Phòng, chống sạt lở đất: Thêm cơ chế - Bớt nguy cơ
Sạt lở đất vẫn luôn là nỗi lo thường trực, nguy cơ ảnh hưởng đến tính mạng, tài sản người dân trong mùa mưa bão. Cũng như mọi năm, bước vào mùa mưa bão năm nay, nhiều giải pháp phòng, chống sạt lở đất đã được cơ quan chuyên môn và các địa phương trong tỉnh triển khai.
Khu vực đang sạt lở đất tại xóm Thái Trung, xã Quy Kỳ (Định Hóa) là một trong những điểm có nguy cơ ảnh hưởng lớn đến tính mạng, tài sản của người dân trong mùa mưa bão năm nay. Tại đây, taluy dương cao 35-40m, dài hàng trăm mét gần mặt đường, đã bị sạt lở một phần, đất vùi lấp phía sau nhà chị Hoàng Thị Thắm, khiến gia đình chị phải bỏ nhà cũ, làm nhà tạm gần đó. Đồng thời, đất sạt, tràn lên tường rào của gia đình anh Bùi Xuân Tiệp và đang có dấu hiệu tiếp tục trôi, trượt xuống phía dưới. Anh Bùi Xuân Tiệp nói: Lo lắm! Mỗi khi mưa lớn, gia đình tôi lại phải di chuyển đến nơi ở khác để đảm bảo an toàn tính mạng. Chúng tôi mong được sớm hạ taluy, xử lý dứt điểm khu vực có nguy cơ sạt lở này.
Cũng có nhà nằm dưới taluy dương cao khoảng 50-60m, gia đình bà Đoàn Thị Cậy, tổ dân phố An Long, thị trấn Hùng Sơn (Đại Từ) luôn lo lắng khi mùa mưa bão tới. Bà Cậy cho biết: Cách đây 2 năm, đất sạt lở vùi lấp đến ngang tường nhà nên gia đình tôi đã nhiều lần kiến nghị chính quyền địa phương hỗ trợ hạ taluy dương, nhưng đến nay chưa được thực hiện.
Theo thống kê của Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh, trên địa bàn tỉnh có trên 200 điểm có nguy cơ sạt lở đất tại 149 xóm, tổ dân phố của 55 xã, phường, thị trấn, ảnh hưởng đến trên 2.200 hộ dân, cơ quan, đơn vị và hơn 8.500 người dân.
Qua khảo sát của các địa phương, cơ quan chuyên môn, nguyên nhân dẫn đến sạt lở đất trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên là do địa chất, hình thái, cấu trúc đất và hoạt động của con người tác động. Trong đó, nguyên nhân lớn nhất vẫn từ sự tác động của con người gây suy giảm cây rừng, hệ thống thực vật bảo vệ đất; tự ý đào đất, làm nhà dưới các taluy dương…
Đối với các điểm có nguy cơ sạt lở đất, tỉnh Thái Nguyên và các địa phương đã triển khai nhiều giải pháp phòng, chống, bảo đảm an toàn, tính mạng cho người dân như: Thường xuyên rà soát điểm có nguy cơ sạt lở, cảnh báo tới người dân; kịp thời sơ tán người dân khi có mưa lớn, thiên tai; san gạt, hạ thấp taluy dương; xây kè chống sạt lở; xây dựng khu tái định cư, di chuyển người dân đến nơi ở an toàn; kịp thời sơ tán người dân khi có mưa lớn, nguy cơ sạt lở… Đặc biệt, những năm gần đây, các địa phương đã siết chặt quản lý, không quy hoạch đất ở tại khu vực có nguy cơ sạt lở; không cấp phép, ngăn chặn người dân tự ý làm nhà dưới taluy dương… Ngoài ra, một số địa phương cũng linh hoạt, dùng đất hạ taluy để san lấp tại chỗ, làm đường giao thông nông thôn. Ông Trần Đăng Minh, Phó Chủ tịch UBND, Phó Trưởng Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn huyện Đại Từ, cho biết: Huyện chỉ đạo rất quyết liệt, tuyên truyền, ngăn chặn người dân tự ý bạt đồi, làm nhà dưới các taluy dương. Chúng tôi cũng không quy hoạch đất ở, khu dân cư tại các khu vực có nguy cơ sạt lở.
