Quan điểm của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh về tinh thần của quân đội là yếu tố quyết định mọi thắng lợi trên chiến trường, vận dụng trong xây dựng quân đội hiện nay

Từ năm 1950, trên cương vị Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh luôn đặc biệt quan tâm đến công tác xây dựng chính trị trong Quân đội. Đại tướng đã cùng Tổng Quân ủy tập trung nâng cao chất lượng toàn diện Quân đội, trước hết là chất lượng chính trị.

Đồng chí khẳng định: “Lãnh đạo chính trị là một vấn đề căn bản trong cuộc đấu tranh cách mạng giữa ta và địch, làm gốc cho mọi vấn đề khác, cho tất cả các mặt khác, các ngành khác của mọi hoạt động quân sự”(1).

Trong bài nói tại Hội nghị Tuyên huấn toàn quân năm 1951, đồng chí chỉ rõ: Tinh thần của Quân đội là yếu tố quyết định mọi thắng lợi trên chiến trường. Công tác tuyên huấn và những người làm công tác này phải gắn bó chặt chẽ với cuộc sống chiến đấu của bộ đội, phải “làm cho trong họ bùng cháy lên lòng căm thù sâu sắc kẻ địch, phát động mạnh mẽ tình cảm giai cấp trong quân đội, làm cho họ thiết tha yêu thương Tổ quốc, thương yêu chế độ; coi Tổ quốc, coi chế độ như thịt, như máu của mình”(2).

Cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp ngày càng khó khăn gian khổ, nhưng Quân đội vẫn giành được nhiều thắng lợi, nhất là từ sau Chiến dịch Biên Giới 1950. Bên cạnh thắng lợi, ở một số đơn vị đã xuất hiện tư tưởng dao động, ngại khó khăn gian khổ, sợ hy sinh, giảm sút ý chí chiến đấu. Nhận thấy cần phải củng cố niềm tin của Quân đội vào Đảng, vào sự nghiệp cách mạng và sự đoàn kết chiến đấu của quân dân cả nước, năm 1952, Đại tướng đã trực tiếp chỉ đạo toàn quân tiến hành “chỉnh huấn chính trị”. Đây là cuộc vận động học tập chính trị tập trung và rộng lớn nhất kể từ ngày Quân đội ta được thành lập nhằm nâng cao giác ngộ giai cấp, nâng cao nhận thức chính trị để cán bộ, chiến sĩ hiểu sâu sắc mục tiêu lý tưởng chiến đấu của Quân đội, phân biệt rõ bạn - thù, giáo dục bản chất, truyền thống của Quân đội, mối đoàn kết quân dân…

Đồng chí Nguyễn Chí Thanh, Phó bí thư Tổng Quân ủy, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị thăm một đơn vị bộ đội Không quân. Ảnh tư liệu

Do làm tốt công tác xây dựng chính trị cho Quân đội, nên Quân đội ta ngày càng trưởng thành vững mạnh. Từ lúc chỉ có 34 chiến sĩ trong ngày thành lập (22-12-1944), vũ khí trang bị hết sức thô sơ, nhưng đến cuối năm 1953, Quân đội ta có 6 đại đoàn(3), 12 trung đoàn và 17 tiểu đoàn bộ binh, 1 đại đoàn pháo mặt đất, nhiều trung đoàn thuộc các binh chủng với tổng quân số 252.031 người(4); còn quân Pháp ở Đông Dương, có 465.000 tên (146.000 quân Âu - Phi, 319.000 quân ngụy)(5), biên chế thành 84 tiểu đoàn, riêng Bắc Bộ có 44 tiểu đoàn(6), với nhiều vũ khí trang bị hiện đại như máy bay, xe tăng, đại bác… Nếu so sánh về quân số, vũ khí trang bị ta kém hơn địch rất nhiều, nhưng về tinh thần, Quân đội ta chiếm ưu thế tuyệt đối, sẵn sàng chiến đấu quên mình để bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ Đảng, Nhà nước và nhân dân. Cuộc chỉnh huấn toàn quân năm 1952 đã xốc lại tinh thần chiến đấu cho bộ đội.

