Phòng không Việt Nam đã tiếp nhận, làm chủ S-300PMU-2 và cả S-400 hiện đại?

Trong một phóng sự mới đây của kênh truyền hình QPVN, theo tiết lộ mới nhất, Quân chủng Phòng không - Không quân thời gian qua đã tiếp nhận, làm chủ nhiều khí tài hiện đại trong đó có tổ hợp S-300PMU-2 và đáng chú ý là S-400 cũng được nhắc tới.

Là một trong những lực lượng được Bộ quốc phòng ưu tiên tiến thẳng lên hiện đại, Quân chủng Phòng không - Không quân hiện nay đã có cho mình những vốn liếng đáng kể, có thể nói là thuộc hàng đầu khu vực, đủ sức bảo vệ vững chắc chủ quyền đất nước, không để Tổ quốc bất ngờ từ trên không. Ảnh: Đội hình tiêm kích Su-30MK2 bay tuần tiễu trên biển.

Đặc biệt mới đây, trong một phóng sự phát sóng trên kênh truyền hình QPVN đã lần đầu tiên công bố về những tổ hợp phòng không mạnh nhất của lực lượng Phòng không Việt Nam. "Cùng với sự đầu tư của trên, quân chủng đã chủ động quy hoạch, tiếp nhận và khai thác, làm chủ nhiều loại vũ khí trang bị khí tài mới, cải tiến, hiện đại như tổ hợp tên lửa S-300 PMU-2, S-400" - đoạn trích đáng chú ý của phóng sự nêu trên. Ảnh: Radar nhìn vòng của trận địa phòng không.

Đây là một thông tin bất ngờ khi từ trước đến nay chúng ta chỉ mới được biết rằng Việt Nam đang vận hành 2 tiểu đoàn sử dụng tổ hợp tên lửa phòng không tầm xa S-300PMU-1 bảo vệ thủ đô Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh. Chưa hề có bất cứ một thông tin gì trước đó về việc Việt Nam đàm phán mua hay sở hữu, làm chủ S-400 từ truyền thông cả trong và ngoài nước. Ảnh: Bộ đội Việt Nam triển khai vận hành xe phóng tổ hợp S-300PMU-1.

Hiện nay, S-400 là tổ hợp phòng không tầm xa tiên tiến nhất do Nga nghiên cứu phát triển, có khả năng đánh chặn cả tên lửa đạn đạo chiến dịch - chiến lược, tên lửa hành trình của đối phương. Trung Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ đã chính thức đưa S-400 vào biên chế trong khi đó Ấn Độ đã đặt mua và Nga đang gấp rút hoàn thành hợp đồng. Ngoài ra, rất nhiều quốc gia khác cũng đang bày tỏ quan tâm đến tổ hợp này. Ảnh: Tổ hợp tên lửa phòng không S-400 trong một cuộc duyệt binh trên Quảng trường Đỏ.

Từ đầu những năm 2000 khi đặt mua tổ hợp tên lửa phòng không S-300PMU-1, quân đội ta đã lựa chọn cấu hình sử dụng radar 96L6E vốn là radar của tổ hợp S-400 sau này, đây có thể là một bước đi có tính toán sau này. Ảnh: Bộ đội Việt Nam triển khai chiến đấu với radar 96L6E - Nguồn: TL.

Đài radar nhìn vòng mọi độ cao 96L6E là sản phẩm của Phòng thiết kế KB Lira. Nó có ưu điểm cực kỳ đặc biệt là khả năng bắt thấp và bắt cao trong cùng một thiết kế. Ngoài ra còn có thể bắt mục tiêu ở độ cao thấp đến rất thấp, tính năng cực kỳ quan trọng trong việc phát hiện tên lửa đạn đạo chiến thuật - chiến dịch, tên lửa hành trình và cả mục tiêu bay tàng hình. Khả năng phát hiện đồng thời 100 mục tiêu và tầm trinh sát tối đa lên tới 300km. Đây chính là radar tìm kiếm mục tiêu tiêu chuẩn của tổ hợp S-400. Ảnh: Radar 96L6E của Việt Nam trong trạng thái chiến đấu.

