Phòng, chống khai thác IUU ở vùng biển Trường Sa

Tại quần đảo Trường Sa, công tác phòng, chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU) được triển khai và ngư dân luôn có tinh thần tự giác, xem việc trình báo về hải trình, phương thức đánh bắt... vừa đảm bảo quyền lợi, vừa là nghĩa vụ của mình. Mỗi khi cập vào âu tàu, các ngư dân đều đến trình báo, làm thủ tục đăng ký với cán bộ Biên phòng dưới gốc cây phong ba ở đảo Trường Sa, hoặc tại Trạm Kiểm soát Biên phòng đảo Đá Tây A.

Bà con ngư dân đang ngày đêm bám biển Trường Sa, vừa đánh bắt hải sản, vừa tích cực tham gia bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc. Ảnh: Văn Chương

Bà con ngư dân đang ngày đêm bám biển Trường Sa, vừa đánh bắt hải sản, vừa tích cực tham gia bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc. Ảnh: Văn Chương

Tấp nập mùa cá

Những ngày giữa tháng 5, có hàng trăm tàu đánh cá liên tục ra vào âu tàu ở đảo Trường Sa Lớn, riêng ngư dân ở cửa biển Cà Ná, tỉnh Ninh Thuận là 232 tàu. Trên tàu cá NT90182TS, do ngư dân Đỗ Phúc, quê ở xã Thanh Hải, huyện Ninh Hải, tỉnh Ninh Thuận làm thuyền trưởng, sau chặng đường dài ra đảo, các ngư dân cập bến làm thủ tục theo quy định. Thiếu tá Nguyễn Trọng Khanh, nhân viên kiểm soát hành chính của Đồn Biên phòng Trường Sa, BĐBP Khành Hòa hỏi thăm tình hình bà con ngư dân và không quên câu “Xin chào bà con đất liền đến với huyện đảo Trường Sa thân yêu!”.

Thủ tục kiểm tra, kiểm soát tàu đánh cá của bà con ngư dân khác với đất liền ở chỗ, ngoài các bước kiểm tra thiết bị giám sát hành trình, ngư lưới cụ đánh bắt trên tàu, cán bộ Biên phòng còn nhắc nhở bà con về bảo vệ môi trường sinh thái của biển. Thiếu tá Khanh chỉ về phía đồn Biên phòng và nói với các ngư dân: Ở vùng biển đảo này, tất cả các cơ quan đều có lò đốt rác, vì vậy, bên cạnh việc chấp hành các quy định, không đánh bắt vượt ranh giới đã được ấn định trên thiết bị, bà con cần phải chấp hành việc không ném rác bừa bãi xuống biển.

Thuyền trưởng Phúc cho biết, vào mùa này, khu vực cách bờ khoảng 100 hải lý xuất hiện gió Nam thổi mạnh, vậy là tàu đánh cá của bà con ngư dân các tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận, Khánh Hòa, Phú Yên, Quảng Ngãi đang đổ ra quần đảo Trường Sa. Chúng tôi luôn chấp hành tốt các quy định về chống khai thác IUU, chỉ lo ngại là nhóm tàu dưới 15 mét vượt tuyến lộng ra tuyến khơi, là nhóm tàu được miễn không lắp thiết bị giám sát hành trình.

Kể về việc “tự giác chấp hành”, ngư dân Đỗ Văn Tâm, quê ở xã Tam Giang, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam cho biết, tâm lý của người dân biển, nhất là ngư dân làm nghề câu mực khơi ở quần đảo Trường Sa, đó là khi đi càng xa thì càng cần sự hỗ trợ lẫn nhau, khi vô đảo thì mong gặp được anh em BĐBP. Tình người ở nơi xa xôi này mặn mà rất khó tả. Cũng từ tình người đó, khi anh em BĐBP nhắc tới việc chống khai thác IUU thì từ thuyền trưởng tới thuyền viên đều kể ra một loạt quy định và tự mình cam kết sẽ chấp hành tốt.

Theo sát các địa phương

Vào đầu tháng 5, tình hình thời tiết ở khu vực quần đảo Trường Sa khá bình lặng. Tàu thuyền càng đổ ra vùng biển Trường Sa để làm nghề lưới vây rút, câu mực, mành đèn... Trên thiết bị giám sát hành trình hiển thị và số liệu từ huyện đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi cho thấy, ngư dân ở tận đảo Lý Sơn nhưng vẫn đang có mặt tại quần đảo Trường Sa với 19 tàu, trong đó có tàu làm nghề vây rút, sử dụng ánh sáng đèn.