Vì vậy, trong trận quyết chiến chiến lược ở Điện Biên Phủ, Quân đội ta đã dồn toàn lực quyết tâm giành thắng lợi. Khi tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ, ta đã huy động 4 đại đoàn bộ binh: 308, 312, 316, 304 (tổng số 9 trung đoàn), Đại đoàn công pháo 351 (3 trung đoàn), Trung đoàn 367 cao xạ và các đơn vị bảo đảm với tổng quân số khoảng 55.000 người. Phương tiện vận tải có 628 ô tô, 11.800 thuyền, 20.000 xe đạp thồ, hàng chục nghìn tấn vũ khí, đạn dược, lương thực, thực phẩm, thuốc men(7)… trong đó, quân Pháp có hơn 16.000 tên. Cuộc chiến đấu 56 ngày đêm trong hoàn cảnh “máu trộn bùn non, gan không núng, chí không mòn”, Quân đội ta chỉ có súng bộ binh, pháo binh nhưng đã đè bẹp máy bay, xe tăng, đại bác cỡ lớn và bắt sống hơn một vạn tên địch.

Thắng lợi của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, đỉnh cao là Chiến dịch Điện Biên Phủ đã chứng minh chỉ có tinh thần chiến đấu vững vàng của Quân đội trên chiến trường mới giành thắng lợi. Mặc dù kẻ địch lắm tiền, nhiều của, có vũ khí trang bị tối tân hiện đại nhưng vẫn bị thất bại trước Quân đội nhân dân Việt Nam. Sự thất bại của Quân đội thực dân lại một lần nữa minh chứng cho lý luận Chủ nghĩa Mác – Lê-nin về xây dựng Quân đội kiểu mới của giai cấp vô sản hoàn toàn đúng đắn. Đảng ta, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng với Tổng Quân ủy, trong đó Đại tướng Nguyễn Chí Thanh với cương vị Ủy viên Bộ Chính trị, Phó bí thư Tổng Quân ủy, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị đã trực tiếp chăm lo xây dựng Quân đội toàn diện, trong đó tập trung xây dựng Quân đội vững mạnh về chính trị làm trung tâm đã trở thành cơ sở cho sự trưởng thành, vững mạnh của Quân đội. Do làm tốt công tác giáo dục chính trị, nên tinh thần chiến đấu của Quân đội ta kiên cường, không quản ngại khó khăn, gian khổ, sẵn sàng chiến đấu hy sinh quên mình vì Tổ quốc. Còn quân đội của thực dân Pháp là công cụ bạo lực của kẻ xâm lược, là đội quân đánh thuê nên không có tinh thần chiến đấu dũng cảm, không vượt qua được khó khăn gian khổ nên cho dù có vũ khí tối tân hiện đại thì vẫn bị thất bại.

Đồng chí Nguyễn Chí Thanh, Phó bí thư Tổng Quân ủy, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị thăm đơn vị thuộc Quân khu Việt Bắc (năm 1958).

Sau thắng lợi của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, tình hình đất nước gặp nhiều khó khăn, việc đấu tranh thi hành Hiệp định Giơ-ne-vơ của ta ngày càng tỏ ra không hiệu quả do địch cố tình phá hoại. Nắm chắc tình hình đất nước, âm mưu thủ đoạn của kẻ thù, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh cho rằng phải xây dựng Quân đội vững mạnh: “Quân đội ta luôn luôn là đội vũ trang chiến đấu, quân đội có mạnh mới chủ động trong việc ứng phó được với mọi tình huống và mọi khả năng phát triển của tình hình. Quân đội có mạnh mới tiến hành đấu tranh chính trị thắng lợi”(8). Việc xây dựng Quân đội vững mạnh theo Đại tướng phải xây dựng Quân đội về chính trị, tư tưởng và tổ chức, làm cho Quân đội giác ngộ sâu sắc về lý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội.

