Qua đời ở tuổi 32 vì ung thư vú, nữ tiến sĩ để lại nhật ký ghi rõ một thói quen gây bệnh mà hàng triệu người trẻ cũng đang mắc phải
'Mặc dù tôi có sức khỏe tốt, không có tiền sử gia đình mắc ung thư nhưng tôi có một thói quen rất xấu suốt 10 năm qua đó là không bao giờ đi ngủ trước 12 giờ đêm...'
Năm 2011, dư luận Trung Quốc từng vô cùng đau buồn khi hay tin nữ tiến sĩ xinh đẹp, giảng viên Đại học Phúc Đán danh giá tên là Yu Juan qua đời. Trước khi qua đời vì ung thư vú, tiến sĩ Yu Joan nổi tiếng vì là một du học sinh xuất sắc tại Đại học Oslo, Na Uy. Cô có bằng tiến sĩ khi còn rất trẻ.
Tiến sĩ Yu Juan qua đời sau hơn 1 năm chống chọi với căn bệnh ung thư vú, lúc đó cô tròn 32 tuổi. Trong thời gian chiến đấu với ung thư, cô đã viết rất nhiều nhật ký, suy ngẫm về cuộc đời mình, phân tích về căn bệnh ung thư khiến biết bao người thương xót.
Tháng 11/2009, tiến sĩ Yu cảm thấy cơ thể vô đau đớn sau khi cai sữa cho con. Đến bệnh viện khám, cô nhận chẩn đoán có vấn đề về máu hoặc là có thể đã bị ung thư.
Sau đó, cô được kiểm tra PET-CT, lúc đầu bác sĩ nghi ngờ cô đã bị bệnh đa u tủy, nhưng sau đó các bác sĩ bệnh viện Thụy Kim (TQ) phủ nhận. Một thời gian dài không thể xác định được nguyên nhân gây bệnh cho cô Yu. Mãi sau này, khi cô đến khám lại Bệnh viện ung bướu Thụy An, các bác sĩ mới chẩn đoán được ra bệnh ung thư vú của cô, lúc này bệnh đã di căn đến xương.
Vào ngày 19/4/2011, tiến sĩ Yu Juan ra đi trước sự tiếc thương của biết bao nhiêu người.
Thói quen gây ung thư vú của nữ tiến sĩ 32 tuổi: Nhiều người trẻ đang mắc!
Trong nhật ký của mình những ngày cuối đời, phần lớn tiến sĩ Yu Juan đều viết với giọng điệu vô cùng dí dỏm, vui vẻ. Tuy nhiên, thi thoảng cô cũng bộc lộ một số cảm xúc đau đớn, buồn bã vì căn bệnh ung thư vú.
"Tại sao mình lại mắc bệnh ung thư?" - tiến sĩ Yu Juan viết trong cuốn nhật ký những ngày cuối đời.
Trong nhật ký, tiến sĩ Yu Juan nói:
"Tôi tin rằng căn bệnh ung thư mình mắc là kết quả của nhiều yếu tố phối hợp với nhau. Mặc dù tôi có sức khỏe tốt, không có tiền sử gia đình mắc ung thư nhưng tôi có một thói quen rất xấu suốt 10 năm qua đó là không bao giờ đi ngủ trước 12 giờ đêm. Có khi tôi thức đến 2-3 giờ sáng, thậm chí là thức trắng đêm.
Lúc ấy, tôi nghĩ mình còn trẻ khỏe, việc thức khuya sẽ không xảy ra vấn đề gì. Cho đến khi mắc bệnh ung thư, tôi mới thực sự cảm thấy rằng việc thức khuya cũng giống như "tự tử mãn tính".
Những tháng ngày cuối đời vật lộn với căn bệnh ung thư quái ác, tiến sĩ Yu Juan cũng nhận ra rằng từ trước đến nay mình đã tự tạo áp lực quá lớn cho bản thân chỉ vì danh vọng và tài sản, nhà lầu, xe hơi. Cuối cùng, khi chết đi không thể mang theo thứ gì. Lúc này, cô mới nhận ra điều khiến bản thân hạnh phúc chỉ đơn giản là được sống bên cạnh những người mình yêu thương và có một cuộc sống bình dị.
Thật không may, khi cô nhận ra những điều này thì cũng là lúc cô không còn cơ hội để làm lại!
Thói quen thức khuya quá 12 giờ đêm mà tiến sĩ Yu Juan mắc phải cũng chính là thói quen mà hàng triệu người trẻ đang có. Không ít các nghiên cứu đã khẳng định thói quen này có thể gây ra bệnh ung thư:
1. Cơ quan Nghiên cứu Ung thư Quốc tế (IARC) - một bộ phận thuộc WHO đã liệt kê "thức khuya" là một trong những tác nhân gây ung thư nhóm 2A.
2. Một số thí nghiệm trên động vật cho thấy, thức khuya sẽ làm rối loạn nhịp sinh học, rối loạn đồng hồ sinh học, dễ sinh ung thư.
3. Cuộc khảo sát cho thấy các y tá và tiếp viên hàng không thường xuyên phải làm ca đêm có nguy cơ ung thư vú cao hơn hẳn những phụ nữ làm nghề khác.
4. Các nghiên cứu đã phát hiện ra rằng làm việc và nghỉ ngơi không đều đặn trong thời gian dài có thể làm tăng nguy cơ ung thư vú, ung thư đại trực tràng và ung thư tuyến tiền liệt.
Mới đây, một nghiên cứu được công bố trên tạp chí "Cancer Epidemiology, Biomarkers and Prevention" đã chỉ ra rằng những phụ nữ làm ca đêm dài ngày có nguy cơ mắc ung thư cao hơn 5 lần, bao gồm ung thư da, ung thư đường tiêu hóa và ung thư vú. Thức khuya càng lâu, nguy cơ mắc ung thư vú càng cao.
Ngoài việc tăng nguy cơ ung thư, thức đêm trong thời gian dài, ngủ không đủ giấc còn có thể làm giảm khả năng miễn dịch, gây rối loạn nội tiết, ảnh hưởng đến dạ dày, dễ mắc các bệnh béo phì, tiểu đường, tim mạch....
Câu chuyện của tiến sĩ Yu Juan là hồi chuông cảnh tỉnh cho không ít bạn trẻ về thói quen thức khuya nguy hiểm. Để ngăn ngừa ung thư, chúng ta phải xây dựng thói quen sống lành mạnh, đặc biệt là đi ngủ sớm, tập thể dục nhiều hơn, tăng cường miễn dịch để chống lại bệnh mãn tính và "xua đuổi" tế bào ung thư.