Phòng, chống tham nhũng gắn với thực thi công vụ

Chú trọng quán triệt các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về phòng, chống tham nhũng (PCTN); thực hiện công khai, minh bạch về tổ chức và hoạt động; triển khai đồng bộ, kịp thời nhiều nhiệm vụ, giải pháp phù hợp, thiết thực, hiệu quả… Đó là những cách làm được áp dụng trong công tác PCTN tại các cơ quan Thi hành án dân sự (THADS) của tỉnh.

Lãnh đạo và thẩm tra viên Cục THADS tỉnh kiểm tra lại các quyết định liên quan đến công tác THADS trước khi đăng tải công khai trên Cổng thông tin điện tử của đơn vị.

Lãnh đạo và thẩm tra viên Cục THADS tỉnh kiểm tra lại các quyết định liên quan đến công tác THADS trước khi đăng tải công khai trên Cổng thông tin điện tử của đơn vị.

Trao đổi với chúng tôi, ông Bùi Huy Toàn, Cục phó Cục THADS tỉnh, cho biết: THADS là khâu cuối trong quá trình tố tụng và là quy trình hiện thực hóa các bản án, quyết định của tòa án. Hoạt động này liên quan trực tiếp đến quyền, lợi ích của tổ chức, cá nhân. Bên cạnh việc thường xuyên vấp phải sự trốn tránh, chây ỳ, chống đối, xúc phạm, đe dọa của đương sự thì cũng có không ít những cám dỗ. Bởi vậy, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, công chức trong công tác PCTN, tiêu cực là nội dung được ngành THADS Thái Nguyên đặc biệt chú trọng.

Trước hết, để cán bộ, công chức “thấm nhuần” trong tư tưởng, Cục THADS thường xuyên tuyên truyền, quán triệt các chỉ thị, nghị định, quyết định, đề án… về PCTN thông qua các cuộc họp giao ban, ban hành văn bản triển khai, qua công tác kiểm tra chuyên đề… Ngay từ đầu năm 2022, Cục cũng đã ban hành kế hoạch PCTN, tiêu cực trong cơ quan THADS trên địa bàn tỉnh và kế hoạch kiểm tra công tác THADS và án hành chính.

Trong các biện pháp PCTN, ngành THADS Thái Nguyên thực hiện công khai, minh bạch về tổ chức và hoạt động. Công tác cải cách hành chính được chú trọng, mỗi đơn vị từ Cục đến các chi cục đều thành lập bộ phận một cửa liên thông trong tiếp nhận và giải quyết thủ tục. Hiện nay, các cơ quan THADS trên địa bàn tỉnh đang sử dụng phần mềm thụ lý, quản lý và phần mềm thống kê THA, phần mềm hỗ trợ trực tuyến trong quá trình nhận hồ sơ. Việc chi tiền THA chủ yếu được thực hiện qua hình thức chuyển khoản qua hệ thống ngân hàng, hạn chế thấp nhất việc chi tiền mặt nhằm tránh tình trạng tham nhũng vặt.

Bên cạnh đó, hoạt động mua sắm tài sản công được thực hiện tập trung, tránh thất thoát tài sản của Nhà nước. Việc thu, chi ngân sách đều được thực hiện đúng theo quy định. Các quyết định trong hoạt động thanh, kiểm tra; quyết định chưa có điều kiện THA; quyết định khiếu nại lần 2; lựa chọn tổ chức thẩm định giá, bán đấu giá… đều được đăng tải trên Cổng thông tin điện tử của Cục, Tổng cục THADS để người dân, doanh nghiệp biết, từ đó thực hiện quyền và lợi ích hợp pháp của mình. Điều này cũng giúp cho công tác THADS được minh bạch, tránh tình trạng thâu tóm hay lợi ích nhóm.

Trong xử lý các khoản thu khi có quyết định THA, ngoài tiến hành các trình tự thủ tục như tống đạt, thông báo…, chấp hành viên còn phải tổ chức thu tiền bằng biên lai, nhập phiếu thu nộp vào quỹ theo quy định. Đối với các khoản tiền thu được theo đơn yêu cầu, chấp hành viên thông báo và chi trả, nếu người được THA chưa đến nhận thì chấp hành viên làm thủ tục đề nghị gửi tiết kiệm cho người được thụ hưởng. Còn đối với tiền chủ động như án phí, tịch thu, truy thu… chấp hành viên phải làm bảng kê chuyển kế toán và nộp vào ngân sách Nhà nước. Nhờ làm tốt những nội dung này nên những năm qua, Cục THADS tỉnh không để xảy ra tình trạng chậm hay tồn tiền mặt tại đơn vị, từ đó, phòng, chống được tham nhũng, tiêu cực.

Còn đối với nội dung PCTN, tiêu cực trong công tác thẩm định giá và bán đấu giá tài sản THA, theo ông Nguyễn Văn Chinh, Trưởng phòng Nghiệp vụ và Tổ chức THA (Cục THADS tỉnh): Những năm gần đây, tuy số lượng tài sản bán đấu giá giảm nhưng giá trị tài sản ngày càng lớn. Việc xử lý số tài sản này luôn ảnh hưởng trực tiếp đến quyền, lợi ích của tổ chức, cá nhân có liên quan, chấp hành viên cũng thường phải đối mặt với những cám dỗ dẫn đến nguy cơ xảy ra tiêu cực, tham nhũng. Hơn nữa, trong quá trình THA, chỉ cần một sai sót nhỏ, chấp hành viên phải đối mặt với khiếu nại, tố cáo từ đương sự hoặc nguy cơ bồi thường thiệt hại cho Nhà nước. Do đó, để phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực, chúng tôi luôn đề cao công tác giáo dục, rèn luyện cán bộ cả về chuyên môn nghiệp vụ và đạo đức, phát huy vai trò trách nhiệm, sự gương mẫu của lãnh đạo, người đứng đầu…

Bên cạnh những giải pháp trên, ngành THADS tỉnh còn thực hiện nghiêm quy định chuyển đổi vị trí công tác đối với lãnh đạo các cơ quan THADS giữ chức vụ 2 nhiệm kỳ liên tiếp và định kỳ chuyển đổi vị trí công tác đối với kế toán, chấp hành viên theo quy định. Song song với công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, việc tiếp nhận, xử lý thông tin báo chí và các phản ánh, tố giác, tin báo về hành vi tham nhũng, gây phiền hà qua đường dây nóng của các đơn vị, hòm thư góp ý được Ngành chú trọng nhằm kịp thời phát hiện, chấn chỉnh, xử lý hành vi tiêu cực. Nhờ vậy mà những năm qua, các cơ quan THADS trong tỉnh chưa phát hiện trường hợp nào vi phạm liên quan đến tham nhũng, tiêu cực.

Hoàng Anh

Nguồn Thái Nguyên: https://baothainguyen.vn/tin-tuc/chinh-tri/phong-chong-tham-nhung-gan-voi-thuc-thi-cong-vu-302733-97.html