Phú Lương phát huy vai trò 'cửa ngõ' phía Bắc

Thời gian qua, huyện Phú Lương tập trung mọi nguồn lực xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông; thu hút đầu tư phát triển cụm công nghiệp, khu dân cư, khu đô thị; phát triển nông nghiệp, du lịch sinh thái gắn với xây dựng nông thôn mới…

Quốc lộ 3 qua trung tâm huyện Phú Lương.

Quốc lộ 3 qua trung tâm huyện Phú Lương.

Phía Bắc của huyện Phú Lương giáp huyện Chợ Mới (Bắc Kạn); phía Đông giáp huyện Đồng Hỷ; phía Tây giáp huyện Định Hóa, Đại Từ; phía Nam giáp TP. Thái Nguyên. Huyện có tổng diện tích tự nhiên trên 35.000ha. Trên địa bàn huyện có 4 tuyến quốc lộ đi qua, hệ thống giao thông đường tỉnh, đường huyện kết nối, cùng 118 điểm di tích, tạo thuận lợi cho người dân, du khách đến tham quan, trải nghiệm các danh thắng, di sản văn hóa ở địa phương.

Phát huy những tiềm năng, lợi thế riêng có, UBND huyện Phú Lương đã xây dựng và ban hành các chương trình, đề án, kế hoạch để triển khai thực hiện. Đồng chí Nguyễn Hoàng Mác, Chủ tịch UBND huyện Phú Lương, cho biết: Huyện đã chủ động xây dựng Quy hoạch vùng huyện Phú Lương đến năm 2045. Cùng với đó là đẩy mạnh thu hút đầu tư, huy động các nguồn lực đầu tư phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, thương mại - dịch vụ; xây dựng đồng bộ kết cấu hạ tầng, từng bước nâng cao chất đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân…

Thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội

Chọn giao thông làm khâu đột phá, huyện Phú Lương chú trọng thực hiện các dự án, đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại, mang tính liên kết vùng. Giai đoạn 2020-2024, toàn huyện đã đầu tư 343 công trình, dự án giao thông, với tổng kinh phí 274 tỷ đồng. Có thể kể đến một số công trình giao thông trọng điểm như: Mở rộng, nâng cấp các tuyến đường huyện Gốc Bàng - Làng Hin; Đu - Khe Mát; ATK - Phủ Lý - Hợp Thành; Dốc võng - Trại giam Phú Sơn 4 - Vô Tranh…

Hạ tầng giao thông kết nối với các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ không chỉ tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại của người dân mà còn là tiền đề quan trọng để địa phương thu hút đầu tư. Trên cơ sở tiềm năng, lợi thế sẵn có, huyện Phú Lương đẩy mạnh thu hút đầu tư phát triển nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ; chế biến chè; chăn nuôi công nghệ cao; hạ tầng cụm công nghiệp và khu dân cư, khu đô thị…

Từ năm 2021 đến nay, huyện đã thu hút được 34 dự án ngoài ngân sách, trong đó có 13 dự án đã và đang triển khai giải phóng mặt bằng, thi công; 18 dự án đang được khảo sát, lựa chọn nhà đầu tư; 3 dự án đang hoàn thiện thủ tục đầu tư. Các dự án này góp phần tăng thu ngân sách cho địa phương lên hơn 151 tỷ đồng năm 2024 (tăng 67% so với kế hoạch giao).

Ông Vũ Văn Hậu, Phó Giám đốc Công ty CP Đầu tư xây dựng và Phát triển đô thị Thăng Long Thái Nguyên, thông tin: Chúng tôi đang triển khai Dự án xây dựng hạ tầng Cụm công nghiệp Yên Lạc quy mô 25,6ha, với tổng mức đầu tư 265 tỷ đồng. Công ty đang phối hợp với các phòng, ban của huyện Phú Lương, UBND xã Yên Lạc rà soát hồ sơ, tiến hành chi trả đền bù đối với toàn bộ phần diện tích đã được UBND huyện Phú Lương ban hành quyết định thu hồi đất.

Chè là cây trồng chủ lực được huyện Phú Lương ưu tiên đầu tư phát triển.

Chè là cây trồng chủ lực được huyện Phú Lương ưu tiên đầu tư phát triển.

Xác định nông nghiệp là một trụ đỡ quan trọng của nền kinh tế, huyện Phú Lương tập trung phát triển cây trồng thế mạnh là chè. Với diện tích chè hơn 4.100ha, những năm qua, huyện Phú Lương đã chỉ đạo các phòng chuyên môn hỗ trợ người dân máy móc, hệ thống tưới nước tự động, phân bón và thuốc bảo vệ thực vật sinh học để sản xuất chè theo tiêu chuẩn VietGAP, hướng hữu cơ…

Năm 2024, sản lượng chè búp tươi toàn huyện đạt 47.406 tấn (tăng hơn 1.100 tấn so với năm 2023); giá trị thu được trên 1ha trồng chè đạt trên 350 triệu đồng (tăng khoảng 10% so với năm 2023). Địa phương có 16 sản phẩm chè được công nhận OCOP từ 3-4 sao.

Người dân mua hàng tại Siêu thị C'mart (thị trấn Đu).

Người dân mua hàng tại Siêu thị C'mart (thị trấn Đu).

Hướng tới phát triển bền vững

Những kết quả trên là minh chứng rõ nét, cho thấy sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt của cấp ủy, chính quyền các cấp và sự chung sức đồng lòng của các tầng lớp nhân dân. Chủ tịch UBND huyện Nguyễn Hoàng Mác cho biết thêm: Thời gian tới, huyện tiếp tục thực hiện tốt công tác quản lý Quy hoạch xây dựng vùng huyện Phú Lương đến năm 2045. Cùng với đó là cải thiện môi trường đầu tư, tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp. Chúng tôi ưu tiên phát triển những ngành, sản phẩm có lợi thế cạnh tranh như logistic, công nghiệp... qua đó góp phần tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân.

Tin tưởng rằng, với việc tập trung xây dựng hạ tầng giao thông, đồng thời đẩy mạnh thực hiện quy hoạch chi tiết các khu dân cư, khu đô thị, khu thương mại - dịch vụ, cụm công nghiệp... Phú Lương sẽ khai thác tốt tiềm năng, lợi thế để phát triển nhanh, bền vững.

Năm 2024, giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản trên địa bàn huyện Phú Lương đạt trên 1.400 tỷ đồng (tăng 3,5% so với năm trước); giá trị sản xuất công nghiệp địa phương đạt 681,1% (tăng 12%)...

Thu nhập bình quân đầu người đạt 55,65 triệu đồng/người (tăng 3,05 triệu đồng so với năm 2023); tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 1,78%...

Vi Vân

Nguồn Thái Nguyên: https://baothainguyen.vn/trang-dia-phuong/huyen-phu-luong/202501/phu-luong-phat-huy-vai-tro-cua-ngo-phia-bac-63913a1/