Phòng chống cháy rừng ở địa bàn vùng núi, biên giới
Theo thống kê của Cục Lâm nghiệp và Kiểm lâm, thuộc Bộ Nông nghiệp và Môi trường, từ đầu năm 2025 đến nay, cả nước đã xảy ra hơn 160 vụ cháy rừng, với tổng diện tích rừng bị thiệt hại ước tính gần 1.500ha. Các tỉnh vùng cao, biên giới như Quảng Trị, Hà Tĩnh, Nghệ An, Lai Châu, Điện Biên và Tây Nguyên cũng như các tỉnh Tây Nam Bộ đang là những 'điểm nóng' với mức cảnh báo cháy rừng luôn ở cấp 4 (nguy hiểm), cấp 5 (cực kỳ nguy hiểm). Không chỉ thiệt hại tài nguyên rừng, cháy rừng còn gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sinh kế của người dân miền núi, hủy hoại môi trường sống của hệ động thực vật quý hiếm và tiềm ẩn nguy cơ mất an ninh biên giới khi thảm thực vật che phủ bị phá hủy.

Cán bộ, chiến sĩ BĐBP Quảng Ninh tham gia dập tắt cháy rừng. Ảnh: Quốc Phong
Lửa thiêu đốt những cánh rừng biên giới
Theo báo cáo của UBND tỉnh Kiên Giang, từ đầu năm 2025 đến nay, trên địa bàn toàn tỉnh đã ghi nhận 4 vụ cháy rừng phòng hộ, trong đó, có một vụ cháy rừng nghiêm trọng xảy ra tại xã Vĩnh Phú, huyện Giang Thành - khu vực biên giới giữa Việt Nam-Campuchia. Vụ cháy xảy ra vào 13 giờ, ngày 28/4, ở tiểu khu 7, xã Vĩnh Phú do Đội sản xuất Rộc Xây, thuộc Sư đoàn 330, Quân khu 9 quản lý. Đám cháy làm khoảng 300ha rừng bị thiệt hại, trong đó, có 60ha rừng trồng 15 tuổi và 240ha rừng tràm tái sinh. Đến 15 giờ, ngày 28/4, gió lớn đã khiến lửa cháy lan sang rừng phòng hộ do Ban quản lý rừng Kiên Giang quản lý với diện tích khoảng 71ha rừng trồng năm 2017-2018. Trong đó, có 7-10ha bị thiệt hại hoàn toàn, số còn lại có khả năng phục hồi. Nhận được tin báo, các lực lực lượng chức năng đã huy động gần 550 người, gồm Sư đoàn 330, Bộ Chỉ huy BĐBP, Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Kiên Giang, Công an tỉnh Kiên Giang và lực lượng tại chỗ, cùng với nhiều phương tiện tham gia chữa cháy xuyên đêm. Ngọn lửa đã được dập tắt, tuy nhiên sau đó bùng phát cháy trở lại.
Đến 18 giờ, ngày 29/4, lực lượng chức năng địa phương đã khống chế dập tắt được lửa và không để bùng cháy trở lại. Hiện nay, cơ quan điều tra chưa kết luận cụ thể nguyên nhân vụ cháy. Tuy nhiên, theo thông tin từ đơn vị chủ rừng là Đội sản xuất Rộc Xây, do từ đầu mùa khô đến nay không mưa, mực nước cạn kiệt, nắng nóng khô hạn diễn biến phức tạp và gay gắt, các kênh bao chung quanh rừng cạn nước, vật liệu cháy trong rừng dày và khô hanh trên toàn lâm phận rất dễ bén lửa.
Trước đó, vào lúc 12 giờ 20 phút, ngày 24/4, Bộ Tư lệnh Vùng 5 Hải quân nhận được thông báo trên địa bàn xã Gành Dầu, thành phố Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang xảy ra cháy tại khu vực bìa rừng của Vườn quốc gia Phú Quốc. Ngay sau khi nhận được thông tin, các đơn vị vũ trang gồm Bộ Chỉ huy BĐBP Kiên Giang, Bộ Tư lệnh Vùng 5 Hải quân đã điều động cán bộ, chiến sĩ mang theo dụng cụ cứu hỏa nhanh chóng đến hiện trường để phối hợp với chính quyền và nhân dân trên địa bàn khẩn trương dập lửa. Do khu vực xảy ra cháy địa hình đồi núi, cỏ mọc nhiều, thực bì dày, có nhiều lá và cành cây khô nên lửa nhanh chóng bùng phát, lan rộng khiến công tác chữa cháy gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, với tinh thần khẩn trương, quyết tâm cao, sau 6 giờ tích cực triển khai các phương án dập lửa, cán bộ, chiến sĩ các đơn vị quân đội và nhân dân địa phương đã khống chế hoàn toàn được đám cháy.
