'Quả táo hỏng' SVB sẽ không làm hư cả chùm táo

Các quan chức chính phủ Mỹ và các nhà phân tích trấn an rằng hệ thống ngân hàng vẫn khỏe mạnh bất chấp sự sụp đổ chóng vánh của ngân hàng Silicon Valley.

 Những người lạc quan cho rằng tâm lý lo ngại sẽ sớm trôi qua, và khó để việc SVB phá sản tạo ra hiệu ứng domino lên ngành ngân hàng. Ảnh: Reuters.

Những người lạc quan cho rằng tâm lý lo ngại sẽ sớm trôi qua, và khó để việc SVB phá sản tạo ra hiệu ứng domino lên ngành ngân hàng. Ảnh: Reuters.

Việc Silicon Valley Bank (SVB) trở thành ngân hàng lớn thứ hai sụp đổ sau khủng hoảng tài chính năm 2008 kéo theo nhiều tâm lý lo ngại. Song, giới chuyên gia đánh giá đây là trường hợp có nhiều nguyên nhân đặc biệt, và sẽ khó mang tính hệ thống.

“Một quả táo hỏng sẽ không làm hư cả chùm táo”, Davide Serra, CEO của công ty đầu tư Algebris Investments, nói hồi cuối tuần trước.

Tại Mỹ, đã có những động thái và cam kết từ giới chức chính phủ nhằm không để vụ việc của SVB ảnh hưởng nghiêm trọng đến ngành ngân hàng.

Tuyên bố chung từ Fed, Bộ Tài chính Mỹ và Công ty Bảo hiểm Ký thác Liên bang (FDIC) khẳng định những người gửi tiền vào SVB có thể tiếp cận nguồn tiền của họ vào ngày 13/3. Điều này cũng tương tự người gửi tiền vào Signature, ngân hàng thứ hai tại Mỹ phá sản trong 3 ngày.

Paul Ashworth, nhà phân tích của Capital Economics, cho rằng về lý thuyết, điều này sẽ ngăn chặn việc hậu quả lan rộng và đánh sập nhiều ngân hàng hơn, đều có thể xảy ra chớp nhoáng trong thời đại kỹ thuật số.

“Tuy nhiên, sự lây lan này thường gắn liền với những nỗi sợ phi lý, vì vậy tôi cho rằng không điều gì đảm bảo các giải pháp trên sẽ hiệu quả”, ông Ashworth nói.

Luôn có bài học sau mỗi lần ngân hàng sụp đổ

Phân tích tác động của SVB, Huw van Steenis, cựu Giám đốc nghiên cứu ngân hàng toàn cầu của Morgan Stanley, viết trên Financial Times rằng sự kiện này sẽ không mang tính hệ thống.

SVB phụ thuộc lớn một cách bất thường vào các nguồn vốn công ty và từ quỹ đầu tư mạo hiểm. 95% tiền ký gửi không được bảo hiểm, so với chỉ khoảng 33% ở các ngân hàng lớn khác.

 Thị trường chứng khoán châu Âu giảm mạnh trước việc SVB phá sản. Đồ họa: Google Finance.

Thị trường chứng khoán châu Âu giảm mạnh trước việc SVB phá sản. Đồ họa: Google Finance.

Việc đầu tư vào trái phiếu dài hạn vào giai đoạn năm 2021 mà không có kế hoạch phòng bị cũng được coi như canh bạc mạo hiểm. Việc Fed tăng lãi suất đã khiến SVB gánh một mức lỗ trên giấy gần 16 tỷ USD, nhiều hơn cả vốn chủ sở hữu.

Ông Steenis cho rằng vụ sụp đổ của SVB sẽ khiến các ngân hàng nhạy cảm hơn nữa trước đe dọa, tranh thủ thanh toán những khoản vay và thắt chặt các điều kiện tài chính.

Ngoài ra, đây cũng sẽ là bài toán khó cho những nhà cung cấp tiền điện tử, khi giải quyết vấn đề khách hàng muốn rút tiền đột ngột - đồng thời cũng là vấn đề nếu các ngân hàng trung ương có kế hoạch triển khai tiền điện tử.

