Phụng dưỡng Mẹ Việt Nam Anh hùng: Trách nhiệm lớn lao
Chăm lo, phụng dưỡng Mẹ Việt Nam Anh hùng là chính sách lớn của Đảng, Nhà nước. Hiện nay, tỉnh ta có 15 Mẹ Việt Nam Anh hùng còn sống, đều được sự quan tâm, giúp đỡ tận tình của các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp… nhằm phần nào xoa dịu những mất mát, đau thương, động viên các mẹ sống vui, sống khỏe.
Niềm vui của mẹ
Mới đây, chúng tôi có dịp đến thăm mẹ Rơ Mah Myơr (làng Nú, xã Ia Kênh, TP. Pleiku). Vừa tới sân đã thấy mẹ chờ sẵn ở bậc cửa. Mẹ cười tươi nói: “Hôm qua, có người tới bảo ngày mai mẹ đừng đi đâu kẻo có người đến thăm không gặp”.
Chúng tôi ngồi xuống bên cạnh để nghe mẹ kể về những năm tháng tham gia phục vụ cách mạng, bị tù đày trong thời gian dài. Hai người con trai của mẹ cũng theo cách mạng và hy sinh trong chiến tranh. Nén đau thương, mẹ vẫn kiên cường tham gia đấu tranh, ủng hộ cách mạng, chờ đợi chứng kiến thời khắc đất nước hoàn toàn giải phóng. Đến cuối năm 2017, mẹ được phong tặng danh hiệu Mẹ Việt Nam Anh hùng. Từ đó đến nay, mẹ lại mở lòng chào đón những người con không phải ruột thịt nhưng lúc nào cũng nồng ấm tình người. “Các con của mẹ đã hy sinh vì độc lập, được chính quyền và nhân dân ghi nhận. Mẹ rất vui. Càng vui hơn khi các con thường xuyên lui tới, chăm nom!”-mẹ Myơr tâm sự.
Hiện nay, hàng tháng, bên cạnh trợ cấp tiền tuất 4,3 triệu đồng/tháng, người phục vụ chăm sóc mẹ được hỗ trợ 1,5 triệu đồng/tháng, mẹ Myơr còn được Công ty TNHH Thương mại dịch vụ Tân Hiệp Phát nhận phụng dưỡng với số tiền 1 triệu đồng/tháng. Đại diện Công ty Tân Hiệp Phát cho biết: Hàng năm, Công ty vận động cán bộ, công nhân, người lao động đóng góp 1 ngày thu nhập để làm công tác an sinh xã hội, trong đó có việc phụng dưỡng Mẹ Việt Nam Anh hùng. Những ngày mẹ ốm đau, ngày lễ, Tết, Công ty đều có quà riêng.
Mẹ Hồ Thị Đạt (thôn 2, xã Nam Yang, huyện Đak Đoa) năm nay 83 tuổi, mắt đã mờ, tay chân không còn nhanh nhẹn nhưng trái tim mẹ luôn được sưởi ấm bởi lòng biết ơn và sự quan tâm từ nhiều phía. Mẹ Đạt chia sẻ: “Sự quan tâm, động viên, chăm sóc của Đảng, Nhà nước và bà con lối xóm khiến mẹ cảm thấy được an ủi phần nào”. Hàng tháng, ngoài trợ cấp tiền tuất của con và chồng, mẹ còn được Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT huyện Đak Đoa nhận phụng dưỡng với số tiền 1 triệu đồng. Vào các dịp lễ, Tết, lãnh đạo huyện và các tổ chức, cá nhân cũng thường xuyên đến thăm hỏi, tặng quà. Mẹ Đạt tự hào: “Mẹ sống đến từng này tuổi rồi, có khó khăn nào mà chưa trải qua. Hôm nay, đất nước hòa bình, cuộc sống của người dân không còn khó khăn như trước nữa. Mẹ cảm ơn Đảng, Nhà nước luôn quan tâm đến gia đình mẹ. Được sống trong sự chăm sóc của con cháu, đơn vị phụng dưỡng và các cơ quan, ban ngành, mẹ mãn nguyện lắm!”.
Trách nhiệm lớn lao
Ông Trần Anh Sơn-Trưởng phòng Chính sách Người có công (Sở Lao động-Thương binh và Xã hội) cho biết: Những năm qua, việc chăm sóc, phụng dưỡng Mẹ Việt Nam Anh hùng luôn được các cấp ủy Đảng, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể thực hiện có hiệu quả bằng nhiều việc làm cụ thể: thăm hỏi, động viên, trao quà, đưa đi điều dưỡng, nhận phụng dưỡng suốt đời… Ngoài việc vận động các đơn vị, doanh nghiệp nhận phụng dưỡng 15 mẹ còn sống, các địa phương còn giao cho từng đoàn thể, trường học, chi hội phụ nữ thôn, làng, tổ dân phố thường xuyên thăm hỏi, động viên các mẹ, nhất là những lúc đau yếu. Các trường học cũng tổ chức cho giáo viên, học sinh đến thăm các mẹ. Công tác phong tặng, truy tặng danh hiệu vinh dự Nhà nước “Bà mẹ Việt Nam Anh hùng” được các địa phương thực hiện kịp thời. Đến nay, toàn tỉnh có 193 Mẹ Việt Nam Anh hùng được phong tặng, truy tặng danh hiệu; tặng sổ tiết kiệm, làm nhà tình nghĩa... Nghĩa cử đó đã giúp các mẹ có thêm niềm vui trong cuộc sống, đồng thời khơi dậy tình cảm, trách nhiệm của nhân dân đối với những người đã cống hiến, hy sinh vì nền độc lập, tự do của Tổ quốc.
Cũng theo ông Sơn, tỉnh ta còn 7 hồ sơ đang chờ xem xét, giải quyết chế độ chính sách liên quan đến việc phong tặng, truy tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam Anh hùng. Ủy ban nhân dân tỉnh cũng đã kiến nghị với Ban Thi đua-Khen thưởng Trung ương và các bộ, ngành hướng dẫn, tạo điều kiện xét duyệt, sớm công nhận danh hiệu cho các mẹ. “Thời gian tới, Sở sẽ tập trung hoàn chỉnh hồ sơ còn tồn đọng. Các huyện, thị xã, thành phố tiếp tục tổ chức vận động nhận phụng dưỡng các mẹ còn sống trong các đợt phong tặng danh hiệu tiếp theo để tất cả đều có đơn vị nhận phụng dưỡng; phối hợp với các đơn vị nhận phụng dưỡng để thường xuyên theo dõi về tình hình sức khỏe, đời sống vật chất, tinh thần của các mẹ”-ông Sơn cho biết thêm.