Những giải pháp trước mắt, lâu dài để phòng, chống sạt lở đất đã được các cơ quan chức năng, địa phương trên địa bàn tỉnh triển khai. Tuy nhiên, công tác này vẫn gặp không ít khó khăn, vướng mắc, tập trung vào việc hạ taluy, chuyển đất đi nơi khác.
Khu vực sạt lở đất tại xóm Thái Trung, xã Quy Kỳ (Định Hóa) là một ví dụ. Giữa năm 2021, huyện đã san gạt, hạ taluy đất nhưng sau đó khu vực này tiếp tục bị sạt lở và đến nay chưa thể khắc phục. Ông Lý Văn Thắng, Phó Chủ tịch UBND, Phó Trưởng Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai huyện Định Hóa phân tích: Trong trường hợp vị trí nguy cơ sạt lở không được xác định là thiên tai cấp bách thì việc xử lý sạt lở vẫn phải lập hồ sơ thẩm định phê duyệt phương án thực hiện dự án và đấu thầu lựa chọn đơn vị thi công theo đúng quy trình, quy định. Như vậy, quá trình thực hiện kéo dài, ảnh hưởng đến công tác khắc phục, xử lý nguy cơ sạt lở.
Theo đại diện các cơ quan chuyên môn, siết chặt quy định trong vận chuyển đất nhằm ngăn chặn tình trạng lợi dụng phòng, chống sạt lở, khai thác tài nguyên đất. Đây là việc làm cần thiết, nhưng lại gây khó khăn trong xử lý các điểm có nguy cơ sạt lở. Vì vậy, các địa phương, cơ quan chuyên môn kiến nghị cần có cơ chế thông thoáng và hiệu quả hơn xử lý vấn đề này.
Bên cạnh đó, giải pháp xây dựng khu tái định cư, di dời người dân khỏi nơi có nguy cơ sạt lở cũng gặp nhiều khó khăn. Ông Trần Đăng Minh, Phó Chủ tịch UBND, Phó Trưởng Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai huyện Đại Từ, cho rằng: Nếu nguyên nhân do tự nhiên, chính quyền địa phương mới đánh giá nguy cơ, từ đó xây dựng phương án tái định cư. Tuy nhiên, trên địa bàn huyện Đại Từ cũng như các địa phương khác trong tỉnh, người dân phần lớn tự đào, cắt tầng đất, tự tạo ra taluy dương, nguy cơ sạt lở vào nhà mình. Trong trường hợp này, chính quyền địa phương chỉ cảnh báo, hỗ trợ di chuyển khẩn cấp chứ không thể bố trí tái định cư. Ngoài ra, quá trình xây dựng tái định cư cũng mất rất nhiều thời gian và một số khu tái định cư phòng chống thiên tai chưa phát huy được hết hiệu quả.
Dự báo, năm nay và thời gian tới, tình hình thiên tai sẽ có diễn biến phức tạp, khó lường, nhiều khả năng có các đợt mưa lớn kéo dài gây sạt lở đất. Cùng với công tác cảnh báo, hỗ trợ người dân di chuyển khẩn cấp, các địa phương cần chủ động, quyết liệt, có giải pháp dài hơi để xử lý dứt điểm các khu vực có nguy cơ sạt lở. Đồng thời, người dân trong vùng nguy cơ cũng cần đề cao cảnh giác, chủ động phòng, chống sạt lở, di chuyển sớm để bảo đảm an toàn tính mạng cho bản thân và gia đình.