Các nhà hoạch định chính sách có lẽ đã mất cảnh giác trước tốc độ hoạt động của ngân hàng kỹ thuật số. Song, việc phản ứng ngay lập tức sẽ đóng vai trò then chốt trong việc ngăn chặn sự hoảng loạn này, ông Steenis nói.

Giải quyết từng bước

Trước những lo ngại từ nhà đầu tư, Tổng thống Joe Biden trấn an rằng người dân và doanh nghiệp Mỹ sẽ tiếp cận được nguồn tiền gửi ngân hàng khi cần. Đồng thời, ông Biden cam kết những bên liên quan sẽ phải chịu trách nhiệm và tăng cường giám sát để vụ việc tương tự không lặp lại.

Giới chức Mỹ khẳng định các biện pháp giải quyết tình cảnh của hai ngân hàng vừa phá sản sẽ không phải là "gói cứu trợ", do đó không ảnh hưởng đến những người đóng thuế.

"Đây là trường hợp bất thường, nhưng thông điệp tôi muốn nói là tiền của người dân được an toàn", Thống đốc New York Kathy Hochul nói sau khi FDIC tiếp quản ngân hàng Signature.

Trong khi đó, tâm lý lo lắng của người dân tại Anh khi chi nhánh của SVB tại nước này (SVB UK) nắm gần 7 tỷ bảng tiền gửi cũng được giải quyết khi ngân hàng HSBC ngày 13/3 thông báo mua lại SVB UK với giá một bảng Anh, Guardian cho hay.

 Thị trường chứng khoán có nhiều biến động sau khi SVB và ngân hàng Signature tại Mỹ sụp đổ. Ảnh: Bloomberg.

Thị trường chứng khoán có nhiều biến động sau khi SVB và ngân hàng Signature tại Mỹ sụp đổ. Ảnh: Bloomberg.

Tại Anh, SVB UK từng được xem như một “cứu tinh” cho các doanh nghiệp start-up, khi giải quyết những vấn đề mà các ngân hàng khác hiếm khi quan tâm. Một công ty mới thành lập vài tháng sẽ khó mở tài khoản doanh nghiệp tại ngân hàng, chứ chưa nói đến việc tham gia hệ thống tài chính phức tạp tại Anh.

Khi đó, SVB UK có thể là đơn vị cho vay để các doanh nghiệp start-up có nguồn vốn ở giai đoạn đầu, khi họ thường không màng đến các khoản vay kinh doanh, và có thể không mang lại doanh thu trong vài năm đầu, sau khi trừ đi tiền lương cho nhân viên.

Chính phủ Anh hay Mỹ đều khẳng định hệ thống ngân hàng của nước họ an toàn và có vốn hóa tốt, đồng thời đảm bảo người gửi tiền ở SVB hay SVB UK đều có thể tiếp cận tiền gửi, qua đó tránh được nguy cơ rút tiền hàng loạt ở những ngân hàng khác.

Song, thị trường chứng khoán bắt đầu chao đảo sau ngày cuối tuần tràn ngập tin tức liên quan đến sự sụp đổ của SVB.

Làn sóng bán tháo đã xảy ra ở nhóm cổ phiếu ngân hàng Mỹ. Ngay cả cổ phiếu những "ông lớn" như Ngân hàng Mỹ (BoA) cũng ghi nhận mức giảm 7,9% - mức giảm tồi tệ nhất kể từ tháng 6/2020.

Tình hình cũng không khả quan hơn ở châu Âu. Tất cả mã cổ phiếu thuộc lĩnh vực tài chính và ngân hàng đều ở mức âm trong phiên giao dịch sáng 13/3, đẩy thị trường chứng khoán châu Âu giảm hơn 2,5%.

Trần Hoàng

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/qua-tao-hong-svb-se-khong-lam-hu-ca-chum-tao-post1411560.html