Từ cuối năm 1964, theo sự phân công của Đảng, đồng chí Nguyễn Chí Thanh trực tiếp tham gia lãnh đạo cuộc kháng chiến chống Mỹ trên chiến trường miền Nam. Năm 1965, Mỹ trực tiếp đưa quân vào tham chiến trên chiến trường miền Nam ở một bộ phận cán bộ, chiến sĩ đã xuất hiện tư tưởng sợ đánh Mỹ, sợ hy sinh ác liệt… Trên cơ sở phân tích những mặt mạnh, yếu của quân Mỹ cả về quân sự, chính trị, kinh tế, kỹ thuật và con người; phân tích thế và lực của ta, Đại tướng đã tập trung chỉ đạo xây dựng những “quả đấm” chủ lực để kiên quyết đánh Mỹ. Kết luận tại Hội nghị công tác chính trị của lực lượng vũ trang giải phóng miền Nam (8-1966), đồng chí khẳng định: “Phải giáo dục sâu sắc tinh thần dân tộc thống nhất, niềm tự hào dân tộc, lòng tin tưởng vững chắc vào thắng lợi, giáo dục sâu sắc nhiệm vụ cách mạng hai miền, xây dựng tình cảm, ý chí, quyết tâm chiến đấu, quyết đánh, quyết thắng hoàn toàn giặc Mỹ xâm lược”(9).

Khi đương đầu với quân chiến đấu Mỹ đòi hỏi Quân đội phải có sự phát triển vượt bậc về tổ chức lực lượng, trình độ chỉ huy. Để thực hiện yêu cầu đó, Đại tướng cho rằng cần phải tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với Quân đội một cách trực tiếp, toàn diện, làm cho Quân đội phải tuyệt đối phục tùng sự lãnh đạo của Đảng. Trong xây dựng Quân đội phải toàn diện, trong đó lấy xây dựng chính trị làm cơ sở… Do chỉ đạo sâu sát việc xây dựng, củng cố lực lượng vũ trang giải phóng miền Nam và kịp thời chấn chỉnh những tư tưởng sợ Mỹ nên quyết tâm đánh Mỹ và thắng Mỹ của Quân và dân ta ngày càng được củng cố vững chắc. Với vai trò là “đòn xeo”, Quân đội đã trở thành lực lượng nòng cốt vừa cổ vũ nhân dân, vừa trực tiếp chiến đấu với quân Mỹ, ngụy, tạo nên Chiến thắng Núi Thành (5-1965), Ba Gia (7-1965), Vạn Tường (8-1965), Plei Me (11-1965), Đồng Dương (12-1965).

Sau những chiến thắng này, tâm lý sợ Mỹ bị đẩy lùi và tư tưởng “Bám thắt lưng địch mà đánh”, đã trở thành phổ biến trên chiến trường miền Nam, tạo thành động lực thúc đẩy các phong trào “Dũng sĩ diệt Mỹ”, “tìm Mỹ mà đánh, tìm ngụy mà diệt”… Từ đây, cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta có thêm nguồn động lực tinh thần được hình thành sau những thắng lợi với quân chủ lực Mỹ trên chiến trường. Chiến thắng nối tiếp chiến thắng của Quân đội nhân dân Việt Nam đã buộc Mỹ phải rút quân và chính quyền tay sai Sài Gòn sụp đổ hoàn toàn vào trưa ngày 30-4-1975.

Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Cục miền Nam, Chính ủy Quân giải phóng miền Nam dự Hội nghị Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam (năm 1964). Ảnh tư liệu

Xuyên suốt bước trưởng thành, chiến thắng của Quân đội nhân dân Việt Nam qua hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ đã cho thấy đường lối, chủ trương của Đảng ta trong xây dựng Quân đội là đúng đắn. Đại tướng Nguyễn Chí Thanh với cương vị Ủy viên Bộ Chính trị, Phó bí thư Tổng Quân ủy, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, Bí thư Trung ương Cục, Chính ủy các lực lượng vũ trang giải phóng miền Nam, đã vận dụng thành công lý luận Chủ nghĩa Mác – Lênin và những chỉ đạo trực tiếp của Chủ tịch Hồ Chí Minh vào xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam chính quy, hiện đại, trong đó xây dựng Quân đội vững mạnh về chính trị làm nòng cốt. Do Quân đội được xây dựng vững mạnh về chính trị, với tinh thần “người trước, súng sau”, nên đã chiến thắng trước quân đội Pháp, Mỹ với vũ khí tối tân, hiện đại. Và đúng như vậy, chỉ có tinh thần của quân đội mới chiến thắng được kẻ thù, đúng như V.I.Lênin đã nói: lực lượng vật chất chỉ có thể đánh bại bởi một lực lượng vật chất khác; nhưng ý thức tư tưởng khoa học một khi đã thâm nhập vào quần chúng thì nó có sức mạnh vô biên. Đại tướng Nguyễn Chí Thanh và Đảng ta đã truyền mục tiêu lý tưởng chiến đấu của Đảng cho Quân đội, nên Quân đội nhân dân Việt Nam có sức mạnh tinh thần vô biên, đánh bại mọi kẻ thù xâm lược.

