Phú Quốc phát động phong trào chống rác thải nhựa
Đây là một trong những hoạt động tích cực nhằm giảm rác thải nhựa trong bối cảnh ô nhiễm môi trường đang ngày càng gia tăng trên huyện đảo Phú Quốc.
Ngày 8/6, tại thị trấn Dương Đông, huyện đảo Phú Quốc, Sở Nông nghiệp phát triển nông thôn tỉnh Kiên Giang phối hợp cùng Quỹ quốc tế bảo vệ thiên nhiên WWF, Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ USAID và UBND huyện Phú Quốc tổ chức lễ phát động phong trào chống và thả giống tái tạo nguồn lợi thủy sản.
Đây là một trong những hoạt động tích cực nhằm giảm rác thải nhựa trong bối cảnh ô nhễm môi trường đang ngày càng gia tăng trên huyện đảo đã được tổ chức WWF và Sở Nông nghiệp Kiên Giang duy trì thực hiện trong 2 năm qua.
Tại buổi lễ phát động, Ban tổ chức trưng bày triển lãm nhiều bức ảnh nói về tác hại của rác thải nhựa đến môi trường, đặc biệt là tác động đến loài bò biển, một loài động vật kiếm ăn tại các thảm cỏ biển gần bờ; bàn giao 16 xe thu gom rác cho 2 ấp Bãi Bổn thuộc xã Hàm Ninh và ấp Đá Chồng, xã Bãi Thơm. Đây là 2 ấp chưa có hệ thống thu gom rác.
Ngay sau buổi lễ phát động, đông đảo các doanh nghiệp, tổ chức và người dân cùng tham thu dọn rác tại tại bãi biển Dinh Cậu, một số bãi biển ở ấp Bãi Bổn, xã Hàm Ninh. Em Tăng Minh Huy, học sinh Trường THPT Phú Quốc, tham gia thu gom rác thải bức xúc cho rằng, hiện nay khách du lịch đến Phú Quốc tham quan du lịch ngày càng đông nhưng ý thức bảo vệ môi trường kém đã khiến hòn đảo ngọc ngày càng trở nên xấu xí và ô nhiễm.
“Trong tuần qua có phong trào môi trường xanh, các bạn đoàn viên đã lên Bãi Xếp ở Hàm Ninh để dọn rác. Sau khi dọn sạch sẽ, 1 tuần sau quay lại thì thấy người dân xả rác lại như cũ và rất bức xúc. Em mong người dân có thể ý thức hơn về giữ gìn vệ sinh môi trường”- em Huy nói.
Theo UBND huyện Phú Quốc, ước tính trung bình khối lượng rác thu gom hiện tại là khoảng 120-150 tấn/ngày. Khoảng 87% rác được thu gom bởi Ban Quản lý Công trình công cộng, nhưng không phải tất cả rác thải đều được xử lý và được xử lý đúng. Đặc biệt là rác thải nhựa đều xuất hiện trong hệ sinh thái trên bờ lẫn dưới biển.
Thời gian tới, UBND huyện sẽ triển khai các chương trình giảm rác thải nhựa bắt đầu bằng việc thay thế tất cả chai nước nhựa một lần bằng ly thủy tinh và bình sử dụng nhiều lần trong tất cả các cuộc họp của UBND huyện.
Ông Huỳnh Quang Hưng, Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Quốc cho biết, UBND huyện cũng sẽ phát động việc thực hiện hoạt động Ngày xanh Đảo Ngọc mỗi tháng một lần, huy động thu gom rác trên toàn huyện đảo; kêu gọi mọi người “Chống rác thải nhựa”, tiến đến ngưng sử dụng đồ nhựa dùng một lần trong tất cả các hoạt động và truyền cảm hứng cho mọi người xung quanh.
“Chúng tôi sẽ tuyên truyền vận động người dân, khách du lịch, các doanh nghiệp ý thức trong vấn đề bảo vệ môi trường liên quan đến vấn đề rác thải, nước thải, rác thải nhựa, thu gom xử lý vận chuyển đúng nơi quy định. Bên cạnh đó, tăng cường công tác kiểm tra xử lý những doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh gây ô nhiễm môi trường lên quan đến rác thải, nước thải để từng bước làm cho Phú Quốc xanh hơn, sạch hơn, đẹp hơn” – ông Hưng cho biết.
Ông Văn Ngọc Thịnh, Giám đốc Tổ chức WWF tại Việt Nam cho biết, từ năm 2018 đến nay tổ chức WWF đã chọn Phú Quốc là điểm triển khai dự án chống rác thải nhựa đầu tiên của tỉnh Kiên Giang bởi huyện đảo Phú Quốc phát triển mạnh mẽ về du lịch, dễ bị tổn thương về môi trường.
Theo thống kê, lượng khách du lịch trong năm 2015 đã gấp 9 lần dân số của đảo, và tỷ lệ này dự kiến sẽ tiếp tục gia tăng. Sự tăng trưởng nhanh chóng, cùng với công tác quản lý rác thải còn hạn chế, đã liên tiếp gây ô nhiễm nghiêm trọng trên bờ và dưới biển, làm hư hại các rạn san hô và thảm cỏ biển, suy giảm giá trị các bãi biển và do đó ảnh hưởng trực tiếp tới sinh kế của người dân địa phương. Một trong những tác nhân dẫn đến sự ô nhiễm chính là rác thải nhựa.
“Đi bất cứ đâu trên hòn đảo Phú Quốc chúng tôi cũng thấy rác. Rác cũng có thể đến từ các vùng biển lân cận do dòng hải lưu di chuyển về. Cần quản lý và bảo vệ bền vững môi trường biển ở đây. Vì vậy WWF đã chọn Phú Quốc. Nếu chúng ta không chung tay từ bây giờ thì chúng ta sẽ mất đi môi trường đa dạng sinh học, môi trưởng biển sẽ bị ô nhiễm”- ông Văn Ngọc Thịnh cho biết.
Nhằm hỗ trợ khai thác thủy sản bền vững và phát triển sinh kế cho người dân, sáng 8/6, Ban tổ chức đã thả 60 triệu con ghẹ con và 150.000 con tôm sú giống vào khu bảo tồn biển. Đây là những con giống được 11 doanh nghiệp trên địa bàn đóng góp để thả về môi trường biển./.
Nguồn VOV: https://vov.vn/xa-hoi/phu-quoc-phat-dong-phong-trao-chong-rac-thai-nhua-918867.vov