Tương tự, vào tối ngày 2/4, hơn 200 người gồm các lực lượng Kiểm lâm, Công an, BĐBP, dân quân và người dân đã tham gia chữa cháy tại thôn xã Ma Lé, huyện biên giới Đồng Văn, tỉnh Hà Giang. Vụ cháy thiêu rụi khoảng 5ha thảm cỏ và rừng phòng hộ bên bờ sông Nho Quế. Khu vực cháy có địa hình hiểm trở, dốc cao nên công tác chữa cháy rừng gặp nhiều khó khăn. Hay mới đây nhất, vào khoảng 16 giờ, ngày 1/5, tại Tiểu khu 664 thuộc xã Ia Din, huyện biên giới Đức Cơ, tỉnh Gia Lai đã xảy ra vụ cháy rừng phòng hộ. Nhận được tin báo, UBND xã huy động lực lượng tại chỗ khoảng 50 người gồm Kiểm lâm, Công an, cán bộ xã Ia Din, dân quân tự vệ và cộng đồng dân cư tiếp cận hiện trường, tham gia chữa cháy. Do đám cháy lớn, đến khoảng 21 giờ cùng ngày, lực lượng chữa cháy mới khống chế, dập tắt hoàn toàn đám cháy. Diện tích đã bị cháy ước tính khoảng 6ha. Bước đầu, lực lượng chức năng xác định, vụ cháy xuất phát từ hoạt động đốt, dọn thực bì làm nương rẫy của người dân địa phương, dẫn đến cháy lan sang khu vực rừng liền kề.
Giữ rừng là giữ biên cương
Cháy rừng không chỉ là mất cây xanh, mà còn là mất lá chắn sinh thái, mất bức tường phòng thủ tự nhiên nơi biên giới. Khi những cánh rừng Trường Sơn, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ hay Tây Bắc bị lửa nuốt chửng, đó cũng là lúc sinh kế, văn hóa bản địa và an ninh quốc gia bị đe dọa.

Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Tịnh Biên, BĐBP An Giang tuần tra, kiểm soát khu vực rừng biên giới. Ảnh: Quốc Phong
Hiện nay, cả nước đang vào cao điểm nắng nóng, nguy cơ xảy ra cháy rừng rất lớn. Để đối phó với tình trạng cháy rừng ngày càng phức tạp, các địa phương và ngành chức năng đã tăng cường công tác tuyên truyền phòng, chống cháy rừng với nhiều hình thức như: Treo băng rôn, bảng cấm lửa, sử dụng loa lưu động phát thanh tại các khu vực có đông dân cư, các tuyến đường lên núi, ven chân núi nhằm nâng cao ý thức của người dân trong việc bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng. Đồng thời, chủ động xây dựng phương án, đảm bảo ứng trực đủ quân số, tập trung cao độ, triển khai nhiều giải pháp bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng theo phương châm "4 tại chỗ"; bố trí lực lượng tại các trạm quản lý rừng liên huyện để tuần tra, trực gác theo từng khu vực cụ thể, sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ khi cần thiết; xây dựng các tuyến đường tuần tra tại những khu vực trọng điểm để bảo vệ rừng; chủ động triển khai đốt, phát dọn cỏ, làm giảm vật liệu cháy tại các khu vực ven rừng...
Phòng chống cháy rừng cần sự phối hợp liên ngành, liên địa phương và đặc biệt là vai trò của người dân địa phương, những người gần rừng nhất. Mỗi người dân cần nâng cao ý thức, chung tay bảo vệ rừng để giữ gìn môi trường sống và đảm bảo an ninh khu vực biên giới. Theo ông Phạm Văn Nhân, cán bộ phụ trách Chốt bảo vệ số 2, xã Vĩnh Phú, huyện Giang Thành, tỉnh Kiên Giang, Giang Thành là huyện biên giới, diện tích lâm nghiệp có rừng hơn 2.190ha với 3 loại rừng là rừng phòng hộ, rừng sản xuất và rừng đặc dụng. 5 đơn vị được giao quản lý, bảo vệ rừng gồm: Ban quản lý rừng Kiên Giang, Trung đoàn 30 (Sư đoàn 4) và Sư đoàn 330 (Quân khu 9), Lâm trường 422, Ban quản lý Khu bảo tồn loài - sinh cảnh Phú Mỹ. Để thực hiện các biện pháp cấp bách phòng cháy, chữa cháy rừng, thời gian qua, các đơn vị đã tăng cường công tác tuyên truyền về phòng cháy, chữa cháy rừng; tổ chức họp dân ký cam kết phòng cháy, chữa cháy rừng khi đốt đồng ven rừng...
Mỗi hành động nhỏ từ ý thức sử dụng lửa an toàn, không đốt rừng bừa bãi đến việc tích cực tham gia bảo vệ rừng đều góp phần gìn giữ những cánh rừng xanh cho hôm nay và thế hệ mai sau. Giữ rừng là giữ nguồn sống, giữ biên cương, bởi vậy, hãy hành động kịp thời và đồng lòng để “giặc lửa” không còn cơ hội tàn phá lá phổi xanh của đất nước.