Phủ Tây Hồ đông kín người trong ngày Rằm tháng Giêng
Chiều ngày 5/2 (tức 15 tháng giêng), nhiều người dân sinh sống ở Hà Nội sắm sửa lễ vật để vào Phủ Tây Hồ lễ vái trong dịp Rằm tháng Giêng.

Ghi nhận của PV Gia đình và Xã hội, chiều ngày 5-2 (tức ngày 15 tháng Giêng), nhiều người dân sinh sống ở Hà Nội nườm nượp kéo về Phủ Tây Hồ (quận Tây Hồ).

Trên tay là những túi đồ cúng như: bánh kẹo, thẻ hương, hoa, vàng mã để người dân dâng làm lễ vái,

Phủ Tây Hồ được coi là một trong những địa điểm tâm linh được nhiều người đến để cầu an, nhất ở Hà Nội. Chính vì vậy, vào dịp đầu năm, Rằm,... người dân Hà Nội lại tới đây để làm lễ.

Rằm tháng Giêng là ngày trăng tròn đầu tiên của năm mới âm lịch, tục xưa còn gọi là Tết Nguyên tiêu, đây là ngày rất quan trọng đối với nhiều người dân Việt Nam.

Theo tìm hiểu của PV, Phủ Tây Hồ là một ngôi đền thờ công chúa Liễu Hạnh nằm tại thủ đô Hà Nội của Việt Nam, theo truyền thuyết, phủ được xây dựng vào khoảng thế kỷ 17.

Tục truyền rằng Liễu Hạnh là Quỳnh Hoa - con gái thứ hai của Ngọc Hoàng, bị đày xuống trần gian vì tội làm vỡ cái ly ngọc quý. Người tiên nữ ấy đã ngang dọc một trời giúp dân an cư lập nghiệp, diệt trừ ma quái, trừng phạt tham quan. Đến triều Nguyễn bà được nhà vua phong "mẫu nghi thiên hạ", là một trong bốn vị thần "Tứ bất tử" của Việt Nam.

Tất cả đến Phủ Tây Hồ đều mong muốn một năm mới thuận lợi và bình an.

Đến với Phủ Tây Hồ không chỉ có người già mà có cả các em sinh viên, học sinh và giới trẻ.

Các bạn trẻ viết sớ chuẩn bị vào Phủ làm lễ cúng.

Càng về chiều, số lượng người dân đến Phủ mỗi lúc một đông đúc.