Mới) thuộc địa bàn huyện Xuyên Mộc là 2 trong 5 hồ chứa nước được UBND tỉnh cho chủ trương thí điểm thực hiện nạo vét theo hình thức xã hội hóa. Tuy nhiên, theo báo cáo khảo sát của HĐND tỉnh vào tháng 7/2020 thì chủ đầu tư (Công ty TNHH Dịch vụ sản xuất Cát Hà) chưa thực hiện đúng các hạng mục báo cáo đánh giá tác động môi trường đã được phê duyệt. Dự án có diện tích là 55ha, thời gian hoàn thành là tháng 6/2019, nhưng công ty mới thi công được một phần diện tích rất nhỏ khu K12. Ngoài ra, chủ đầu tư thi công chưa đúng theo hồ sơ thiết kế và ranh giới mốc của dự án đã được phê duyệt.

Đối với hồ chứa nước sông Kinh (đập dâng Cầu Mới), dự án được khởi công nạo vét từ 25/12/2018 tại khu vực A4, tổng khối lượng nạo vét tính đến ngày 15/5/2019 là 21.900m3. Từ tháng 5/2019 dự án đã tạm ngưng thi công để khắc phục các tồn tại theo ghi nhận của đoàn giám sát HĐND tỉnh (không có hố lắng bùn, không có bãi tập kết vật liệu khai thác, triển khai dự án không đúng tiến độ…).

Ngoài sông Hỏa, sông Kinh, trên địa bàn tỉnh còn có 3 dự án đang triển khai dở dang gồm: Dự án nạo vét, cải tạo và tận thu khối lượng vật liệu lòng hồ chứa nước Bút Thiền do Công ty CP Đại Nguyên làm chủ đầu tư; Dự án nạo vét, cải tạo và tận thu khối lượng vật liệu lòng hồ chứa nước Đá Đen do Công ty CP Đầu tư và Phát triển Đại Nguyên làm chủ đầu tư; Dự án nạo vét lòng hồ chứa nước suối Nhum do Công ty TNHH Tập đoàn Hải Châu làm chủ đầu tư. Các dự án nạo vét hồ, đập còn lại chưa thi công nạo vét do vướng mắc khi trình thẩm định hồ sơ báo cáo đánh giá tác động môi trường; đang khảo sát lập dự án hoặc lập hồ sơ trình thẩm định…

TĂNG CƯỜNG GIÁM SÁT CHẶT CHẼ

Hiện các dự án nạo vét lòng hồ đã phải tạm ngưng hoạt động để khắc phục hiện trạng như: Cắm mốc ranh giới phạm vi thi công nạo vét lòng hồ; san gạt, hoàn trả lại mặt bằng các vị trí nạo vét ngoài phạm vi dự án, đầu tư hố lắng bùn, bãi tập kết vật liệu san lấp… Đến nay, việc khắc phục của chủ đầu tư đã cơ bản hoàn tất. Do đó, Sở NN-PTNT kiến nghị UBND tỉnh cho phép tiếp tục triển khai 5 dự án đang thực hiện dở dang (hồ suối Nhum, hồ Đá Đen, hồ Bút Thiền, sông Hỏa và sông Kinh) theo hồ sơ thiết kế đã được phê duyệt. Giai đoạn 2020-2025 sẽ đẩy nhanh việc triển khai nạo vét các hồ, đập còn lại.

Trước thực trạng nêu trên, ông Lê Tuấn Quốc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã giao Sở NN-PTNT phối hợp Sở TN-MT nhanh chóng bàn bạc, thống nhất giải pháp gỡ vướng về hồ sơ báo cáo đánh giá tác động môi trường để thực hiện dự án nạo vét; đồng thời tổ chức hướng dẫn chủ đầu tư đánh giá tác động môi trường theo từng phần (nạo vét và không nạo vét), thuê tư vấn giám sát và hoàn tất các thủ tục pháp lý của dự án. Ông Lê Tuấn Quốc cũng yêu cầu, việc triển khai nạo vét phải bảo đảm an toàn và chất lượng nguồn nước để hạn chế tình trạng thiếu nước cục bộ vào mùa khô như đầu năm 2020 xảy ra trên địa bàn xã Bình Châu (huyện Xuyên Mộc). Các dự án đang triển khai nếu có thay đổi, điều chỉnh, bổ sung phải trình các cấp có thẩm quyền xem xét, chấp thuận trước khi thực hiện.

Để nâng cao hiệu quả giám sát, quản lý việc nạo vét các hồ, theo ông Hồ Thúc Tiên, Sở NN-PTNT sẽ phối hợp với Sở TN-MT, các sở, ngành, địa phương liên quan xây dựng kế hoạch giám sát thường xuyên trong suốt quá trình triển khai dự án. Quá trình giám sát nếu phát hiện vi phạm, lập tức yêu cầu chủ đầu tư dừng thi công. “Trên tinh thần chỉ đạo của UBND tỉnh, thời gian tới Sở NN-PTNT sẽ chỉ định đơn vị tư vấn giám sát có năng lực để giám sát hiệu quả hơn các dự án nạo vét”, ông Tiên nói.

Bài, ảnh: QUANG VŨ

Nguồn Bà Rịa - Vũng Tàu: http://www.baobariavungtau.com.vn/kinh-te/202010/quan-ly-chat-viec-cai-tao-nao-vet-long-ho-910279/