Từ lý luận và thực tiễn về xây dựng nhân tố tinh thần của Quân đội trước đây, vận dụng vào trong giai đoạn cách mạng hiện nay cần tập trung giải quyết tốt những vấn đề sau:

Một là, giữ vững, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước đối với Quân đội. Đây là vấn đề vô cùng quan trọng trong xây dựng Quân đội cách mạng nhằm bảo vệ thành quả cách mạng. Trong bất luận tình huống nào, Đảng cũng phải lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt đối với Quân đội. Để thực hiện tốt vấn đề này, Đảng phải xây dựng mục tiêu, lý tưởng chiến đấu, tăng cường bản chất giai cấp công nhân cho Quân đội. Các cơ quan lãnh đạo, đội ngũ chính ủy, chính trị viên là người trực tiếp tiến hành công tác xây dựng Quân đội vững mạnh về chính trị, tư tưởng và tổ chức cần nâng cao chất lượng tiến hành công tác Đảng, công tác chính trị, bám sát với yêu cầu nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu và đặc thù từng đơn vị.

Thực hiện tốt nội dung đó, các cơ quan đơn vị trong toàn quân ra sức thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Trung ương 4 (Khóa XI, XII), về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 15-5-2016 của Bộ Chính trị; Chỉ thị số 87-CT/QUTW, ngày 8-7-2016 “Về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”; Chỉ thị số 855-CT/QUTW về đẩy mạnh thực hiện cuộc vận động “Phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh Bộ đội Cụ Hồ” thời kỳ mới… gắn với Phong trào Thi đua Quyết thắng, kiên quyết đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái của các thế lực thù địch nhằm giữ vững trận địa tư tưởng của Đảng trong Quân đội, bảo đảm cho Quân đội mãi mãi là lực lượng trung thành, tin cậy của Đảng, Nhà nước và nhân dân.

Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Cục miền Nam, Chính ủy Quân giải phóng miền Nam cùng các đồng chí đang nghiên cứu bản đồ tác chiến tại Trảng Lớn, khu vực Kà Tum (năm 1964). Ảnh tư liệu

Hai là, quan tâm, đầu tư vũ khí, trang bị kỹ thuật hiện đại cho Quân đội. Trước sự phát triển mạnh mẽ của cuộc cách mạng khoa học công nghệ, trong đó lĩnh vực quân sự đã xuất hiện loại hình chiến tranh mới - chiến tranh công nghệ cao. Vì vậy, việc đầu tư vũ khí trang bị kỹ thuật quân sự cho Quân đội là một yêu cầu cấp thiết đặt ra hiện nay. Quân đội ta không chạy đua vũ khí trang bị với các nước lớn, song cần có vũ khí trang bị kỹ thuật hiện đại để bảo vệ Tổ quốc trong trường hợp cần thiết. Một số đơn vị cần đầu tư vũ khí hiện đại như Quân chủng Hải quân, Phòng không - Không quân, Binh chủng Thông tin liên lạc, Tác chiến điện tử… Đây là những đơn vị đi đầu trong quá trình xây dựng Quân đội cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại.

Để đầu tư, vũ khí, trang bị, kỹ thuật hiện đại cho Quân đội, toàn quân tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Cuộc vận động “Quản lý, khai thác vũ khí, trang bị kỹ thuật tốt, bền, an toàn, tiết kiệm và an toàn giao thông” (Cuộc vận động 50);Quán triệt thực hiện Nghị quyết 06-NQ/TW, ngày 16-7-2011 của Bộ Chính trị (khóa XI) về “Xây dựng và phát triển công nghiệp quốc phòng đến năm 2020 và những năm tiếp theo”; Thông báo kết luận 25/TB-TW, ngày 11-4-2017 của Bộ Chính trị (khóa XII) về Đề án “Đẩy mạnh phát triển công nghiệp quốc phòng, an ninh đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới”, Đề án bảo đảm kỹ thuật cho vũ khí, trang bị kỹ thuật giai đoạn 2018 - 2025, Đề án quy hoạch cơ sở sửa chữa vũ khí, trang bị kỹ thuật toàn quân… nhằm bảo đảm kịp thời, đồng bộ vũ khí, trang bị kỹ thuật cho nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu cả trước mắt và lâu dài.