Nếu Việt Nam đặt mua tổ hợp S-400 trong bối cảnh hiện nay cũng có thể xem là hợp lý. Khi mà Nga đang gấp rút chế tạo các tổ hợp S-400 để chuyển giao cho quân đội Ấn Độ, Việt Nam sẽ có thể tận dụng ngay dây chuyền đang hoạt động, đồng thời rút ngắn thời gian chế tạo và giảm giá thành đi đáng kể. Ảnh: Các tổ hợp S-400 trong cuộc duyệt binh trên Quảng trường Đỏ.

Tổ hợp S-400 Triumf ngoài việc có thể sử dụng các tên lửa của tổ hợp S-300PMU trước đó thì còn được bổ sung thêm 4 loại tên lửa mới hiện đại hơn. Đầu tiên là loại 48N6DM (48N6E3), đây là một biến thể cải tiến của tên lửa 48N6M sử dụng bởi các tổ hợp S-300PMU với hệ thống động cơ đẩy mạnh mẽ hơn, có thể tiêu diệt các mục tiêu trên không trong phạm vi 250km. Ảnh: Tổ hợp tên lửa phòng không S-400 Triumf của Nga.

Đạn tên lửa 40N6 mới có tầm bắn tối đa lên tới 400km, sử dụng radar chủ động để đánh chặn các mục tiêu trên không ở khoảng cách xa. Nó có thể dùng để chống lại các mục tiêu bay gây nhiễu mạnh, cũng như các mục tiêu có giá trị cao khác. Ngoài ra còn 2 loại tên lửa 9M96E và 9M96E2 đối không tầm trung, dùng để tấn công chính xác các loại mục tiêu di chuyển vận tốc nhanh với xác xuất đánh chặn cao, tầm bắn tối đa 120km. Ảnh: Đội hình tổ hợp tên lửa S-400 của Nga đi duyệt binh.

Dựa vào những tiết lộ trong phóng sự của QPVN, nếu quả thật Việt Nam đưa vào trang bị các tổ hợp tên lửa phòng không tầm xa S-400 Triumf thì đây sẽ là một điều vô cùng đáng mừng. Điều này giúp nâng cao sức mạnh phòng thủ trên không của Quân chủng Phòng không - Không quân lên rõ rệt, tăng cường khả năng đánh chặn đối với các loại tiêm kích tàng hình, oanh tạc cơ, tên lửa đạn đạo của đối phương, đồng thời kết hợp với các tổ hợp S-300PMU, S-125-2TM, S-75M3, Spyder,.. tạo thành thế trận phòng thủ liên hoàn, vững chắc. Ảnh: Bộ đội huấn luyện triển khai tổ hợp S-300PMU-1.

Hơn thế nữa, nếu như triển khai S-400 Triumf ở khu vực miền duyên hải nam trung bộ Việt Nam có thể bao quát một khu vực không phận trên biển rất lớn, tạo ô phòng không che đầu hiệu quả cho hạm đội hải quân của ta tác chiến vốn thiếu thốn năng lực phòng không tầm trung và xa. Ảnh: Quân cảng Cam Ranh, nơi hội tụ những tàu chiến ưu tú nhất của Hải quân Việt Nam nhìn từ trên cao.

Như vậy, dù chỉ mới được đưa tin trên truyền hình và chưa có thông tin cụ thể hay hình ảnh chính thức, tuy nhiên chúng ta có thể hoàn toàn hi vọng rằng S-400 Triumf sẽ sớm chính thức có mặt trong biên chế Quân đội nhân dân Việt Nam. Với những ưu điểm vượt trội mà hệ thống phòng không này mang lại, giúp nâng cao hơn nữa khả năng phòng thủ Tổ quốc từ bầu trời, phát huy truyền thống quý báu của bộ đội tên lửa trong lịch sử. Ảnh: Một phần tổ hợp S-400 của Thổ Nhĩ Kỳ được vận chuyển lên máy bay vận tải.

Phóng sự Xây dựng lực lượng Phòng Không - Không quân tinh gọn - Tập 3 - Có nhắc đến việc Việt Nam làm chủ hệ các tổ hợp phòng không hiện đại như S-300PU-1 và cả S-400 - Nguồn: QPVN

Hùng Dũng

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: https://kienthuc.net.vn/quan-su/phong-khong-viet-nam-da-tiep-nhan-lam-chu-s-300pmu-2-va-ca-s-400-hien-dai-1418762.html