Phòng lũ ở công trình 'đại thủy nông'

Hồ Núi Cốc là công trình thủy lợi lớn với dung tích lên tới vài trăm triệu mét khối, có tác động đến sản xuất nông nghiệp và phòng, chống lụt bão không chỉ của Thái Nguyên mà cả một số tỉnh vùng hạ du.

Hồ Núi Cốc là công trình thủy lợi lớn với dung tích lên tới vài trăm triệu mét khối, có tác động đến sản xuất nông nghiệp và phòng, chống lụt bão không chỉ của Thái Nguyên mà cả một số tỉnh vùng hạ du. Do vậy, công tác bảo vệ, điều tiết hồ chứa của công trình “đại thủy nông” này luôn được tỉnh đặc biệt quan tâm, nhất là vào mùa mưa bão.

Thời gian vừa qua, tình hình biến đổi khí hậu, thiên tai diễn biến ngày càng cực đoan, khó lường, nắng nóng gay gắt kéo dài, mưa lớn cục bộ diễn ra tại nhiều địa phương đã tác động lớn đến đời sống xã hội.

Từ đầu mùa mưa bão đến nay, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra một số trận mưa lớn cục bộ gây thiệt hại đáng kể đến tài sản, hoa mầu của người dân. Dự báo, những ngày tới, tình hình mưa bão tiếp tục có diễn biến phức tạp, bất thường. Điều này đặt công tác phòng, chống lụt bão, nhất là tại các hồ chứa nước lớn như Núi Cốc vào tình trạng khẩn cấp và đặc biệt quan trọng.

Theo Công ty TNHH Một thành viên Khai thác thủy lợi Thái Nguyên (đơn vị được giao quản lý công trình hồ Núi Cốc), tại thời điểm hiện nay, mực nước hồ đang ở cao trình trên 44m, tức là mức an toàn, nhưng khi có mưa lớn trên thượng nguồn, mực nước hồ sẽ dâng tới cao trình 46m hoặc trên 48m, dung tích có thể đến trên 231 triệu m3. Nếu điều này xảy ra, một số khu vực trong lòng hồ (không ngoại trừ nhà ở) có thể bị ngập.

Điều đáng nói là, năm nay cũng có thể xuất hiện lũ vượt tần suất thiết kế với mực nước trên cao trình 48,25m (cao trình lớn nhất theo thiết kế của hồ trong mùa mưa bão), sẽ tác động rất lớn không chỉ đến khu vực lòng hồ mà còn cả vùng hạ du của hồ.

Trước thực tế trên, Công ty đã xây dựng phương án vận hàng điều tiết hồ Núi Cốc theo quy trình đã được Bộ Nông nghiệp và PTNT phê duyệt để vừa đảm bảo an toàn công trình, vừa phòng chống lũ lụt, giảm thiểu thiệt hại cho người, tài sản vùng thượng lưu và hạ du của hồ. Đồng thời cũng đảm bảo tích nước cho sản xuất nông nghiệp và cho các nhu cầu dùng nước khác trên địa bàn.

Theo đó, khi mực nước lên cao trình trên 48,25m thì sẽ phải vận hành điều tiết xả lũ ở 5 cửa tràn với lượng nước có thể lên tới 1.470m3/giây; khu vực thượng lưu là các xã: Tân Thái, Vạn Thọ, Hùng Sơn, Lục Ba, Bình Thuận, Ký Phú (Đại Từ); Phúc Xuân, Phúc Trìu (TP. Thái Nguyên) và Phúc Thuận (TP. Phổ Yên) có thể bị ngập úng.

Do đó, chính quyền các địa phương và người dân vùng thượng lưu phải chủ động có phương án ứng phó. Khuyến cáo không thực hiện các hoạt động sản xuất, kinh doanh, gieo trồng trong khu vực lòng hồ và vùng bán ngập khi mực nước ở cao trình từ 46,2m đến trên 48,25m.

Đối với khu vực hạ du, gồm các xã: Phúc Trìu, Tân Cương, Thịnh Đức (TP. Thái Nguyên); xã Bình Sơn và các phường: Bá Xuyên, Châu Sơn, Thắng Lợi, Phố Cò (TP. Sông Công); các xã, phường: Minh Đức, Đắc Sơn, Vạn Phái, Nam Tiến, Trung Thành, Thuận Thành (TP. Phổ Yên), cần phải có phương án phòng tránh kịp thời; chủ động sản xuất, sinh hoạt, hạn chế các hoạt động trong phạm vi hành lang thoát lũ hai bên bờ sông Công. Đặc biệt lưu ý về an toàn giao thông cho người và tài sản khi mực nước dâng cao do điều tiết nước từ hồ Núi Cốc...

Như vậy có thể thấy, mức độ ảnh hưởng của hồ Núi Cốc khi phải điều tiết nước do mưa lũ tới các địa phương trong tỉnh lớn thế nào. Do đó, ngoài các phương án phòng, chống lũ lụt hiệu quả của chính quyền các địa phương, rất cần sự chủ động, cập nhật thông tin và điều tiết sản xuất, sinh hoạt của từng hộ dân vùng ảnh hưởng.

Nguồn Thái Nguyên: https://baothainguyen.vn/thoi-su-trong-tinh/202307/phong-lu-o-cong-trinh-dai-thuy-nong-9d86cb6/