Ba là, đẩy mạnh nghiên cứu phát triển kỹ thuật quân sự, nghệ thuật quân sự, nâng cao chất lượng huấn luyện kỹ, chiến thuật của bộ đội. Đây là vấn đề đang đặt ra một cách trực tiếp đối với xây dựng Quân đội hiện nay. Cùng với việc mua sắm các loại vũ khí, trang bị hiện đại, ta cần đẩy mạnh nghiên cứu phát triển kỹ thuật quân sự, tự sản xuất được vũ khí bộ binh, các phụ tùng thay thế, nâng cấp các loại vũ khí, trang bị hiện có trong biên chế, đáp ứng yêu cầu của Quân đội, phù hợp với điều kiện kinh tế của đất nước.

Cùng với đó cần đẩy mạnh nghiên cứu nghệ thuật quân sự để vừa kế thừa kinh nghiệm truyền thống, vừa đáp ứng với chiến tranh bằng vũ khí công nghệ cao. Vì vậy, cần nắm chắc đường lối quân sự - quốc phòng của Đảng, nhất là Nghị quyết Trung ương 8 khóa XI “Về Chiến lược Bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới”, Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 16-4-2018 “Về Chiến lược Quốc phòng Việt Nam”, Kết luận số 31- KL/TW ngày 16-4-2018 “Về Chiến lược quân sự Việt Nam”, Kết luận số 60-KL/QUTW, ngày 18-1-2019 của Quân ủy Trung ương, Về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 765-NQ/QUTW ngày 20-12-2012, “Về nâng cao chất lượng huấn luyện giai đoạn 2013 - 2020 và những năm tiếp theo”, Kết luận của Quân ủy Trung ương về lãnh đạo công tác khoa học, công nghệ và môi trường trong Quân đội đến năm 2020 và những năm tiếp theo… cùng với các chương trình, đề án về khoa học kỹ thuật, công nghệ quân sự nhằm đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng thành tựu khoa học công nghệ vào lĩnh vực quân sự phù hợp với điều kiện thực tiễn, góp phần tăng cường tiềm lực quốc phòng của đất nước.

Bốn là, chăm lo xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao trong Quân đội. Trước yêu cầu xây dựng Quân đội trong tình hình mới, cùng với sự phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ đòi hỏi phải có những người đủ khả năng và trình độ để tiếp cận. Tình hình đó đòi hỏi Đảng, Nhà nước cần quan tâm xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cho Quân đội. Đó là những người có sức khỏe, có bản lĩnh chính trị kiên định, vững vàng, ý chí quyết tâm cao, phẩm chất đạo đức trong sáng, lối sống mẫu mực sẵn sàng chấp nhận hy sinh vì nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc. Do vậy, hằng năm cần tiến hành tốt công tác tuyển sinh quân sự và gọi thanh niên nhập ngũ. Có cơ chế, chính sách đặc thù để thu hút những người có trình độ chuyên môn cao vào công tác trong Quân đội.

Đây là yêu cầu đặt ra trực tiếp đối với công tác giáo dục đào tạo trong các nhà trường Quân đội. Do vậy, để xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng với Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, các nhà trường Quân đội tiếp tục quán triệt sâu sắc Nghị quyết 86-NQ/ĐUQSTW, ngày 29-3-2007 của Đảng ủy quân sự Trung ương (nay là Quân ủy Trung ương) về công tác giáo - dục đào tạo trong tình hình mới; Nghị quyết 769/NQ-QUTW, ngày 21-12-2012 của Quân ủy Trung ương về Xây dựng đội ngũ cán bộ Quân đội giai đoạn 2012-2020 và những năm tiếp theo; các đề án, chiến lược phát triển đội ngũ nhà giáo trong Quân đội… nhằm chuẩn hóa, hiện đại hóa chương trình, nội dung giáo dục, tạo sự đột phá mạnh mẽ, đổi mới căn bản, toàn diện công tác giáo dục và đào tạo đáp ứng với đòi hỏi của thực tiễn.