Tình hình ngư dân đánh bắt vi phạm quy định về khai thác IUU ở nhiều tỉnh, thành phố đã giảm dần nhưng chưa chấm dứt. Những tàu vi phạm nằm trong số tàu đánh cá có chiều dài thân vỏ dưới 15 mét (theo quy định không lắp thiết bị giám sát hành trình và chỉ đánh cá ở vùng lộng). Những con tàu này thường neo đậu tại vùng biển các tỉnh Bình Thuận, Bà Rịa - Vũng Tàu, sau đó đi về hướng Trường Sa, Nhà giàn DK1, ra tới vùng biển giáp ranh. Điển hình như, những năm trước, tàu cá BĐ93196TS do ông Nguyễn Lin làm thuyền trưởng đi cắt qua Trường Sa, vượt ranh giới và bị Cảnh sát biển Malaysia bắt giữ.

Đặt câu hỏi về vấn đề này, Trung tá Nguyễn Hồng Lam, Chính trị viên Đồn Biên phòng Trường Sa cho biết, trong thời gian qua, đơn vị thường xuyên nắm bắt tình hình trên biển thông qua nhiều nguồn thông tin. Hiện nay, không có tàu loại thân vỏ dài dưới 15 mét cập vào âu tàu ở Trường Sa. Nếu phát hiện thì đơn vị lập biên bản xử lý, vì theo quy định, tàu này chỉ được đánh bắt khu vực gần bờ.

Cán bộ Đồn Biên phòng Trường Sa tuyên truyền cho ngư dân về phòng, chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU). Ảnh: Văn Chương

Cán bộ Đồn Biên phòng Trường Sa tuyên truyền cho ngư dân về phòng, chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU). Ảnh: Văn Chương

Đảo Phú Quý, tỉnh Bình Thuận là một trong những đảo gần với quần đảo Trường Sa. Các ngư dân Đỗ Văn Hòa, Đặng Văn Thanh và Trần Văn Một, quê ở huyện đảo Phú Quý cho biết, họ đã ra quần đảo Trường Sa từ tháng 2. Cả 3 ngư dân nói về sự tự giác của bà con và không để BĐBP nhắc nhở nhiều, đó là “nếu anh em đi trên tàu mà thấy máy định vị mất tín hiệu, hoặc chập chờn là ngay lập tức lo khắc phục”.

Phối hợp bờ - đảo

Tại huyện đảo Phú Quý, chỉ tính riêng trong tháng 4/2024, có 348 tàu cá với 2.681 ngư dân xuất bến ra quần đảo Trường Sa đánh bắt. Tàu cá BTh93999TS, do ngư dân Đồng Duy Khánh làm thuyền trưởng vừa từ quần đảo Trường Sa trở về và chia sẻ, khi ra Trường Sa, ngư dân được BĐBP ở Trạm Kiểm soát Biên phòng đảo Đá Tây A nhắc nhở về "2 thông suốt" (máy liên lạc, máy giám sát hành trình) và "2 đầy đủ" (phao cứu sinh, thiết bị phòng cháy, chữa cháy). Bên cạnh đó là việc nhắc nhở bà con bảo vệ môi trường, giữ màu xanh cho biển, đảo Trường Sa.

Thuyền trưởng Lê Xuân Quang, chủ tàu QNg96068TS, quê ở huyện đảo Lý Sơn, có phiên biển ở quần đảo Trường Sa từ giữa tháng 4 đến giữa tháng 5 cho biết, xuất bến được ký vào biên bản kiểm tra phương tiện, vào âu tàu ở Trường Sa tiếp tục được BĐBP đối chiếu lại lần nữa. Còn ông Võ Gia Sỹ, chủ tàu kiêm thuyền trưởng tàu cá BTh99941TS cho biết: “Đảo Phú Quý là hậu phương của Trường Sa, vì vậy mỗi khi xuất bến ra Trường Sa đánh bắt, 9 anh em ngư dân trên tàu đều nhắc nhở nhau, phải giữ chữ tín, vì ra khơi xa thì ngư dân cũng giống như người lính biên cương vừa đánh bắt, vừa bảo vệ chủ quyền biển, đảo”.

Quần đảo Trường Sa là bến đỗ của hàng nghìn con tàu, vì vậy, công tác đấu tranh chống khai thác IUU vẫn cần có sự phối hợp và nỗ lực từ các địa phương trong đất liền. Trung tá Nguyễn Hồng Lam cho biết, đơn vị vừa phát tờ rơi tới gần 400 tàu cá, tuyên truyền cho 1.434 ngư dân về quy định chống khai thác IUU. Nhìn chung, bà con ra tới vùng biển, đảo xa xôi này đều thể hiện tinh thần tự giác chấp hành, ai cũng thấm câu nói “cả nước vì Trường Sa, Trường Sa vì cả nước”.

Lê Văn Chương

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/phong-chong-khai-thac-iuu-o-vung-bien-truong-sa-post476228.html