Quản lý bằng lái: Từ bấm lỗ, phiếu kiểm soát đến đề xuất chấm điểm tài xế

Để siết chặt quản lý tài xế vi phạm giao thông, nhà chức trách đưa ra giải pháp bấm lỗ bằng lái, phiếu kiểm soát lái xe, tuy nhiên chỉ áp dụng được trong thời gian ngắn.

Đại tá Đào Vịnh Thắng (Trưởng phòng CSGT Hà Nội) vừa kiến nghị các cơ quan chức năng siết chặt công tác quản lý, đào tạo, sát hạch giấy phép lái xe. Trong đó, việc cấp giấy phép lái xe nên do Bộ Công an chủ trì và tích hợp điểm số trên bằng lái. Khi người điều khiển phương tiện vi phạm Luật Giao thông, số điểm trên giấy phép lái xe cũng sẽ bị trừ đi tùy theo lỗi vi phạm, vi phạm càng nhiều điểm càng ít đi.

Đại tá Thắng kiến nghị nên trừ điểm vào bằng lái của tài xế vi phạm giao thông. Ảnh minh họa: Bá Đô

"Đến một mức điểm nào đó quá thấp buộc phải thi, học lại luật, hoặc lái xe bị tước bằng lái vĩnh viễn nếu có vi phạm nghiêm trọng", Đại tá Thắng nêu quan điểm.

Một cán bộ Cục Cảnh sát giao thông cho rằng, ý tưởng trên không mới, trước đây để quản lý chặt các tài xế thông qua giấy phép lái xe thì Bộ Giao thông, Bộ Công an đã đưa ra nhiều giải pháp, ví dụ như bấm lỗ bằng lái, phiếu kiểm soát lái xe, tuy nhiên các giải pháp này đã dừng triển khai vì có nhiều vướng mắc.

Quy định bấm lỗ bằng lái

Năm 2003, Cục Đường bộ Việt Nam ban hành văn bản hướng dẫn việc đổi giấy phép lái xe có đánh dấu vi phạm (bấm lỗ) và bị mất, áp dụng từ ngày 8/4 cùng năm.

Đến năm 2005, Chính phủ ban hành Nghị định 152 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, trong đó có riêng một điều về "đánh dấu số lần vi phạm pháp luật trong lĩnh vực giao thông đường bộ của lái xe".

Theo đó, nếu giấy phép lái xe bị đánh dấu 2 lần vi phạm thì tài xế phải thi lại Luật Giao thông đường bộ khi đổi giấy phép lái xe; nếu bị đánh dấu 3 lần vi phạm thì giấy phép lái xe hết giá trị sử dụng, tài xế phải thi lại Luật Giao thông đường bộ và thực hành lái xe để được cấp giấy phép mới. Biện pháp này gọi tắt là 'đánh dấu số lần vi phạm'.

Theo quy định, tổng cộng có tới 59 hành vi vi phạm có thể bị bấm lỗ bằng lái. Việc bấm lỗ bằng lái, thời điểm đó đã trở thành nỗi ám ảnh của tài xế.

Tuy nhiên, sau đó Bộ Công an cho rằng việc bấm lỗi trên giấy phép lái xe khi xử phạt giao thông không thể hiện thời điểm vi phạm, bằng lái trông lem nhem thiếu thẩm mỹ. Có trường hợp vi phạm lần đầu, bị bấm lỗ trước đó cả năm trời, giờ vi phạm lại... bấm lỗ nữa. Cả hai lần đều bị tính, cho dù lần bấm lỗ trước đã hết thời hiệu, đó là chưa kể những tiêu cực nảy sinh từ việc bấm lỗ. Khi giấy phép bị “bấm” quá nhiều, lái xe tìm mọi cách... “chạy” bằng lái mới.

Đến năm 2007, Chính phủ giao Bộ Giao thông, Bộ Công an nghiên cứu sửa đổi Nghị định 152 thành Nghị định 146 và chính thức bãi bỏ quy định 'bấm lỗ bằng lái'.

Phiếu kiểm soát lái xe

Đến năm 2006, sau khi chỉ ra những nhược điểm của việc bấm lỗ bằng lái xe, đại diện Bộ Công an đã đề nghị thay bấm lỗ bằng phiếu kiểm soát lái xe. Cụ thể, tài xế vi phạm tới đâu sẽ có phiếu tới đó, cảnh sát giao thông đọc qua là biết lần trước tài xế vi phạm khi nào, đã hết hay còn trong thời hiệu. Cách này được cho là văn minh và phù hợp với thực tiễn.

Đề xuất này đã dấy lên lo ngại trong giới vận tải vì thêm một loại "giấy phép con". Thời điểm đó, ông Nguyễn Văn Thanh (Phó chủ tịch Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam) cho rằng nếu ban hành phiếu kiểm soát lái xe sẽ tăng thêm thủ tục hành chính, gây phiền hà và tốn kém tiền của nhân dân.

Ngoài ra, theo nhiều chuyên gia, phiếu kiểm soát lái xe này không mới, những năm 1990 trở về trước đã thực hiện. Thời điểm đó, tài xế ngoài việc phải có bằng lái còn phải thêm phiếu kiểm soát lái xe (thời hạn ba năm) do công an cấp. Năm 1990, Tổng cục Cảnh sát nhân dân đã có văn bản đề nghị bỏ phiếu này và đổi tên bằng lái xe thành giấy phép lái xe. Lý do của đề xuất này là “để phù hợp với tình hình mới, không gây phiền hà cho nhân dân, khắc phục những biểu hiện tiêu cực trong nội bộ theo đề nghị của các địa phương”. Phiếu kiểm soát lái xe được bãi bỏ từ đầu năm 1991.

Quản lý bằng phần mềm thông minh

Theo đại diện Cục CSGT, để quản lý phương tiện và người lái, Cục đã thiết lập cơ sở dữ liệu giấy phép lái xe trên toàn quốc, quản lý trên hệ thống máy tính thông qua một phần mềm được lập trình thông minh.

Theo định kỳ, lực lượng cảnh sát giao thông các địa phương gửi báo cáo số liệu người vi phạm về Cục, từ thông tin này, Cục gửi dữ liệu về Sở Giao thông địa phương để quản lý. Ví dụ ông Nguyễn Văn A ở Hà Nội vi phạm nồng độ cồn mức cao nhất, đang bị cảnh sát tước bằng lái và tạm giữ phương tiện. "Toàn bộ dữ liệu của tài xế này được chuyển về Sở giao thông, từ đó Sở có căn cứ để xử lý tiếp theo", đại diện Cục CSGT nói.

Theo Vnexpress

Nguồn PNNews: http://phununews.vn/tin-tuc/quan-ly-bang-lai-tu-bam-lo-phieu-kiem-soat-den-de-xuat-cham-diem-tai-xe-129874/