Năm là, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của cán bộ, chiến sĩ phù hợp với sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Sau khi các cơ quan, đơn vị tổng kết 10 năm thực hiện Luật Sĩ quan QĐND Việt Nam đã đánh giá thực trạng đời sống cán bộ, chiến sĩ hiện nay. Những vấn đề chưa phù hợp về thu nhập, đời sống đã không thu hút thanh niên gia nhập Quân đội, thậm chí có cả sĩ quan xin phục viên sớm… Từ thực tiễn đó đòi hỏi Đảng, Nhà nước, các bộ, ban, ngành cần quan tâm hơn nữa đến đời sống cán bộ, chiến sĩ Quân đội cho tương xứng với ngành lao động đặc biệt. Nếu không có chính sách quan tâm hợp lý đời sống bộ đội và gia đình hậu phương quân đội e rằng chất lượng huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu của các đơn vị bị sa sút và động lực của mỗi cán bộ, chiến sĩ sẽ mai một…

Kỷ niệm 110 năm Ngày sinh Đại tướng Nguyễn Chí Thanh là dịp để chúng ta có cái nhìn sâu sắc hơn về những đóng góp của Đại tướng đối với việc xây dựng Quân đội cách mạng, trong đó xây dựng Quân đội về chính trị không chỉ đúng với lý luận của những nhà cách mạng tiền bối mà còn phù hợp với thực tiễn của nước ta trước đây và giai đoạn hiện nay. Kế thừa quan điểm của Đại tướng về xây dựng nhân tố chính trị, tinh thần của Quân đội, chúng ta cần khơi sâu những đóng góp của Đại tướng cũng như của Đảng ta về xây dựng Quân đội cách mạng, có nhiều bài viết, bài nói đấu tranh với các luận điệu xuyên tạc nhằm “phi chính trị hóa” Quân đội, để Quân đội mãi mãi là lực lượng chiến đấu trung thành, tin cậy của Đảng, Nhà nước và nhân dân.

Thượng tá, TS VŨ BÌNH TUYỂN - Phó trưởng phòng Lịch sử quân sự thế giới, Viện Lịch sử quân sự

-----------------

(1) Bộ Quốc phòng - Viện Lịch sử quân sự Việt Nam, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh - Nhà chính trị quân sự lỗi lạc, Nxb. Quân đội nhân dân, Hà Nội, 1997, tr. 198.

(2) Bộ Quốc phòng - Viện Lịch sử quân sự Việt Nam, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh - Nhà chính trị quân sự lỗi lạc, Sđd, tr.313.

(3) 6 Đại đoàn: 304, 308, 312, 316, 320, 325; 12 trung đoàn: 246, 238, 42, 137, 46, 148, 270, 52, 108, 803.

(4) Bộ Tổng Tham mưu, Ban tổng kết - biên soạn lịch sử, Lịch sử Bộ Tổng Tham mưu trong kháng chiến chống Pháp (1954-1954), 1991, tr. 708.

(5) Nguyễn Huy Toàn, 30 năm chiến tranh cách mạng Việt Nam (1945-1975), Nxb. Lý luận chính trị, Hà Nội, 2005, tr. 71.

(6) Bộ Quốc phòng - Viện Lịch sử quân sự Việt Nam, Lịch sử tư tưởng quân sự Việt Nam, Tập IV (từ năm 1954 đến năm 1975), Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2014, tr. 55, 62.

(7) Bộ Quốc phòng - Viện Lịch sử quân sự Việt Nam, 55 năm Quân đội nhân dân Việt Nam, Nxb. Quân đội nhân dân, Hà Nội, 1999, tr. 143.

(8) Bộ Quốc phòng, Viện Lịch sử quân sự Việt Nam, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh - Nhà chính trị quân sự lỗi lạc, Sđd, tr. 201.

(9) Bộ Quốc phòng, Viện Lịch sử quân sự Việt Nam, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh - Nhà chính trị quân sự lỗi lạc, Sđd, tr.316.

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/tuong-linh-viet-nam/quan-diem-cua-dai-tuong-nguyen-chi-thanh-ve-tinh-than-cua-quan-doi-la-yeu-to-quyet-dinh-moi-thang-loi-tren-chien-truong-van-dung-trong-xay-dung-quan-doi-hien-nay-759082